edf40wrjww2tblPage:Content
Chiều 16/7, Bệnh viện (BV) Q.Gò Vấp tiếp nhận bé Kim Hoàng Phát (tám tháng tuổi, ở P.An Phú Đông, Q.12) trong tình trạng cơ thể bị tím tái, có dấu hiệu đã tử vong trước khi được đưa đến BV. Các bác sĩ cho rằng, nguyên nhân có thể không phải do bệnh lý, mà nhiều khả năng là do sặc thức ăn vì khi tiến hành hồi sức, đặt nội khí quản, các bác sĩ thấy thức ăn đầy trong đường hô hấp của cháu bé. Tuy nhiên, để xác định chính xác nguyên nhân, phải tiến hành thủ tục pháp y nhưng gia đình bé Phát có nguyện vọng mang thi thể cháu bé về mai táng.
Ngày 17/7, khi chúng tôi liên hệ với UBND P.An Phú Đông để tìm hiểu thì thông tin vụ việc vẫn chưa được báo cáo lên UBND, trong khi đó, thi thể cháu bé đã được gia đình đưa đi hỏa táng lúc 7g sáng 17/7. Thầy Thích Tánh Nguyên, chùa Như Lai, Q.Gò Vấp cho biết: “Khoảng giữa khuya, tôi nhận được cuộc gọi xin đưa thi thể cháu Kim Hoàng Phát vào chùa để làm lễ. Theo dự kiến của chùa, sáng ra sẽ khâm liệm và tổ chức đưa bé đi hỏa táng lúc 9g, nhưng người nhà đề xuất khâm liệm cho cháu ngay trong đêm và hỏa táng vào sáng sớm. Chúng tôi phải theo ý nguyện gia đình”.
Hồ sơ từ chính quyền địa phương cho thấy, bé Kim Hoàng Phát là con thứ hai của ông Kim Hường và bà Nguyễn Thị Thu Thảo (quê Trà Vinh) tạm trú tại tổ 20, KP.4. Bé Phát được cha mẹ gửi tại số 27/32 tổ 4, KP.1, do bà Nguyễn Thị Thanh Dung nhận trông giữ trẻ tự phát được hơn hai tháng nay. Theo gia đình, bà Dung có quan hệ bà con xa với cha mẹ của cháu bé. Vài ngày trước khi xảy ra sự cố, bé Phát có bị viêm phế quản.
Khoảng 15g ngày 16/7, tại nơi giữ trẻ nói trên, khi đang được đút cháo, thì bé khóc, ho... Bà Dung đã đưa bé đến trạm y tế phường, sau đó chuyển lên BV Q.Gò Vấp và bé đã tử vong. Sau sự việc, cảnh sát khu vực đã chuyển hồ sơ cho Công an Q.12. Làm việc với cơ quan công an, cha mẹ bé Phát thỏa thuận không thưa kiện, bà Dung cũng đã hỗ trợ lo ma chay cho bé.
Trao đổi với chúng tôi, ông Mã Huy Tân - Phó chủ tịch UBND P.An Phú Đông nói: “Cuối năm 2012, khi rà soát các nhóm trẻ tự phát trên địa bàn, chính quyền đã phát hiện việc bà Dung, một người không có chuyên môn nhận giữ một nhóm trẻ năm, sáu cháu. Phường đã lập biên bản, đề nghị bà Dung ngưng giữ trẻ. Bà Dung có ngưng một thời gian nhưng cách đây vài tháng đã âm thầm nhận giữ trẻ trở lại. Hiện nhóm lớp có năm trẻ từ tám tháng đến hơn hai tuổi. Bà Dung khai tất cả đều là “con cháu” với giá từ 500.000 - 600.000đ/tháng, UBND phường sẽ tiếp tục xác minh làm rõ vụ việc và tăng cường công tác kiểm tra các nhóm trẻ gia đình, các điểm giữ trẻ tự phát”.
Trước câu hỏi: "vì sao một điểm giữ trẻ tự phát giữ đến bốn, năm đứa trẻ, cha mẹ ra vô gửi con mỗi ngày rộn ràng như vậy, tồn tại mấy tháng trời mà phường không biết, trong khi nơi này còn từng bị lập biên bản, xử phạt?" ông Tân im lặng.
Tiến Đạt - Thụy Chi
Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương, Phó khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng 1, sặc dị vật đường thở (sặc sữa, cháo, thức ăn...) là tai nạn khá phổ biến ở trẻ em, nhất là ở trẻ nhũ nhi (dưới 24 tháng tuổi). Không kể các trường hợp nhẹ, mỗi năm, BV tiếp nhận từ 30 đến 40 trường hợp trẻ bị sặc dị vật vào đường thở. Các trường hợp này thường bị biến chứng nặng như di chứng não, viêm phổi nặng, thậm chí tử vong. Nguyên nhân thường là do cha mẹ hoặc người giữ trẻ để trẻ bú, ăn không đúng tư thế; cho trẻ bú, ăn quá no, cho ăn khi trẻ đang khóc, đang ho, làm trẻ không nuốt kịp, trẻ bị trào ngược thức ăn lên đường thở.… Vì vậy, khi trẻ đột ngột ho, sặc sụa, tím tái (đôi khi có thể thấy thức ăn trào ra mũi, miệng), phải cần nghĩ ngay đến khả năng trẻ bị sặc. Việc cứu chữa cho trẻ bị sặc sữa, thức ăn nói riêng và dị vật nói chung phải hết sức cấp thiết vì thời gian vàng chỉ giới hạn khoảng bốn phút. Khi trẻ có biểu hiện bị sặc dị vật đường thở như ho, sặc sụa… lập tức cha mẹ hoặc người giữ trẻ cần xử trí như sau: vỗ lưng, ấn ngực (dùng lòng bàn tay còn lại vỗ mạnh năm cái vào lưng trẻ (chỗ giữa hai xương bả vai) nhằm tăng áp lực trong lồng ngực để tống dị vật ra ngoài (đồng thời la lên để người xung quanh đến hỗ trợ, nhất là những người có kinh nghiệm). Nếu trẻ khó thở, tím tái thì đặt trẻ nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng, dùng hai ngón tay trỏ và giữa đột ngột ấn mạnh xuống nửa dưới của xương ức. Lặp lại nhiều lần cho đến khi trẻ có dấu hiệu hồi phục hô hấp. Nếu trẻ ngưng thở, phải thông đường thở bằng cách dùng miệng hút mạnh vào mũi, miệng trẻ, hút kỹ sữa còn đọng ở họng và mũi càng nhanh càng tốt. Hút miệng trước, mũi sau. Nếu để chậm, sữa sẽ vào trong khí quản gây tắc nghẽn đường hô hấp. Đối với trẻ có biểu hiện ngưng thở, có thể kết hợp các biện pháp trên với thổi ngạt: ngậm mũi và miệng trẻ thổi vào cho đến khi thấy lồng ngực hơi nhô lên. Sau đó phải đưa ngay đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu. Để phòng ngừa trẻ bị sặc thức ăn, dị vật, phụ huynh nên chú ý khi cho trẻ ăn uống, chơi đồ chơi. Nếu thấy trẻ không muốn ăn, thức ăn còn trong miệng thì phải dừng, không ép trẻ ăn. Không cho trẻ bú khi đang nằm ngủ, trẻ đang khóc, ho... |