Bền bỉ như dòng phim xưa

30/10/2021 - 07:00

PNO - Nhìn vào những bộ phim xưa nở rộ trong thời gian gần đây, có thể thấy các nhà làm phim đã nỗ lực hết mình để tự làm mới.

Nếu xem phim truyền hình là “món ăn” chủ lực trên màn ảnh nhỏ, thì những bộ phim lấy bối cảnh xưa là một “đặc sản”. Dòng phim này tuy không tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ, nhưng vẫn thu hút nhiều người xem, thậm chí dù các nhà đài mở thêm khung giờ mới không thuận lợi nhưng vẫn hút khán giả.

Đặc sản phim truyền hình phía Nam

Với tám tập vừa phát sóng, bộ phim Lưới trời (đạo diễn Phương Điền, phát sóng lúc 21g30 thứ Hai, thứ Ba hằng tuần trên kênh Vĩnh Long 1) lấy bối cảnh những năm 1940 - 1960 đã nhanh chóng lọt vào top 10 các chương trình truyền hình được yêu thích khu vực miền Đông Nam bộ. Kết quả bất ngờ này cho thấy dòng phim xưa luôn có sức hút với khán giả bất chấp việc Lưới trời mở màn khung giờ mới, khá muộn và thời lượng phát cũng rất ngắn, chỉ hơn 25 phút.

Ngoài Lưới trời, còn có một phim khác nữa vừa lên sóng, cũng là minh chứng cho sự ăn khách của dòng phim xưa, đó là phần ba của Nghiệp sinh tử (đạo diễn Bùi Ngọc Nam Phương, phát sóng lúc 20g hằng ngày trừ Chủ nhật trên kênh Vĩnh Long 1 kể từ ngày 23/10).

Các phim bối cảnh xưa đang thu hút một lượng lớn khán giả theo dõi. Trong ảnh là cảnh trong phim Lưới trời
Các phim bối cảnh xưa đang thu hút một lượng lớn khán giả theo dõi. Trong ảnh là cảnh trong phim Lưới trời

Nghiệp sinh tử là loạt phim cổ trang kể chuyện phá án cõi âm - dương. Phần một của phim dài 78 tập gồm năm câu chuyện lên sóng hồi cuối năm 2020. Phần hai tiếp tục ra mắt hồi tháng tư năm nay và tăng lên 86 tập với ba câu chuyện. So với hai phần trước, phần ba gồm hai câu chuyện là Hoán đổi dung nhan và Đánh tráo số phận  có số tập tuy không nhiều bằng, nhưng thời lượng dài hơn, thay vì chỉ khoảng bảy, tám tập/câu chuyện như ở các phần trước thì tăng gấp đôi (Hoán đổi số phận dài 16 tập, Đánh tráo số phận 51 tập). Việc nhà làm phim mạnh dạn kéo dài số tập của từng câu chuyện chứng tỏ phim rất hút khán giả.  

Nếu như phim truyền hình phía Bắc ngày càng chiếm cảm tình người xem ở dòng chính luận, phim chủ đề gia đình, thì màn ảnh nhỏ phía Nam ngày càng cho thấy sự “thống trị” ở dòng phim xưa. Dấu mốc của sự bùng nổ phim xưa đến từ sau thành công của Tiếng sét trong mưa, một bộ phim khai thác đề tài nông thôn miền Tây Nam bộ vào những năm 1930, phóng tác từ tác phẩm Lôi vũ. Sau phim này, một loạt phim xưa lần lượt ra đời như Mẹ ghẻ, Yêu trong đau thương, Ngày em đến, Dâu bể đường trần. Không chỉ đài Vĩnh Long “độc quyền” món “đặc sản” này, mà cả VTV cũng phát sóng hai phim xưa Ngày em đến, Yêu trong đau thương và cả hai phim đều được yêu thích dù giờ phát không thuận lợi (14g thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần).

Khó như làm phim xưa 

Những cái khó khi làm phim xưa về mặt bối cảnh, phục trang đã được nói đến nhiều, chung quy chỉ vì kinh phí có hạn. Biên kịch Đặng Thanh Bình cho biết: “Kịch bản phim xưa có cái khó là khi viết, biên kịch phải tự tính toán tính khả thi của bối cảnh, giảm số lượng nhân vật để phim dễ sản xuất, vì dòng phim này khá tốn kém. Chẳng hạn, trong Dâu bể đường trần, tôi viết cảnh hạ thủy tàu buôn, cảnh nhân vật đi xe hơi cổ… nhưng đoàn phim không thể thực hiện được vì kinh phí có hạn”.

Đạo diễn Bùi Ngọc Nam Phương (loạt phim Nghiệp sinh tử, Ải trần gian, Trần Trung kỳ án…) thì than thở có bối cảnh tìm cực khổ, nhưng quay xong một thời gian trở lại quay phần tiếp theo đã thấy “phim trường” bị… phân lô bán nền. Đạo diễn Phương Điền có nỗi lo về khoản diễn viên vì chọn diễn viên phim xưa thì không thể có gương mặt hiện đại quá, hoặc chỉnh sửa thẩm mỹ nhiều quá. Diễn viên đóng phim xưa cũng phải là người biết chịu khó học hỏi tìm hiểu mới am tường về văn hóa, ngôn ngữ người xưa để nhập vai tốt được. 

Nhà báo Lê Thanh Tuấn - Giám đốc Đài phát thanh truyền hình Vĩnh Long (THVL) - cho biết: “Phim Lưới trời khi lên sóng từ đầu tháng Mười luôn nằm trong top 3 phim truyện có rating cao và có lượng người xem đông, đặc biệt ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long,  Đông Nam bộ. THVL khai thác nhiều phim xưa vì bối cảnh, câu chuyện, những nét đời sống văn hóa tái hiện trong phim rất gần gũi với đối tượng khán giả chính của đài là khán giả Nam bộ.

Dòng phim này, ngoài những phim tâm lý xã hội có bối cảnh Nam bộ xưa, đài còn khai thác bối cảnh đa dạng hơn như cổ trang, cổ tích (Trần Trung kỳ án, Nghiệp sinh tử, Cậu bé nước Nam, Hai chàng hảo hớn, Gái khôn được chồng…) được lồng ghép vào những câu chuyện cổ kim, gửi gắm nhiều thông điệp nhân văn. Dòng phim xưa vẫn còn được khán giả THVL quan tâm yêu mến, nên sắp tới đài sẽ tiếp tục có những bộ phim Nam bộ xưa nhưng phong phú hơn về bối cảnh, thời điểm và sẽ được đầu tư công phu về nội dung, hình ảnh lẫn đề tài”. 

Cố gắng tìm cái mới trong cái cũ

Phim xưa sở hữu nhiều lợi thế lôi cuốn sự chú ý của người xem. Ngay từ bối cảnh, người xem đã thấy phần “nhìn” được đổi mới. Nội dung cũng là ưu điểm của phim xưa vì phần lớn kịch bản dựa trên những tác phẩm văn học, tuồng tích nổi tiếng, chuyển tải thông điệp nhân văn, gần gũi tâm lý người Việt. Mang đến cảm giác hoài niệm cũng là lợi thế khác của dòng phim này. 

Nhìn vào những bộ phim xưa nở rộ trong thời gian gần đây, có thể thấy các nhà làm phim đã nỗ lực hết mình để tự làm mới. Phim xưa hiện nay hầu như không còn thấy nhịp điệu rề rà như thời những phim ra đời ở thập niên 1990-2000 nữa, mà đã mang hơi thở hiện đại hơn. Đạo diễn Phương Điền (phim Tiếng sét trong mưa, Lưới trời) cho biết: “Thông qua các bình luận trên mạng tôi nhận thấy phim xưa rất được khán giả trẻ quan tâm. Vì vậy cách làm dòng phim này cũng phải thay đổi để phù hợp với thời đại, nhu cầu người xem. Bối cảnh phải tươi sáng hơn, khâu chọn nhạc cũng cần mới mẻ. Khi biên tập, tiết tấu phim phải được tính toán đẩy lên cho nhanh gọn chứ không thể dàn trải. Sau Lưới trời, tôi có kế hoạch làm tiếp phim xưa khác là Thời mở cửa, lần này thời đại lui về sau một chút, từ những năm 1970 đến 1990”.

Trích đoạn Vụ án nàng Thị Lựu (phim Trần Trung kỳ án)

 

 

Ở góc độ người viết, biên kịch Đặng Thanh Bình chia sẻ: “Phim hiện đại hay phim xưa thì chủ đề thường thấy vẫn là gia đình. Do đó, để kịch bản không bị lặp lại cái cũ, tôi tránh đi vào những câu chuyện đã định sẵn công thức ví dụ tình yêu tay ba tay tư, mà xác định trước bối cảnh và định vị luôn công việc của nhân vật chính. Cách này tạo ra điểm bám giúp các tình tiết triển khai luôn mới vì mỗi nghề nghiệp, công việc sẽ tạo ra mối quan hệ, mâu thuẫn khác nhau, không trùng lắp”. 

Bên cạnh nỗ lực của người trong cuộc thì không thể phủ nhận là phim xưa mang trong mình giá trị văn hóa, lịch sử. Chính giá trị tự thân đó đã, đang và sẽ là chìa khóa giúp dòng phim này bền bỉ trên màn ảnh nhỏ.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI