Bé trai bị dị tật lỗ tiểu thấp: Cần điều trị sớm

31/05/2022 - 06:22

PNO - Không được phát hiện và điều trị kịp thời, các bé trai bị dị tật lỗ tiểu thấp phải chịu nhiều ca phẫu thuật sau đó, vừa đau đớn vừa ảnh hưởng đến tương lai.

Cha mẹ chần chừ, con càng phải chịu đựng

Vừa chăm sóc con trai bốn tuổi, chị Kim Quyên vừa cho biết đây là lần thứ ba bé T.T.M. (ở Hà Tĩnh) phải đến Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TPHCM để “sửa lỗi tạo hóa”. Khi bé được bốn tháng tuổi, chị đã thấy con trai đi tiểu… lạ lạ. Chờ đến khi con trai được hơn một tuổi, chị đưa bé đi BV địa phương kiểm tra. Bác sĩ chẩn đoán bé bị dị dạng đường sinh dục, phải mổ để xử lý. Tuy nhiên, sau khi mổ, cơ quan sinh dục của bé rất bất thường. Bé còn đau rát mỗi khi đi tiểu. Chị Quyên đưa con quay lại BV kiểm tra, bác sĩ nói vết mổ bị nhiễm trùng nên cần mổ lại. Sau khi chịu thêm hai ca phẫu thuật nữa, lỗ tiểu càng tụt xuống thấp hơn, bé càng nín nhịn mỗi khi có nhu cầu đi vệ sinh bởi các cơn đau buốt. 

Quá xót con, chị Quyên đưa bé M. đến TPHCM điều trị. Vừa thấy vết thương của bé, tiến sĩ - bác sĩ Lê Thanh Hùng, Trưởng khoa Ngoại thận - Tiết niệu BV Nhi Đồng 1 TPHCM, lập tức mổ khẩn. Ca mổ thành công, khiến chị Quyên rơi nước mắt: “Bác sĩ nói, chỉ cần chậm thêm vài ngày, bé sẽ phải đi tiểu ngồi. Với một bé trai, đây sẽ là cơn ác mộng. May bác sĩ còn cứu kịp, nếu không tôi sẽ rất ân hận”.

Cùng tâm trạng với chị Quyên, chị Nguyễn Thị Thắm (28 tuổi, ở tỉnh Đắk Lắk) vẫn chưa hết lo lắng mặc dù bác sĩ BV Nhi Đồng 2 TPHCM đã mổ thành công cho con trai ba tuổi của chị. Chị Thắm chia sẻ chị sinh mổ hai bé trai, lúc các bé được tám tháng tuổi, chị phát hiện hai bé đi tiểu không giống nhau. “Bé lớn đi thành tia, còn đứa em thì tiểu thấp. Đưa con đến BV huyện, bác sĩ chẩn đoán bé bị dị dạng đường tiểu, phải phẫu thuật cắt một ít ở vùng da bìu”, chị Thắm kể. Sau phẫu thuật, bé đi tiểu nhiều tia, nhưng da bìu bị chùng, dương vật nhỏ lại rất nhiều.  

“Quá hoang mang, tôi dự định đưa con vào TP.HCM điều trị nhưng do dịch COVID-19 nên đến nay mới có thể đến BV”. Sau khi thăm khám, bác sĩ nhận định lỗ tiểu của bé bị lệch thấp, chỉ cần phẫu thuật tạo ống thông chiều dài của niệu đạo thay vì xử lý vùng bìu. May mắn, hơn một tuần sau phẫu thuật, sức khỏe bé đã ổn định, đi tiểu bình thường. 

Phẫu thuật sớm, giảm nguy cơ tâm lý cho trẻ

Bác sĩ Lê Thanh Hùng cho biết, trong gần 30 năm làm nghề đã chứng kiến rất nhiều trường hợp cha mẹ đến cầu cứu bởi bị dị tật cơ quan sinh dục ở cả bé trai lẫn bé gái. Trong đó, nhiều bé trai bị dị tật lỗ tiểu thấp, vùi dương vật... phát hiện trễ, hoặc bị biến chứng sau phẫu thuật chịu đau đớn suốt thời gian dài. Điều này không chỉ gây đau đớn về thể xác, mà tâm sinh lý của bé cũng gặp nhiều bất ổn khi lớn lên, ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng sau này. “Chưa kể đến một số gia đình ở vùng sâu vùng xa, cha mẹ không biết bệnh của con, đau đáu chịu nhiều điều tiếng. Như bé trai ở tỉnh Sóc Trăng bị vùi dương vật bẩm sinh, hàng xóm biết được thì cho rằng cha mẹ ác nên sinh con không có cơ quan sinh dục. Trong khi đó, chỉ cần một cuộc phẫu thuật, bé sẽ bình thường trở lại”, bác sĩ Hùng cho hay. 

Theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Tấn Sơn - BV Nhi Đồng 2 TPHCM - dị tật lỗ tiểu thấp là một trong những dị tật bẩm sinh, thường gặp ở bé trai. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý của bé sau này. Trẻ em từ một đến ba tuổi là thời gian phẫu thuật tốt nhất. Mổ sớm cũng giảm được nhiều nguy cơ biến chứng hơn cho trẻ.

Đa số bé trai chỉ cần phẫu thuật một lần để “sửa lỗi”. Tuy nhiên, nếu dương vật của bé bị cong, dò niệu đạo, hẹp niệu đạo, hay các nguyên nhân khác, trong lúc mổ tạo hình, bác sĩ sẽ quyết định mổ thêm lần hai để xử lý. Quan trọng, người lớn phải cho trẻ tái khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi quá trình hồi phục, tránh biến chứng, ảnh hưởng đến “bản lĩnh đàn ông” sau này. 

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI