Bé trai vừa chào đời đã bị khối bướu khổng lồ to gần bằng cơ thể

29/11/2022 - 11:51

PNO - Được phát hiện khối bướu khi thai nhi 6 tháng tuổi, chỉ vài tuần sau, khối bướu lớn như thổi chiếm gần trọn vùng đầu cổ, bác sĩ buộc phải mổ bắt bé ra sớm.

 

Khối bướu khổng lồ gần như chiếm trọn từ đầu đến cổ, vai của bé trai
Khối bướu khổng lồ gần như chiếm trọn từ đầu đến cổ, vai của bé trai


Sáng 29/11, thạc sĩ – bác sĩ Đào Trung Hiếu, Cố vấn ngoại khoa Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết bệnh viện đã phẫu thuật cắt bỏ khối bướu mạch bạch huyết khổng lồ ở vùng đầu cổ cho bé trai sơ sinh nửa tháng tuổi.

Theo mẹ của bé, bé trai là con thứ 2 trong gia đình. Khi mang thai, chị đã đi khám thai định kỳ. Đến tháng thứ 6, chị được bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ thông báo thai nhi có bướu ở vị trí bên phải cổ cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ. 

Khi thai được 36,5 tuần tuổi, nhận thấy khối bướu ngày một to, xâm lấn sang vùng đầu, xô lệch vùng đầu, cổ, vai của thai sang trái, lo ngại thai bị suy, nguy cơ tử vong cao nên bác sĩ quyết định mổ bắt con cho thai phụ. Song song đó, bệnh viện cũng liên hệ với bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM phối hợp hỗ trợ can thiệp khi bé chào đời.

Ngày 15/11, cuộc mổ thành công. Bé trai nặng 4kg, sinh hiệu ổn định được hỗ trợ thở oxy, khối bướu to chiếm gần hết vùng mặt, cổ, lan xuống vùng ngực trái, đẩy lệch cột sống, khí quản, thực quản... và các bộ phận khác của bé sang trái. Ngay sau đó, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 để phẫu thuật loại bỏ khối bướu.

Ê-kíp bác sĩ đã chuẩn bị sẵn sàng, lập tức xét nghiệm tiền phẫu, đánh giá sức khỏe của bé, điều chỉnh các rối loạn và nguy cơ trước mổ cho bé. Tuy bé tỉnh nhưng khối bướu càng lúc càng lớn, có chảy máu bên trong làm bé suy hô hấp tăng dần. Các bác sĩ quyết định cắt gần trọn bướu cho bé.

Thạc sĩ - bác sĩ Huỳnh Thị Phương Anh, chuyên khoa Phẫu thuật sơ sinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết khối bướu không chỉ “ăn” lên sàn miệng, bao bọc gần trọn các bó mạch máu lớn, khí quản, trung thất... Nếu không cẩn thận bóc tách, nguy cơ bé tử vong bất kỳ lúc nào.

“Hơn 4 tiếng đồng hồ căng thẳng, cuối cùng ê-kíp phẫu thuật cũng thành công lấy gần hết khối bướu nặng 1,1kg, chỉ còn một phần nhỏ ở trung thất của bé. Với phần bướu này, bệnh viện sẽ tiêm thuốc để làm xơ hóa chúng, tránh bóc tách quá sâu gây nguy hiểm cho bé.

Hiện tại, bé đã có thể ăn sữa bằng miệng, đang được theo dõi nhiễm trùng, hô hấp và tập vật lý trị liệu để điều chỉnh các bộ phận bị xô lệch cho bé”, bác sĩ Phương Anh nói thêm.

Theo bác sĩ Hiếu, u bướu hạch bạch huyết không hiếm gặp, có thể xuất hiện bất kỳ vị trí nào trên cơ thể do trong quá trình phát triển của thai, hệ thống bạch mạch bị tắc bất thường nên dồn bạch mạch về 1 khối. Đa phần là bướu lành tính, tuy nhiên có thể tái phát bất kỳ lúc nào. Vì vậy, bệnh nhân cần được tiêm thuốc chống tái phát và đi tái khám đúng theo chỉ định của bác sĩ để phát hiện, xử lý kịp thời.

Bác sĩ Hiếu nói: “Tuy u bướu hạch bạch huyết không hiếm, nhưng theo y văn thế giới, với khối bướu khổng lồ và tăng sinh nhanh như bé trai rất ít gặp. Mặc dù vậy, thai phụ cần bình tĩnh khi bị phát hiện thai nhi có u hạch bạch huyết bởi bác sĩ có thể theo dõi trong thai kỳ và can thiệp ngay khi cần thiết”.

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI