Bé trai liệt nửa người sau khi chơi đá bóng

11/08/2020 - 08:35

PNO - Trong lúc bắt bóng, bé K. bị té ngã, cảm thấy hơi đau lưng nên đi lom khom. Hai tuần sau, tay chân bé K. không có cảm giác, liệt hoàn toàn.

 

Bé K. đang được điều trị tại bệnh viện
Bé K. đang được điều trị tại bệnh viện

Bác sĩ Lê Hoàng Dũng, Phó khoa Tủy sống Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp, cho hay, bệnh viện đang điều trị cho T.P.D.K. (12 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) bị liệt nửa người bên dưới do chấn thương tủy sống bởi té ngã khi đá bóng. 

Trước đó, K. được gia đình đưa đến bệnh viện trong tình trạng lực cơ liên sườn rất yếu, không tự thở được bằng đường miệng nên phải mở khí quản, yếu liệt tay chân…

Sau thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán K. bị tổn thương tủy sống cổ nhưng không được sơ cứu đúng cách. Bác sĩ Dũng cho biết: “K. được đưa vào bệnh viện quá trễ, các cơ quan đã tổn thương, cơ toàn thân bị teo thấy rõ, gần như không còn phản xạ nên khả năng phục hồi vận động của bé rất chậm, cần kiên trì điều trị, tập vật lý trị liệu lâu dài mới có hy vọng”. 

Anh Trần Phạm Nghĩa, cha của bé, nhớ lại, mấy tháng trước K. xin đi đá bóng với bạn. Trong lúc chụp bóng, K. bị té ngã đập mạnh lưng xuống đất. Qua cơn đau nhói, bé vẫn đi về nhà được. Anh Nghĩa kể: “Thấy con cứ cúi lom khom đi như ông già, tôi hỏi mới biết K. bị té. Tôi đưa con đến bệnh viện gần nhà khám.

Bác sĩ chụp CT cho con tôi nói bé không bị gãy hay nứt xương, không trật khớp nên cho thuốc về nhà uống. Sau 2 tuần uống thuốc, K. đỡ đau nhưng tay, chân yếu dần rồi không cử động được. Tôi liền đưa con đến Bệnh viện Nhi Đồng 2, các bác sĩ nói đã quá muộn, con tôi bị nhiễm trùng, áp-xe tủy sống cần phải mổ gấp nhưng chưa tiên lượng được điều gì. Chưa kể, dù mổ thành công K. cũng có thể bị liệt suốt đời. Nhưng còn nước còn tát, tôi chấp nhận cho con được phẫu thuật”.

Tuy bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã mổ thành công, nhưng biến chứng của tai nạn quá lớn, các dây thần kinh vận động bị tổn thương, bé gần như không thể sử dụng tay, chân. Thậm chí, bé phải đặt nội khí quản để hỗ trợ thở cho đến nay. 

Điều trị bé K. qua nguy hiểm, sức khỏe hồi phục tốt, bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 2 khuyên anh Nghĩa đưa bé đến Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp để giúp bé lấy lại vận động. Tại đây, sau hơn một tháng tập vật lý trị liệu, cơ tay của K. dần phục hồi, nhưng lực cơ liên sườn còn rất yếu, tình trạng viêm phổi cũng đang làm khó bé và các bác sĩ.

“Theo nguyên tắc phục hồi vận động, cơ tay của K. tuy có tiến triển nhưng rất thấp, chỉ đang ở mức C4, tức là chỉ nhúc nhích được vai, còn khuỷu tay, cổ tay hay bàn tay thì chưa. K. phải có ý chí cực kỳ lớn mới có thể vượt qua được, nếu không, lực cơ sẽ mất hoàn toàn, không còn cơ hội hồi phục”, bác sĩ Dũng lo ngại. 

Bác sĩ khuyến cáo, khi một người bị tai nạn, nhất là các chấn thương vùng cổ, lưng phải được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được khám và điều trị kịp thời. Người sơ cứu không nên xoay trở nạn nhân, không tự ý nắn khớp, nhất là ở lưng và cổ người gặp nạn bởi có thể vô ý làm tổn thương tủy sống, dập tủy, nguy cơ làm cho nạn nhân bị liệt rất lớn. Hãy cố định nơi bị thương, cố gắng giữ nguyên tư thế nạn nhân, gọi đến đường dây nóng của cơ sở y tế để được hướng dẫn trong lúc chờ xe cứu thương và bác sĩ đến hỗ trợ.

Trường hợp trẻ than đau, tê tay, chân không có sức sau khi chơi thể thao, bị té ngã, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện càng sớm càng tốt, mô tả tình huống tai nạn để bác sĩ có hướng xử trí đúng, tránh di chứng đáng tiếc.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI