Bé trai được cứu sống từ ca ghép gan sinh tử

23/08/2019 - 06:30

PNO - Bệnh viện Nhi Đồng 2 vừa phẫu thuật thành công ca ghép gan cực khó cho bé Dương C.M. - vốn sinh non khi mới 28 tuần.

Khi vào viện, bé trong tình trạng vàng da, vàng mắt, bụng to, suy hô hấp. Không đành lòng nhìn đứa bé bị suy gan giai đoạn cuối nằm thoi thóp chờ “đi”, các bác sĩ đã quyết định táo bạo: ghép gan trong tình trạng bé đang bị nhiễm trùng nặng và suy đa cơ quan. 

Trải qua 15 giờ phẫu thuật, bé M. đã hồi phục kỳ diệu trong niềm vui vỡ òa của gia đình và cả ê-kíp phẫu thuật. Có lẽ, xúc động nhất là ông Dương Văn L. - người đã sẻ chia một phần lá gan của mình để cứu sống đứa cháu nội chịu nhiều bệnh tật ngay từ lúc lọt lòng mẹ.

Be trai duoc cuu song tu ca ghep gan sinh tu
Ca phẫu thuật ghép gan cho bé M.

Ông nội hiến gan cho cháu

Giáo sư - bác sĩ Trần Đông A - người mổ tách cặp song sinh Việt Đức huyền thoại là cố vấn trong ca mổ cho bé M. cười tươi nói: “Đây là ca mổ rất đặc biệt - người cho gan sống là ông nội, rồi bệnh nhi lại là đứa trẻ sinh non mới sáu tháng đã chào đời, chỉ 1,6kg, rất yếu ớt.

Nhưng nghiêm trọng nhất là bé bị suy gan giai đoạn cuối, nhiễm trùng gan, phổi nặng, suy dinh dưỡng… Với lá phổi bị nhiễm trùng thế này mà trải qua cuộc gây mê dài là điều không thuận lợi”. Vì vậy, cuộc mổ được dự báo rất gay go. 

Còn tiến sĩ - bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 - chia sẻ: “Bệnh viện đã ghép gan thành công 12 ca nhưng đây là ca cực kỳ khó khăn. Một tuần trước ghép, bé nhiễm trùng rất nặng nhưng ê-kíp vẫn quyết định mổ. Không phải chúng tôi liều mà hiểu rằng, nếu không ghép bây giờ thì cơ hội không bao giờ đến nữa”. Bởi vì không ghép gan lúc này, bé sẽ tử vong.

Các bác sĩ đã sử dụng cùng lúc bốn loại kháng sinh mạnh, nhưng tình trạng nhiễm trùng của bé vẫn không cải thiện. Còn ghép ngay - tuy đầy thử thách nhưng sẽ mang đến cho bé cơ hội sống. “12 ca thành công trước đó cho chúng tôi niềm tin. Vì vậy, chúng tôi chọn đem đến cơ hội sống cho bé, dù đứng trước ca mổ rất khắc nghiệt”, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nói. 

9g ngày 18/6/2019, bé M. và ông nội bước vào hai phòng mổ gần nhau.

Người ông chưa từng trải qua mổ xẻ rất hoang mang khi được đề nghị cho gan vì gan của cha bé M. không đủ điều kiện để ghép. Nhưng giáo sư Trần Đông A đã dành cả buổi sáng để trò chuyện với ông như hai người ông của bé M. - thì ông nội bớt lo lắng và xin tặng gan cho cháu, đồng thời bỏ luôn thuốc lá, rượu bia đã gắn với ông gần 40 năm để có lá gan sạch cho cháu nội. 

Bên ngoài, đôi vợ chồng trẻ là cha mẹ bé M. căng thẳng tột độ khi cùng lúc lo cho sự an nguy của hai người thân. Bên trong hai phòng phẫu thuật, ê-kíp 28 người gồm: hai giáo sư người Bỉ, sáu phẫu thuật viên Việt Nam, sáu bác sĩ gây mê, sáu kỹ thuật viên gây mê, tám nhân viên hỗ trợ dụng cụ cũng căng thẳng không kém.

Ở bên phòng ghép, tiến sĩ - bác sĩ Trần Thanh Trí - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện là phẫu thuật viên chính - vừa cắt gan của bé M. đã phát hiện ổ mủ. Điều này cho thấy nhận định của ê-kíp hoàn toàn chuẩn xác, nếu không thay gan, bé đứng trước nguy cơ tử vong vì nhiễm trùng quá nặng.

Còn ở bên phòng lấy gan cho không thuận lợi vì động mạch gan trái của ông nội lại xuất phát từ động mạch của dạ dày và mạc nối nhỏ nên khi bóc tách phân thùy gan để cho bé M. khá khó khăn.

Đến 14g30, phần gan ghép được lấy ra từ ông nội. 15g gan được đưa qua phòng ghép. 15g15 bắt đầu ghép vào cơ thể bé M. Khó khăn tiếp nối khó khăn. 

Be trai duoc cuu song tu ca ghep gan sinh tu
Bé M. với nụ cười trong ngày đầu tiên về nhà

Bác sĩ Trần Thanh Trí kể: “Thời gian mổ kéo dài do có những khó khăn nối mạch máu, tĩnh mạch của bé không tương thích tĩnh mạch cửa của ông nội. Lẽ ra, 19g chúng tôi đã hoàn tất cuộc ghép, đóng bụng rồi, nhưng siêu âm lại thấy lưu lượng máu lên tĩnh mạch cửa lớn, đồng thời máu lên gan giảm, do đó 5 tiếng đồng hồ sau chúng tôi chỉ có mở và nối.

Cuối cùng, chúng tôi làm kỹ thuật rất ít gặp, thay vì nối tĩnh mạch cửa của em bé đến tĩnh mạch cửa gan của người cho, thì chúng tôi cột tĩnh mạch cửa em bé và nối tĩnh mạch mạc treo tràng trên của em bé với tĩnh mạch cửa gan của người cho. Nhờ vậy, mạch máu không bị gập và máu lưu thông tốt”. 

Trở ngại tiếp theo là bụng của bé quá nhỏ do sinh non nên ê-kíp phẫu thuật phải nong ổ bụng của bé rộng ra để thích ứng với lá gan mới được ghép bằng tấm Plaque - một vật liệu không gây phản ứng cho cơ thể, được mang từ nước ngoài sang phục vụ ca phẫu thuật. Hai tuần sau ghép, tấm này sẽ được lấy ra và khâu lại thành bụng cho bé. 

Khi những đường may cuối cùng hoàn tất thì đồng hồ vừa điểm sang ngày mới. Dù rất mệt nhưng cả ê-kíp từ bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 đến chuyên gia Bỉ… đều cười sung sướng.

Hồi phục thần kỳ

Ngay sau cánh cửa Khoa Hồi sức tích cực chống độc của bệnh viện là phòng của bé Dương C.M. Thạc sĩ - bác sĩ Tăng Lê Châu Ngọc - Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 2 - đưa tay vẫy bé đang ngồi cười khanh khách và vỗ tay với cô điều dưỡng trong phòng cách ly.

“Chị không thể tin được đâu, giờ nhìn bé bụ bẫm và rất hiếu động, chứ hai tháng trước ca ghép gan, bé không biết ngồi, không biết vỗ tay, rất mệt mỏi, ốm yếu và thở thoi thóp. Vậy mà sau khi mổ vài ngày, bé đã hồi sinh ngoạn mục”, bác sĩ Châu Ngọc nói. 

Khi tỉnh lại sau ca ghép gan, bé M. ngơ ngác nhìn các bác sĩ và bất ngờ nở nụ cười tươi, rồi huơ tay. Nụ cười này được loan truyền từ phòng Hồi sức tích cực chống độc đến Khoa Tiêu hóa, Khoa Ngoại, lãnh đạo bệnh viện… và ai cũng cười theo bé. Tín hiệu cho thấy bé hồi phục tốt.

Be trai duoc cuu song tu ca ghep gan sinh tu
Bé M. đang chơi đùa với mẹ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2

Những ngày sau, như giáo sư Trần Đông A kể: “Bé hồi phục thần kỳ, trước đây có bác sĩ thần kinh chẩn đoán bé bị bại não không thể ngồi được. Nhưng sau ca ghép gan, gan hồi phục thì các cơ quan khác cũng phát triển theo. Bé đã phát triển như một đứa trẻ cùng lứa”.

Chị Nguyễn Cao T.T. mẹ bé M. - cũng cười miết như con: “Đến giờ, em vẫn tưởng mình mơ. Thật sự, vợ chồng em chỉ ước được nhìn con trắng trẻo, vì bé luôn trong tình trạng vàng da, vàng mắt, bụng to, chứ cũng không dám mơ bé được ghép gan và hồi phục thế này. Hai tháng bé tăng gần 3kg và rất lanh lợi”. Nhìn bé cười vỗ tay và đập chân thình thịch xuống giường, ai cũng vui lây với hạnh phúc của gia đình chị T.  

Cuối ngày 19/8/2019, bé M. được xuất viện - lần đầu tiên bé được về nhà trong cơ thể khỏe mạnh sau 18 tháng ròng rã đi từ bệnh viện này đến bệnh viện khác để điều trị sinh non, bệnh lý võng mạc, teo đường mật bẩm sinh…

Niềm vui trọn vẹn hơn khi xét nghiệm, đánh giá của bác sĩ cho thấy các chỉ số hoạt động trong cơ thể của bé M. đều tốt, ổn định, khả năng vận động, nhận thức phát triển bình thường. Dự báo bé sẽ có cuộc sống, sinh hoạt bình thường như bao đứa trẻ khác. Hôm sau 20/8, mẹ bé cho biết: “Bé về nhà ăn, ngủ ngoan lắm. Bé ngủ dậy là cứ cười suốt”. 

Chợt nhớ nụ cười hiền hậu của ông nội bé M. khi ông “khoe”: “Giờ tôi khỏe như bình thường, nhờ cho gan cho cháu mà tôi bỏ rượu, thuốc lá trong khi trước đó tôi đã bỏ hàng chục lần nhưng không được”.

Ông càng có niềm tin hơn khi bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tiết lộ: “Theo nghiên cứu, những người hiến tạng thường sống lâu và sống khỏe. Vì họ được chăm sóc sức khỏe nhiều hơn, khám sức khỏe định kỳ và đặc biệt là vì hiến tạng mà thay đổi lối sống lành mạnh”.

Ca ghép gan thứ 13, con số mà nhiều người kiêng sợ, đã đem đến may mắn. Nó cho những đứa trẻ mắc bệnh hiểm nghèo có thêm hy vọng “biết đâu điều kỳ diệu sẽ xảy đến với mình” - nhất là khi Bệnh viện Nhi đồng 2 đã quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ ghép tạng cho bệnh nhân nghèo để thêm nhiều bệnh nhi có cơ hội được cứu sống. Sắp tới đây, Bệnh viện Nhi Đồng 2 sẽ xây dựng khu Trung tâm Phẫu thuật kỹ thuật cao, trong đó phần lớn phục vụ cho việc phẫu thuật và ghép tạng cho trẻ em. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI