Bên cánh rừng già

01/02/2025 - 07:13

PNO - Những cánh rừng già, những dãy núi xanh, những nếp nhà sàn ẩn mình trong sương sớm, tiếng róc rách của suối hòa cùng tiếng cười nói rộn ràng của chị em đang thu hái trên nương - đó là bức tranh mà Đinh Thị Huyền luôn mang trong tâm trí. Bức tranh ấy không chỉ là ký ức, nó còn là giấc mơ, một giấc mơ mà chị đang từng ngày biến thành hiện thực.

Thôi thúc đến từ sự tự ti

Nhìn Đinh Thị Huyền hồn nhiên như con suối, ít ai biết chị đã là bà mẹ 2 con, tuổi cũng đã ngoài 40. Họ Đinh nhà Huyền là 1 trong 4 dòng họ lớn nhất xứ Mường, tỉnh Hòa Bình (Đinh, Quách, Bạch, Hà). Ngày còn học cấp III ở trường dân tộc nội trú, Huyền luôn thấy đám trẻ của trường có điều gì đó tự ti, dù chính Huyền cũng không biết sự tự ti đó là vì “thiểu số”, hay vì cái nghèo dường như đã bám rễ lên từng nóc nhà.

Đinh Thị Huyền bên rừng trúc của bản Giộc Sâu là một phần của nông nghiệp di sản, góp phần cùng bà con làm du lịch
Đinh Thị Huyền bên rừng trúc của bản Giộc Sâu là một phần của nông nghiệp di sản, góp phần cùng bà con làm du lịch

Những khúc mắc không rõ hình hài, cùng hoài nghi “thiểu số có phải là kém cỏi?”, đã dẫn dắt Huyền đến giảng đường Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), để từ đó chị mở cánh cửa du học theo chương trình đào tạo của Đại sứ quán Mỹ. Ở bên kia bán cầu, chị gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều phụ nữ khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp…

Những phụ nữ trong các cuộc tiếp xúc ấy trái ngược với hình ảnh vốn đã in hằn trong tâm trí chị: mẹ, bà và tấm lưng gồng nặng trĩu; những người phụ nữ quẩn quanh ruộng nương, đêm dài chỉ chìm trong giấc ngủ, không bao giờ biết đặt câu hỏi về tương lai…

Huyền biết mình sẽ phải làm gì đó. Kết thúc chương trình đào tạo, chị về nước, bắt tay vận dụng những kiến thức đã học về mô hình kinh tế nhỏ do phụ nữ làm chủ. Năm 2011, Trung tâm Hợp tác phát triển Tây Bắc ra đời, với mục tiêu “Đồng hành cùng phụ nữ phát triển sự nghiệp, yêu bản thân, khẳng định vị thế”...

Rồi chị thành lập Công ty Đầu tư và Phát triển Tây Bắc - Agritage Việt Nam, triển khai các mô hình kinh doanh cùng người nghèo tại các vùng nông thôn, miền núi… Huyền mang một khát vọng âm ỉ như bếp than hồng sực ấm trong mỗi nếp nhà sàn: phải làm sao để các cộng đồng thiểu số, đặc biệt là phụ nữ, có thể phát triển đời sống, kinh tế dựa trên chính những khác biệt văn hóa của dân tộc mình!

Hết thơ ngây nhưng chưa hết nhiệt thành

Người hoạt động vì cộng đồng yếu thế như Huyền không ít, nhưng bền bỉ cùng bà con mười mấy năm trời, thì có lẽ Huyền là đặc biệt. Đặc biệt đến độ khi nhắc nhớ dự án tạo sinh kế cho phụ nữ từ cây chít - dự án đầu tiên thực hiện sau khi về nước - chị hồn nhiên cười lớn: “Cộng sự “đi buôn” chổi chít của tôi giờ đã là tổng giám đốc một tập đoàn lớn của Hàn Quốc. Tôi thì vẫn tiếp tục buôn rau cùng bà con”.

Huyền (áo dài đỏ) cùng chị em phụ nữ xã Chiềng Yên đón “Vua đầu bếp” Mỹ Christine Hà (thứ hai từ phải qua)
Huyền (áo dài đỏ) cùng chị em phụ nữ xã Chiềng Yên đón “Vua đầu bếp” Mỹ Christine Hà (thứ hai từ phải qua)

Chị cũng không giấu về những lần mở cánh cửa nhưng không dẫn dắt được bà con đi tới đâu. Dự án tạo sinh kế cho bà con từ cây chít, hay các khóa dạy nghề ngắn hạn đều không có điểm đến. Kết thúc dự án là mọi thứ cũng không còn duy trì. Kể cả khi chị mở cửa hàng thực phẩm sạch, bao tiêu đầu ra cho các loại rau xanh của bà con, thì mong muốn của chị vẫn không thực hiện được.

Một lần dò dẫm tìm phương hướng, Huyền thấy mô hình làng di sản nông nghiệp của FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc). Chị chia sẻ: “Đọc danh sách, không thấy có làng nào của Việt Nam, tôi “tức” lắm - một quốc gia nông nghiệp, sao lại không có di sản nào? Chúng tôi lập tức lên ý tưởng và thực hiện kế hoạch khảo sát rất nhiều bản, làng, thì thấy bản Bướt (xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) đáp ứng được các tiêu chí”. Ý tưởng là thế, nhưng con đường hiện thực hóa đầy những thử thách. Ngôi làng nhỏ nằm giữa rừng nguyên sinh, nơi suối cá lặng lẽ trôi, ruộng lúa vàng óng đẹp như bức tranh, nhưng dưới vẻ đẹp ấy là những câu chuyện của đói nghèo, của sự cam chịu.

Huyền không nhớ hết những buổi trò chuyện bên bếp lửa, những ngày cùng bà con lội qua con đường sình lầy để khảo sát từng vạt đồi, thửa ruộng. Bà con nơi này đã quen sống chậm rãi, lành lẽ cùng núi rừng. Chị phải kể cho họ nghe về những bản làng khác, về cách làm khác. Phải đến khi người Mường ở bản Bướt thấy Huyền cùng người Thụy Điển (cán bộ hỗ trợ dự án) xách xô, cầm kẹp tre đi gắp phân trâu, phân bò khắp bản… bà con mới dần tin tưởng và đồng hành.

Những khó khăn, thiếu thốn về đường sá, cơ sở vật chất rồi cũng được lấp dần nhờ sự chung tay. Nhưng khó khăn lớn vẫn là sự tự ti. Những người phụ nữ chỉ quen cặm cụi trên nương, bỗng dưng được bảo rằng có thể trở thành chủ nhà đón khách, làm du lịch. Điều đó thật xa vời. “Nên cái khó nhất không phải là tìm ý tưởng, mà làm sao để chị em tin rằng họ có thể làm được” - Huyền chia sẻ.

Chị và cộng sự đã đồng hành với họ từ đĩa trứng chiên - phục vụ khách phải khác đĩa trứng thường nhật của gia đình. Nội chuyện bếp núc theo “chuẩn” du lịch đã mất mấy tháng trời. Cùng với đó là biết bao hiểu lầm, hờn giận, trách móc và cả nước mắt. Có những lúc Huyền phải nói trong nước mắt: “Em cũng là người Mường, em bước ra thế giới được thì các chị cũng sẽ làm du lịch được”.

Mang đến một giấc mơ

Khi một người bắt đầu, cả bản sẽ quan sát. Khi mọi người nhìn thấy những thay đổi - một chút tiền tích lũy; một ngôi nhà sạch sẽ hơn, hay có tiếng cười của du khách - thì sự tự tin mới bắt đầu nhen nhóm. Rồi các kỹ năng phục vụ lưu trú, hướng dẫn du khách… cũng trơn tru. Bà con đã thuần thục canh tác nông nghiệp hữu cơ, bán được cả nông sản tươi và nông sản chế biến từ các giống cây trồng bản địa.

Và từ bản Bướt, “dấu chân” làng nông nghiệp di sản đã lan sang nhiều bản khác. Ở mỗi nơi đặt chân đến, Huyền không mang theo những dự án khô khan hay áp lực doanh thu, mà mang đến cho bà con một giấc mơ - giấc mơ giúp cộng đồng tìm lại niềm tự hào, làm chủ tương lai từ chính nông nghiệp của xứ sở mình.

Trên ngọn đồi cao nhất bản là cây cối ngát xanh. Năm 2019, khi dự án mới bắt đầu, đây là quả đồi trơ trọc do bà con lạm dụng hóa chất trong canh tác. Sau biết bao gánh đất trùm lên, cây xanh phủ xuống để trả lại đất mùn, nơi đây mới trở thành điểm đến trung tâm của bản.

Dang tay, hít sâu bầu không khí trong lành, Huyền kể: “Nhiều năm trước, tôi có giấc mơ được quay về làng Mường cổ, nơi ông nội, cụ nội tôi… từng sinh sống. Nơi đó, các chị, các mẹ mặc váy Mường, đội mũ trắng, nói cười ríu rít, thu hái hoa màu trên cánh đồng trĩu hạt. Thật kỳ diệu, một vài năm sau, công việc đưa tôi đến những ngôi làng giông giống giấc mơ năm xưa”.

Đó là bản Bướt với rừng già, suối cá, ruộng nương vàng ruộm; là Giộc Sâu (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) với vườn vầu, những mái ngói âm dương cổ kính, và con người vùng biên hồn hậu, nhiệt thành… Và giờ là Khải Cai, mảnh đất cổ của người Mường Vang (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) - ngôi làng bình dị nằm bên bờ sông Bưởi, giữ trong mình bao chuyện cổ xưa.

“Ngôi làng Mường cổ trong mơ năm nào, có thể vẫn ở đâu đó, chờ đủ cơ duyên sẽ lại xuất hiện. Bạn có tin không?” - Huyền nhìn xa xăm, như tự nói với chính mình.

Uông Ngọc

Ảnh: V.H.A.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI