Bé trai bị giật cơ mặt, nôn ói nghi do chơi điện thoại, iPad quá nhiều

10/08/2017 - 13:31

PNO - Bé trai 4 tuổi (ở Kiên Giang) bỗng bị co giật cơ mặt, nôn ói, nháy mắt, nhíu mũi liên tục. Các bác sĩ cho rằng, có thể do bé chơi thiết bị điện tử quá nhiều.

Chia sẻ trên mạng xã hội, bà mẹ trẻ P.H.T. hiện sống ở Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) băn khoăn, không hiểu tại sao con trai của mình đột ngột bị co giật cơ mặt, nôn ói nhiều, nháy mắt, nhíu mũi liên tục. 

Khi chị T. đưa con trai đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hường chẩn đoán bé bị rối loạn TIC tạm thời. Theo chia sẻ của chị T., bác sĩ giải thích bé uống thuốc sẽ hết bệnh nhưng có trường hợp bệnh tái đi tái lại, và có bé bị nháy mắt và nhíu mũi vĩnh viễn.

Be trai bi giat co mat, non oi nghi do choi dien thoai, iPad qua nhieu
Chia sẻ của chị T. khiến nhiều phụ huynh giật mình

Rối loạn TIC ở trẻ em là xuất hiện các cử động thất thường của các cơ quan giao tiếp, từ vận động hoặc âm điệu. Thông thường, TIC biểu hiện phổ biến qua các triệu chứng giật cơ trên khuôn mặt, cổ như: nháy mắt, gật lắc đầu, nhếch mép, giật tay, giật cơ bụng, tiếng khịt mũi, ho gằng, lẩm nhẩm,….  


Nghe bác sĩ giải thích, chị T. hoang mang: "Con trai mình rất hiếu động và nghịch ngợm. Lúc trước cứ mỗi lần bé phá phách, mình không giữ nổi nên thường cho con xem hoạt hình trên điện thoại và chơi game. Bé chơi từ lúc 2 tuổi đến giờ không hề hớn gì. Nhưng mới 1 tháng nay, bé có biểu hiện giật cơ mặt, nháy mắt, nhíu mũi. Sinh con ra không có tật, tự dưng bây giờ thành như thế. Ai làm mẹ mà không lo, nên mình muốn gửi lời cảnh tỉnh với các mẹ cho con chơi điện thoại, iPad nhiều thì nên dừng lại".

Chị T. cho biết bác sĩ hướng dẫn: “Nếu bé có biểu hiện của bệnh, không nên la mắng hoặc đánh đập vì sẽ tạo áp lực, ảnh hưởng tâm lý trẻ. Hãy từ từ, nếu hết thì sẽ tự hết và uống hết một tháng thuốc thì không cần tái khám nữa”.

Be trai bi giat co mat, non oi nghi do choi dien thoai, iPad qua nhieu
Bé trai bị rối loạn TIC ở Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang


Nhiều ông bố, bà mẹ thường quản lý con bằng thiết bị điện tử... cho rảnh tay. Vì vậy, chia sẻ của chị T. bất ngờ trở nên "sốt" trong cộng đồng mạng với 50.000 lượt quan tâm, chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM về vấn đề này, bác sĩ chuyên khoa 2 Lâm Hiếu Minh, khoa Sức khỏe tâm trí, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM, cho rằng các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, iPad... chỉ là một phần nguyên nhân gây rối loạn TIC.

Bác sĩ Minh cho biết: “Rối loạn TIC thuộc về bệnh tâm, thần kinh. Đó là bệnh liên quan đến vấn đề tâm lý lẫn tâm thần, vận động. Rối loạn TIC không chỉ xảy ra với trẻ em mà người trưởng thành cũng có thể mắc phải.

Về tâm lý, người bị rối loạn TIC do bị lo âu, căng thẳng, stress kéo dài. Về tâm thần, vận động, rối loạn TIC khiến người bệnh bị giật cơ liên tục (TIC vận động), tạo âm thanh không có mục tiêu (TIC phát âm) như giật cơ mặt, hít mũi, gằng giọng, giật tay, cơ bụng,… một cách vô thức, với tần suất ngày một nhiều.

Be trai bi giat co mat, non oi nghi do choi dien thoai, iPad qua nhieu
Theo bác sĩ Minh, cha mẹ nên nâng đỡ, bên cạnh trẻ nhiều hơn là phó mặc con mình cho thiết bị điện tử.


Rối loạn TIC thường gặp nhiều nhất ở những trẻ 5-6 tuổi. Ở lứa tuổi này, trẻ bắt đầu đi học, tiếp xúc với môi trường mới, với bạn bè, thầy cô nên những vấn đề tâm lý rất dễ phát sinh. Bệnh này ít khi gặp ở trẻ nhỏ nhưng khi trẻ bị bệnh này, phụ huynh và kể cả bác sĩ khi thăm khám cũng dễ bị nhầm lẫn với bệnh động kinh”.

Theo bác sĩ Minh, khi trẻ bị rối loạn TIC không hẳn cho trẻ sử dụng thuốc là khỏi. Lúc này, vai trò của cha mẹ rất quan trọng trong việc kết hợp điều trị cho trẻ chứ không phải thuốc, vì điều trị TIC cần giải tỏa tâm lý cho trẻ. Tránh để trẻ có cảm giác cô đơn, lo lắng, trẻ càng nhỏ càng nên sử dụng liệu pháp tâm lý nhiều hơn.

Để điều trị TIC, ngoài việc cách ly trẻ khỏi các thiết bị điện tử, cha mẹ nên dành thời gian chơi với trẻ, trò chuyện với trẻ, nâng đỡ tâm trạng, cảm xúc của con mình. 

“Hiện nay, trẻ bị rối loạn TIC ngày nhiều, chiếm 2-3% trong tổng số những bệnh liên quan đến vấn đề tâm sinh lý trẻ. Trẻ trong giai đoạn phát triển cần được tiếp xúc nhiều với mọi người xung quanh. Nếu cứ đưa thiết bị điện tử để các em sử dụng, sẽ không giải quyết được vấn đề mà càng khiến trẻ bị rối loạn cảm xúc, rối loạn phát triển, rối loạn ngôn ngữ, ảnh hưởng thính giác, thị giác và nhiều chức năng khác”, bác sĩ Minh khuyến cáo.

Người bị rối loạn TIC ngoài việc sử dụng thuốc cần được nâng đỡ tâm lý, nghỉ ngơi nhiều, tránh để họ bị căng thẳng, lo sợ vì TIC có thể tái phát bất kỳ lúc nào, biểu hiện tái phát có thể sẽ giật ở những bộ phận khác trên cơ thể chứ không nhất thiết ở những bộ phận trước đó. Nếu có nghi ngờ con mình mắc bệnh TIC, phụ huynh nên đưa con đến những cơ sở y tế có chuyên khoa Tâm thần trẻ em để trẻ được thăm khám, chẩn đoán và điều trị đúng bệnh.


Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI