Nhạc cổ điển có vẻ xa lạ với nhiều người, nhưng rất có thể bạn đã nghe Beethoven với giai điệu trữ tình của bản Für Elise, hay thanh thoát với bản Sonata Ánh trăng đề tặng nàng Julia Guicciardi, hoặc xa hơn là đoạn trình bày đầy kịch tính của bản Symphony số 5…
Chỉ vậy thôi, là đã đủ cái cớ để đọc cuốn sách về nhà soạn nhạc vĩ đại và kiêu hãnh bậc nhất mọi thời đại rồi.
Lewis Lockwood, tác giả cuốn sách, là giảng viên hai đại học danh tiếng ở Mỹ: Princeton, Harvard; là giáo sư âm nhạc danh dự Fanny Peabody. Công trình Beethoven - Âm nhạc & Cuộc đời (tựa gốc: Beethoven - The Music and the Life) của ông từng được đề cử giải Pulitzer.
|
Beethoven - Âm nhạc & Cuộc đời, tác giả: Lewis Lockwood; dịch giả: Lê Ngọc Anh, Mai Đức Hạnh; hiệu đính: Trang Trịnh; Omega+ và Nhà xuất bản Dân Trí, 2020 |
Về mặt phương pháp, Lewis Lockwood đã chọn một con đường thuyết phục, đan dệt song hành giữa tác phẩm với tiểu sử nhân vật. Nhưng sức cuốn hút vượt trội của cuốn sách nằm ở chỗ khiến người đọc quên đi phương pháp để bước vào một bầu không khí, một tinh cầu riêng của cá tính âm nhạc Beethoven, để nhìn thấy tính cách mạng trong sáng tạo của ông giữa thời đại mà ông sống, và rộng hơn là những giá trị phi thời gian.
Cá tính sáng tạo đó, được đặt trong bối cảnh một châu Âu hỗn loạn bởi cuộc cách mạng Pháp, văn hóa quý tộc thượng lưu - nguồn bảo trợ và điều hướng cho âm nhạc thời kỳ cổ điển - đang xáo trộn và suy vi bởi tác động của tinh thần thời kỳ Ánh sáng.
Sách khởi đầu với câu chuyện một Beethoven 16 tuổi, nghèo túng từ Bonn đến Vienna, mang theo những sáng tác đầu tiên tự giới thiệu trước vĩ nhân Mozart với tràn đầy hy vọng, rồi thui thủi trở về quê nhà khi hay tin mẹ bệnh nặng sắp qua đời (năm 1787).
Vienna, trung tâm âm nhạc lớn của châu Âu, nơi nuôi dưỡng những tài năng hàng đầu nước Đức, vẫn quyến rũ chàng trai có vẻ ngoài thô kệch trở lại khi Mozart đã qua đời, để nỗ lực trở thành một “Mozart mới” - một kẻ “tiếp nhận tinh thần Mozart qua bàn tay của Haydn”, để lại sau lưng một gia cảnh túng thiếu với nỗi đau mất mẹ, anh em nheo nhóc, người cha nát rượu.
Kịch tính và khí chất trong âm nhạc và đời sống của Beethoven được khâu trên một nền chất liệu không mềm mại, thậm chí có thể nói là gồ ghề, thô ráp. Nó rất khác với những gì được huyền thoại hóa mà người ta vẫn nói về ông. Trong cuốn sách, độc giả tìm thấy một Beethoven rất đỗi con người, nhưng là một con người lập dị, đơn độc trong thế giới phù hoa của Vienna - trung tâm âm nhạc châu Âu trong khoảng từ 1792-1827.
Hình ảnh một Beethoven ăn vận tùy tiện, vẻ ngoài tầm thường nhưng đầy kiêu hãnh, nằm ườn trên sofa để một nữ bá tước quỳ gối xin nghe một bản nhạc… cho thấy sự trái khoáy với thứ “lề thói”, một sự “nhập gia bất tùy tục”, nhưng lại là thứ mà những nhà bảo trợ “có khuynh hướng kỳ dị” ở Vienna cần. Ta thấy Beethoven luôn giữ vững sự độc lập quyết liệt trước giới quý tộc già cỗi, trong khi sự túng thiếu đã khiến Wagner hay Haydn nương theo họ để tồn tại, còn Mozart thì “sáng tạo trong sự độc lập nhưng thiếu thoải mái”.
Cuốn sách bám theo các bản phác thảo, thư từ, ghi chú và các dị bản tác phẩm được xuất bản của Beethoven để làm rõ từng chuyển động về âm nhạc của ông trong ba thời kỳ chính. Độc giả sẽ ngạc nhiên khi gặp một Beethoven “học không vô” các bài tập đối vị đầy khắc kỷ mà Haydn dạy. Và càng ngạc nhiên hơn khi ngay trong thời kỳ đầu, Beethoven đã có những mô phỏng, thậm chí sao chép Haydn, Mozart (có khi ông ghi trong phác thảo tác phẩm của mình rằng: “Đoạn này đã được đánh cắp từ Mozart”)…
Cuốn sách vẽ chân dung Beethoven với những mảng màu đầy tương phản trong cá tính và âm nhạc. Một thiên tài nhạy cảm, dễ yêu, được nhiều phụ nữ ngưỡng mộ, nhưng không ai dám chung sống; một kẻ chính trực, nóng nảy, sẵn sàng phản ứng gay gắt với chính những nhà bảo trợ, bạn bè, nhưng sau đó lại có thể viết những lá thư đầy thống thiết và tình cảm; một kẻ từ nhà quê “bên kia sông Rihn” trong con mắt của giới quý tộc, bỗng trở thành quý tộc nhất trong mọi quý tộc…
Những phần hay nhất trong cuốn sách viết về ảnh hưởng của Kant, Schiller, Goethe, cuộc cách mạng Pháp, hình tượng anh hùng Napoleon, dấu ấn của Bach, Haydn và Mozart… lên tư tưởng và sáng tạo của Beethoven, làm rõ bối cảnh rộng của xã hội và truyền thống đã tạo nên một tài năng. Nhưng điều làm say mê người đọc hôm nay, có lẽ là những phân tích cho thấy ở nhạc sĩ thiên tài này có sự cô độc chống lại định mệnh (đến từ gia cảnh, xuất thân, bệnh điếc, cả sự không thỏa hiệp với quyền lực trong thời đại mình) đã tạo nên một khí chất Beethoven trong âm nhạc và cuộc đời.
Cuối cùng, đây là một cuốn sách mà chủ ý của tác giả là để “âm nhạc hiện ra rõ nét hơn cuộc đời”, người đọc có thể xem như một sơ đồ khả tín mở vào hàng loạt tác phẩm lớn từ giao hưởng, concerto, nhạc sân khấu, thanh nhạc nhạc thính phòng cho đàn phím và các tứ tấu dây.
Bằng những phân tích tinh tế, độc giả nhận thấy âm nhạc Beethoven đi từ những mâu thuẫn nội tại những năm đầu sự nghiệp tiến dần đến tính nhất quán ở thời đỉnh cao (1802-1812), theo tác giả là phản ánh nhân sinh quan của ông - “cách mà con người đối diện với một thế giới bất khả, đối mặt với số phận và cái chết bằng tranh đấu, nhưng cuối cùng vượt qua tất cả nhờ sự chịu đựng và nhẫn nhục” (phân tích về sắc thái đen tối trong Hành khúc tang lễ bản Eroica, Giao hưởng số 5, Tứ tấu Fa thứ Opus 95 hay chương đầu của Giao hưởng số 9 nổi tiếng).
Một cuốn sách hay với người đam mê âm nhạc, nhưng nó sẽ lấy đi của người đọc khá nhiều thời gian và đòi hỏi một sự chú tâm cao độ. Có thể mỗi trang đều cần tra cứu và tìm kiếm tác phẩm đang đọc để nghe đi nghe lại, nhằm nắm rõ hơn về sự phát triển nghệ thuật trong từng tác phẩm, từ mô-típ, nhịp điệu, cấu trúc và tư tưởng. Và tốt nhất là nên lật phần Tiểu sử Beethoven theo năm (trang 681) đọc kỹ trước khi vào sách.
Nguyễn Vĩnh Nguyên