Bé trai sổ mũi hơn 2 tháng do mắc… thun cột tóc

04/05/2022 - 16:25

PNO - Bé trai sổ mũi hơn 2 tháng dù uống thuốc điều trị nhưng không hết. Chỉ khi người nhà đưa đến bệnh viện mới biết mũi của bé bị mắc... thun cột tóc.

Chiều 4/5, bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết đã xử lý lấy ra ngoài một sợi thun cột tóc nằm sâu trong hốc mũi bé B.V.T.H. (5 tuổi, ở Bình Chánh). 

Theo đó, bé H. được người thân đưa đến bệnh viện thăm khám do sổ mũi liên tục hơn 2 tháng, dù đã uống thuốc điều trị, kèm theo đó, mũi bé có nhiều mùi hôi khó chịu. 

Sau khi thăm khám, nội soi kiểm tra mũi, bác sĩ phát hiện mũi trái bé H. có một dị vật nằm bên trong đang trong quá trình gây viêm, tạo mủ, vì vậy bé thường bị chảy nước mũi, mũi có mùi hôi. Ngay sau đó, các bác sĩ nhanh chóng gắp ra ngoài 1 dây thun buộc tóc, vệ sinh làm sạch vết thương cho bé H. Hiện tại, bệnh nhi đã ổn định, hết chảy nước mũi.

Bác sĩ thăm khám mũi cho bệnh nhi, ảnh BVCC
Bác sĩ thăm khám mũi cho bệnh nhi, ảnh BVCC

Theo bác sĩ Lâm Lê Phương – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, dị vật mũi là bệnh thường gặp trong cấp cứu tai mũi họng, đặc biệt hay gặp ở trẻ em. Các trường hợp dị vật trong mũi và khoang mũi không nghiêm trọng, có thể trì hoãn việc lấy dị vật. Tuy nhiên, có một số dị vật nếu không được xử lý kịp thời, dị vật có thể gây viêm loét mũi, viêm mũi xoang. Đặc biệt là pin điện tử để lâu hơn 4 tiếng đồng hồ có thể gây loét niêm mạc, chảy máu, thủng vách ngăn mũi, gây sẹo co kéo.

Ngoài ra, một số vật tắc trong mũi có khả năng di chuyển xuống miệng và có nguy cơ bị nuốt phải, thậm chí bị hít vào đường thở gây dị vật đường thở. 

Bác sĩ nhắc nhở, trẻ em trong độ tuổi 1-6 tuổi rất hiếu động và tò mò, các dị vật bị đưa vào mũi bé một cách tình cờ với nhiều lý do khác nhau. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh luôn quan sát bé trong lúc chơi. Hạn chế mua những đồ dùng hay đồ chơi có chi tiết quá nhỏ cho trẻ. Dạy bé nhận thức được việc nhét đồ vật vào mũi là việc làm nguy hiểm.

Nếu đột nhiên trẻ bị chảy mũi một bên kéo dài, nước mũi có mùi hôi, hoặc nghẹt mũi, bé than đau mũi một bên, ngủ ngáy, thở có tiếng rít ở mũi, sốt,… có thể trẻ đã bị dị vật bỏ quên. Cha mẹ không nên tự ý dùng tay lấy dị vật bởi có thể vô tình đẩy sâu dị vật vào bên trong, tổn thương niêm mạc của trẻ.

Không nên cố lấy dị vật trong mũi bé ra ngoài bằng tăm bông hay các dụng cụ không chuyên dụng khác, vì có thể làm rơi dị vật từ mũi xuống họng và vào đường thở rất nguy hiểm. Càng không nên bảo bé cố hít vào thật mạnh khi có dị vật bên trong mũi, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm để được xử lý.

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI