Bé trai thủng màng nhĩ vì viên pin trong đồ chơi hình quả trứng

05/09/2019 - 13:16

PNO - Trong lúc cầm món đồ chơi hình quả trứng, bé D. tháo hai viên pin điện tử ra và nhét vào tai phải nhưng không ai hay biết khiến bé bị hoại tử tai, gây thủng màng nhĩ.

Sáng 5/9, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thúy – Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM – cho hay vừa nội soi gắp 2 viên pin điện tử trong tai phải cho bé T.T.D. (5 tuổi, ở Bình Thuận). 

Be trai thung mang nhi vi vien pin trong do choi hinh qua trung
Bé D. nhét 2 viên pin từ đồ chơi hình quả trứng

Cha bé kể lại, ngày 30/8, bé D. đi mua đồ chơi hình quả trứng. Sau đó bé tháo 2 viên pin  điện tử (loại pin cúc áo) bên trong đồ chơi ra, nhét sâu vào tai phải nên gia đình không hay biết.

Khi D. đi học, cô giáo thấy bé thường ngoáy tai nên kiểm tra và phát hiện pin bên trong nên tìm cách lấy ra. Tuy nhiên, cô giáo chỉ lấy ra được một viên và thông báo với gia đình đưa bé đi bệnh viện.

Nhận thấy bên trong lỗ tai bé D. có nhiều mô hoại tử, viên pin nằm quá sâu, bệnh viện địa phương chuyển bé đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM.

Qua thăm khám, chụp CT, bác sĩ nhận định viên pin bằng kim loại, kích thước 8 mm nằm sâu bên trong gây phù nề ống tai phải, thủng màng nhĩ, các mô xung quanh bị hoại tử, dịch mủ nhiều rất khó quan sát.

Bác sĩ tiến hành nội soi gắp viên pin ra ngoài, xử lý bơm rửa mô hoại tử, chăm sóc hố mổ tai cho bé. 

Sau 2 ngày, tai bé D. khô, hết chảy dịch. Tuy nhiên, thính lực của bé bị giảm, nghe kém. Đợi phần tổn thương hồi phục bệnh nhi phải được mổ thêm lần nữa để vá màng nhĩ với hy vọng lấy lại thính lực cho bé.

Be trai thung mang nhi vi vien pin trong do choi hinh qua trung
Bác sĩ kiểm tra tai cho bé D.

PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy – Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng – cho hay, pin trong đồ chơi điện tử thường có kích thước nhỏ, trẻ dễ nhầm lẫn với kẹo; pin bằng kim loại sẽ trơn tuột, dễ bỏ vào miệng, nhét vào tai rất nguy hiểm. Khi pin bị kẹt lại sẽ tạo ra một dòng điện, khi tiếp xúc với niêm mạc gây ra những vết bỏng nặng.

Bác sĩ Thủy cho biết: “Hầu như mỗi ngày Bệnh viện Tai Mũi Họng đều tiếp nhận các ca cấp cứu gắp dị vật. Riêng với pin điện tử, từ đầu năm đến nay bệnh viện đã xử lý 38 ca bệnh.

Ngay khi pin được lấy ra khỏi cơ thể, nó vẫn có thể gây bỏng nghiêm trọng. Di chứng để lại là thủng thực quản, sẹo hẹp, thủng niêm mạc, sẹo dính niêm mạc. Nếu ở tai sẽ gây giảm thính lực, ở mũi làm thủng vách ngăn, huỷ cuống mũi.

Vì vậy, phụ huynh luôn quan sát trẻ khi chơi đùa, không cho chơi đồ chơi có kích thước nhỏ, có thể tháo rời. Tuyệt đối không cho trẻ chơi pin điện tử.

Khi phát hiện dị vật, cha mẹ cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng. Lấy dị vật ra càng nhanh càng tốt, bơm rửa để tránh hoại tử lan rộng, theo dõi và xử lý di chứng”.

Bên cạnh đó, người lớn nên dặn dò bé khi có dị vật trong tai, mũi, họng phải báo ngay cho cô giáo, ba mẹ biết. Khi trẻ có dấu hiệu chảy mũi hôi một bên, phải đưa bé đến khám tại những nơi chuyên khoa để được nội soi kiểm tra dị vật ngay.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI