Bé trai 9 tuổi ở Tây Ninh suýt cưa chân do cắt lể nặn máu độc

02/12/2017 - 09:38

PNO - Sau khi nhờ thầy lang cắt lể cho bé trai 9 tuổi, người nhà phát hiện chân trái càng sưng to, không giảm sốt, đau nhức nhiều.

Bệnh viện đa khoa Xuyên Á TP.HCM đã tiến hành phẫu thuật thoát mủ, khoan xương cho bé trai M.T. (9 tuổi, nhà ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh). Bé T. được người nhà đưa đến cấp cứu trong tình trạng sốt cao, chân trái sưng to, căng cứng, tấy đỏ, đau nhức dữ dội, khiến em không thể đi lại được.

Be trai 9 tuoi o Tay Ninh suyt cua chan do cat le nan mau doc
 

Người nhà cho biết, trước khi nhập viện một tuần, chân trái của em đột nhiên sưng to, đau nhức kèm sốt cao nên người nhà đưa đi chích lể nặn máu độc ra ngoài để điều trị đau chân.

Nhưng sau cắt lể tình trạng bệnh ngày càng nặng, chân trái càng sưng to, không giảm sốt, đau nhức nhiều. Lúc này người nhà mới hốt hoảng đưa con đến cơ sở y tế gần nhà khám và uống thuốc. Sau đó bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á.

Tại đây, sau thăm khám, bác sĩ Phan Văn Tiếp chẩn đoán bé bị viêm tấy cẳng chân trái và được theo dõi nhiễm trùng máu. Người nhà được giải thích cần nhanh chóng phẫu thuật tránh nguy cơ hoại tử chân. 

Be trai 9 tuoi o Tay Ninh suyt cua chan do cat le nan mau doc
 

Sau gây mê, bác sĩ Tiếp tiến hành rạch da trên xương chày nơi tụ mủ nhiều, thấy mủ trắng đục trào ra rất nhiều kèm nhiều mô hoại tử. Các bác sĩ phải cắt lọc, nạo viêm, khoang xương, tháo mủ, dẫn lưu liên tục để thoát mủ và giảm áp lực trong tủy xương. 

BS.CKII. Phan Văn Tiếp cho biết việc cắt lể cho bé để điều trị đau nhức theo dân gian rất dễ dẫn đến nhiễm trùng máu. Khi điều trị sai cách có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí để lại những biến chứng nặng nề, cắt bỏ chân. Cách tốt nhất là nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để các bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị.

Cắt lể có tốt không?

Hiện nay, ở một số địa phương, người dân vẫn còn áp dụng phương pháp cắt lể (véo lên chỗ da cần lễ rồi dùng dao hoặc kim, mảnh thủy tinh để rạch một vết nhỏ và nặn máu vài lần) hoặc đắp thuốc không quy ước để chữa bệnh.

Đây là việc làm hết sức nguy hiểm vì luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các bệnh viêm gan, HIV và còn gây chảy máu không cầm, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử chi, xuất huyết não…. nguy cơ tử vong cao nếu không được cứu chữa kịp thời.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI