Bến đò sinh tử giữa phố

16/09/2016 - 06:30

PNO - Tôi kể ông nghe, miền núi Quảng Nam đêm qua vỡ đập thủy điện, làm chết hai người, cuốn trôi xe, nhà, mấy chục người chưa rõ tung tích. Ngoài Nghệ An sạt núi vùi chết năm người. Bật ra tiếng “thế à”, ông nhìn bà lặng đi.

Tôi kể ông nghe, ở miền núi Quảng Nam đêm qua vỡ đập thủy điện, làm chết hai người, cuốn trôi xe, nhà, mấy chục người chưa rõ tung tích; Ngoài Nghệ An sạt núi vùi chết năm người. Bật ra tiếng “thế à”, ông nhìn bà lặng đi. Hai người già, lũ lớn, sao chống nổi? “thì ráng trèo lên gác chứ biết làm sao cháu”, giọng bà bất lực. Ở hai thôn Ân Phú và Ngọc Thạch của xã Tịnh An, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, bị cô lập bởi tứ bề là nước nên thanh niên bỏ làng đi làm xa hết, trụ lại phần lớn là người già, trẻ con.

15g30 ngày 14/9. Nước đục ngầu, cuồn cuộn, vài chỗ xoáy nhấn chìm rác nhanh như chớp. “Sâu không?”, tôi hỏi mấy người đàn ông ngồi chờ đò. Một ông cười hê hê: “Anh biết bơi không, nhảy xuống biết liền, mấy thước chứ không phải chơi đâu”. “Mới mưa hôm qua mà thế này, đò đi cực biết mấy”. “Thôi thôi, tụi tôi cực mấy mươi năm rồi. À, ông Châu chủ đò, kể chuyện cho ảnh nghe đi”. Người đàn ông tên Châu xòe bàn tay u sần bắt, kèm theo câu “nhà báo hử?”.

“Thèm” một cây cầu

“Ghe gì mà như cái mền rách?”. “Chứ lấy đâu ra ghe mới, đóng mới phải mất cả trăm triệu”. “Anh lái bao năm rồi?”. “Ba chục, nhưng bến này 15 năm”. Bỗng ông bật cười, giọng như chế giễu: “Tôi không có bằng lái, nhưng cứu ba thằng lái ca nô chạy từ sông Trà xuống đây bị chìm”. “Không bằng sao cho lái?”. “Không có ai thì tôi làm chứ. Không chở, bà con chết… thét liền”.

Ben do sinh tu giua pho
Mưa lũ, dân An Phú lo sợ nhất là học sinh phải qua lại sông trên con đò rách

Bên kia sông là thôn Ân Phú (260 hộ, 1.035 khẩu) và xóm Tân Lập (70 hộ, 235 khẩu) thuộc thôn Ngọc Thạch của xã Tịnh An, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Từ ngã ba bên này cầu Trà Khúc, theo đường xuống cảng Sa Kỳ, tôi hỏi một chị bán nước mía, chị chỉ đường và nói: “Tối rồi, chuẩn bị mưa, em qua đó là lội nước lụt”. Đường mới mở chạy về thành phố, hai làn thênh thang, nhưng khi quẹo xuống bến đò này nhìn qua, cả hai thôn kia như vồng khoai xanh ngắt lọt thỏm giữa sông.

Trời chuyển tối sầm. Nước không ngừng réo, đò cứ chực bị đẩy lệch bến. Ông Châu tay lái căng lên, mắt đăm đăm, trả lời tôi mà như bị… hành: “Dân thành phố mà mới mưa là phải chạy lụt. Đó, bắp, rau, bí của mấy người này, nay mà không hái, nước lụt nó ngâm là… treo miệng”.

Làm nông toàn bộ, quanh năm lội nước, hễ mỗi khi mưa lớn là cả thôn rùng rùng chạy lụt. “Anh cứ tính, hễ rằm tháng Tám cho đến cuối năm là đi đò, mưa to là trèo lên gác ngó xuống. Hộ khẩu thành phố mà lội lụt bốn tháng, anh coi ở tỉnh này có ai như dân tụi tôi không?”.

Một người tên Nguyễn Đình Tân nói: “Hôm qua con trễ, cha cũng trễ, cả làng gần 200 học sinh cấp I - II - III đều nghỉ”. “Sao không đi sớm?”, “Mò dậy đi 5 giờ, chờ đò, con đi học rồi mình mới đi, chứ có dám đi trước đâu, nhưng nước chảy dữ quá, không ai dám đi, con nít trễ học nên quay về hết.

Hàng chục năm rồi, cha mẹ đi theo đuôi con cái. Toàn bộ học sinh bên kia phải qua đò mới đi học được, chỉ có mấy đứa mẫu giáo là học tại chỗ thôi. Sáng đưa, chiều đón, cực lắm, lên đò giành nhau la như quạ. Làm được bó rau lang, ví dụ bán được năm ngàn, nhưng trễ đò, lên chợ còn một ngàn, mang về cho bò ăn. Hôm qua mưa to, bà vợ ở nhà nói giờ tính sao. Mấy bao bắp, lúa mình bả không đưa lên gác nổi, thình lình nước lên nhà là chết đói, mình thì làm thợ mộc, giao hàng đúng hẹn cho người ta, nóng huơ cái ruột”.

“Ghe chạy sáng mấy giờ, tối mấy giờ?”. “Không chừng. Hai giờ sáng đã chạy, bảy giờ tối nghỉ”, ông Châu vừa nói vừa ngáp. “Nửa đêm gà gáy, mấy bà chuyển bụng đẻ rồi đau bệnh thì sao?”. “Chở chứ sao!”. Anh tên Toán cười: “À, con Tám con bà Hai Siêng năm kia đẻ trên đò, ông thấy chi không?”. Ông Châu cũng cười: “Vụ đó tôi không lái mà thằng kia. Con bé được đặt tên là Giang, vì đẻ trên sông”. “Có ai đưa đò chết không?”. “Có”. Anh Tân kể, năm 2004, cha con ông Phạm Ninh và Phạm Viết Trung trực đò, nửa đêm lũ về cuốn trôi, cha con đều chết. “Nói anh biết, trên đoạn lạch này có biết bao vong hồn người lớn, con nít”.

Tôi lội trong làng, đoạn xuống đội 2 sát sông, nước ngang gối, bùn sệt dài dưới chân. Nhà ai cũng cao so với mặt đường hơn 3m. Dấu vết trận lụt năm 2013 còn đó, lằn bùn ngang nửa cửa sổ. Đất ven sông, nên có cảm giác chỗ nào cũng đẫm bùn non. Nhưng đường xóm hẹp quá, nếu lụt lớn, ghe khó mà di chuyển. Bà vợ ông Lê Tỏi, trưởng thôn Ân Phú, nói vọng ra từ sân: “Ở đây không cần dầu cần gạo, chỉ cần cái cầu chứ chưa mưa đã lụt, sợ chết luôn, ghe cột tại chỗ chứ biết chạy đâu”. Cây cầu, đó là nỗi khao khát hơn 40 năm qua ở ốc đảo giữa lòng thành phố này.

“Nói miết rồi, nhưng không có. Hôm qua, hai vợ chồng chú ngồi lo, nước mấp mé vô làng, mình già yếu, lỡ con cái chạy về không kịp, khổ thân” - ông Nguyễn Xuân Đương, trưởng khu dân cư số 1, thôn Ân Phú ngao ngán.

Bà vợ ông từ chuồng trâu đi ra, chân dính kín đặc phân trâu, kể: “Năm đó, mấy tạ bắp để dành bán kiếm tiền sắm tết hư hết. Ở đây có nhà chống lũ, nhưng chỉ bà già, con nít lên thôi chứ người mạnh khỏe có dám bỏ đi đâu, lụt cuốn hết tài sản thì ngồi… đếm răng”. Nói xong, bà đến giở tấm bạt: “Mùa này được mấy tạ bắp, vái ông trời đừng có lụt như năm đó”.

“Thì chỉ vái ông trời chứ ai giờ”, ông Đương đánh tay cái xạch xuống nền hiên, chỗ tôi và ông đang ngồi. Ẩm ướt, lở lói. “Lụt to thì chỗ này cột bò”, giọng ông như sũng mưa. Tính mạng, áo cơm treo đầu con nước. Mang tiếng ở thành phố nhưng cứ thấy trời mưa là xanh mặt, rúm ró lo không qua đò được, lo tài sản trôi sạch, làm cả năm cúng hết cho hà bá.

Đầu xóm giáp sông Trà, cuối xóm giáp biển, lúc mưa to, đứng ở cầu Trà Khúc nhìn xuống xóm này như biển. “Thương nhất là học trò, mùa mưa là cha mẹ lo cùng con, nó sợ trễ học, cha mẹ sợ đò chìm. Chú mày mà đến lúc mưa, tối nước lên, sẽ thấy cả làng đổ ra đón con cháu, nó lên bờ rồi mình mới hoàn hồn”, giọng ông Đương chua xót.

Ben do sinh tu giua pho

Bản hòa âm buồn

Tôi nói: “Đài báo có bão lớn đó chú”. Ông giật mình quay lại nhìn tôi. “Ở đâu?”. “Trung Quốc”. Tiếng thở phào không át được vẻ hốt hoảng trong đôi mắt già nua. Tôi kể ông nghe, ở miền núi Quảng Nam đêm qua vỡ đập thủy điện, làm chết hai người, cuốn trôi xe, nhà, mấy chục người chưa rõ tung tích; ngoài Nghệ An sạt núi vùi chết năm người.

Những thông tin dồn dập đầu mùa mưa, khiến người bình tĩnh nhất cũng phải run. Bật ra tiếng “thế à”, ông nhìn bà lặng đi. Hai người già, lũ lớn, sao chống nổi? “Thì ráng trèo lên gác chứ biết làm sao”. Giọng bà bất lực chứ không thể hơn được, cứ như thấy nước đang liếm dần lên vách…

Những người già kể, trong vòng 20 năm, và nhất là 5 năm trở lại đây, cứ mưa to là phải lội nước ngay, từ làng ra bến, rồi đò giang chòng chành, hễ có công chuyện bên thành phố là ngao ngán. Bị bao vây tứ bề là nước, nên thanh niên bỏ làng đi làm xa hết, trụ lại phần lớn là người già, trẻ con.

Tôi quay lại bến sông, chạng vạng, đúng lúc đò cập. Mấy đứa học trò run rẩy bước qua cái thang gỗ nối ghe với bến. Trên đò, một bé gái run lên, ôm chặt lấy người đàn ông. Người đó dỗ dành: “Đừng sợ con, có ba đây”. Tôi bỗng sợ. Sẩy chân một cái, đau đớn một đời. Ông già tên Đình chỉ tay: “Đó, ông Tới trưởng thôn Ân Phú đứng trên đò”.

Nhìn tôi rồi nhìn mấy đứa con nít lội nước lủm chủm, ông Tới buồn bã: “Hôm qua nước ở mức báo động 1 là nhốn nháo rồi, ghe thuyền chuẩn bị sẵn. Chú sợ năm nay mưa lụt lớn, lại khổ nữa. Người ta nói cực quen rồi, nhưng lụt thì có dám quen đâu, bởi sinh tử bất ngờ”. Anh thanh niên trầm ngâm: “Dân chúng tôi ngán tới cổ nạn chạy lụt rồi, nhưng mấy ông cán bộ tỉnh có ở đây đâu mà biết”.

Tôi nắm được thông tin, do có dự án du lịch ở đây, nên người ta “treo” hết, nhưng bao giờ dự án khởi động thì không biết. Tôi hỏi một cán bộ xã về cây cầu, người này nói như rên: “Chúng tôi lo đêm ngày chuyện bà con đi đò mùa mưa, nhưng biết làm sao khi đã vướng quy hoạch”.

Hôm sau tôi hỏi, thì thầy Đặng Tấn Hơn, Hiệu trưởng Trường THCS Tịnh An giãi bày, rằng bên đó nằm trong vùng quy hoạch của tỉnh, rồi xu hướng phải học tập trung để xây dựng cơ sở vật chất khang trang nên đành chịu, không thể xây trường, chứ thầy cô lo lắm mỗi khi học trò mình xuống đò…

Đò cập. Trên bờ có mấy chục người chen xuống, xe cộ va vào nhau loảng xoảng. Có nhiều phụ nữ bồng con. Tôi hỏi một chị tên Lai, chị nói con sốt, đưa ra bệnh viện thành phố, giờ đỡ rồi đem về; ở đây sợ nhất đau ốm mùa mưa lụt, bệnh nổi bất ngờ, kêu không có đò là cầm chắc cái chết, may mà chưa ai chết.

Vừa găm khóa vào xe, tôi liền quay lại vì nghe sau lưng có tiếng quát. Ông chủ đò mặt sừng sộ, vừa la vừa nhảy lên bờ: “Mấy người ngon thì lái đi, tôi không chạy”. Ai đó năn nỉ “thôi chạy đi”. Ông không ngừng quát: “Không là không! Đò chìm, tôi chỉ cứu được sáu – bảy người chứ cứu hết được đâu. Lên bớt đi”. Không ai nhúc nhích.

Tôi đếm lướt, đâu chừng 20 người và xe, trên bờ còn sáu người. Rồi ông cũng lên, mặt hầm hầm. Máy nổ, đò quay mũi. Tôi ngó dòng nước, mấy chục con người và con đò nát nhấp nhô. Cầu trời mọi sự bình yên. Người ta hay nói quay đầu là bờ, là ngộ lẽ đời, lẽ tử sinh, còn ở đây, cập đến bờ rồi mới biết sinh hay tử.

Đầu năm học, rộn rã Trung thu, nhưng học trò ở đây thì xắn quần lội nước lụt. Con đò nát đó, cha ông đã phải nương theo mà kiếm áo cơm, nay đến lượt chúng nó lại lên đò kiếm chữ, đò không đổi thì phận người sao đổi nổi, cộng với cái xóm kia, thảy như là bản hòa âm buồn xo của ốc đảo giữa lòng thành phố này, cứ ca hoài ca miết bản đó, nhàm chán mà xót xa, cứ mong nhưng không biết có gì để mong.

Cũng là dân thành phố, nhưng giờ này thiên hạ trên phố đang đổ ra đường xe pháo ầm ĩ, đèn điện chói chang; còn ở đây, tối mịt mờ, lấn qua sông trên con đò rách để kịp còn mò mẫm lội nước về, tránh cơn mưa chuẩn bị đổ xuống …

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI