Bé trai 3 tuổi tử vong trong xô nước tại nhà

08/05/2023 - 12:08

PNO - 1 bé trai ở Long An bị ngã vào xô nước dùng trong gia đình. Khi người thân phát hiện, bé đã tử vong.

 

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM
Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM

Sáng 8/5, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, bé trai N.T.H (3 tuổi, ở Bến Lức, Long An) rơi vào xô nước cao 50cm, tử vong. Đây là trường hợp rất đáng tiếc, cảnh báo đến các phụ huynh có con nhỏ.

Theo đó, bé trai được người thân mua cho đồ chơi là một cây súng nước. Người nhà lấy chiếc xô cao tầm 50cm hứng một ít nước ra để bé chơi với chiếc súng nước này. Một lúc sau, người nhà không thấy bé nên đi tìm thì phát hiện bé bị té ngã chúi đầu vào xô nước, cơ thể tím tái, bất động.

Bé được bế ra khỏi xô nước, xốc nước, lau khô và hơ lửa cho ấm. Lúc này, theo quan niệm dân gian, cha mẹ của bé cũng được đưa ra nơi khác để mọi người cấp cứu.

Tuy nhiên, khoảng 15 phút, bé vẫn tím tái, mạch, huyết áp bằng 0 nên được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Các bác sĩ hồi sức tích cực tim phổi, đặt nội khí quản và chuyển ngay bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM để can thiệp.

Tối 3/5, bé được nhập khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng. Lúc này, tình trạng bé rất nặng, hô mê sâu, thang đo hôn mê Glasgow 3 điểm (bình thường 15 điểm), đồng tử giãn 4mm, mất phản xạ ánh sáng. Ê-kíp bác sĩ bóp bóng, cho bé thở máy. Sau đó truyền dịch, chống sốc, dùng thuốc vận mạch, trợ tim, nỗ lực điều trị suốt 3 ngày. Đáng tiếc, bé vẫn không qua khỏi. 

Qua trường hợp này, bác sĩ Phương cảnh báo tai nạn đuối nước ở trẻ nhỏ không chỉ xảy ra tại hồ bơi, ao hồ mà còn ngay trong các vật dụng chứa nước sinh hoạt trong nhà như xô, chậu. 

Trẻ đuối nước ngưng tim ngưng phổi cần được hồi sức tim phổi ngay tại hiện trường. Nếu tình trạng thiếu oxy não kéo dài quá 4 phút, trẻ sẽ bị di chứng não nặng nề. Nếu kéo dài quá 10 phút, trẻ có thể nguy kịch đến tính mạng.

Người phát hiện tuyệt đối không nên quá tin vào phương pháp dân gian như hơ lửa, xốc nước, hay bắt cha mẹ không được ở cạnh khi con đuối nước, ngạt nước. Mà phải thật nhanh chóng tìm cách khai thông đường thở cho bé. Những hành động trên khiến trẻ mất cơ hội được cứu sống kịp thời, đối mặt với nguy cơ di chứng não và tử vong do thiếu oxy. 

Khi phát hiện trẻ bị đuối nước, việc sơ cứu tại chỗ, đúng kỹ thuật vô cùng quan trọng, quyết định sự sống còn, di chứng não sau này của nạn nhân. Người phát hiện cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước. Đặt nạn nhân nằm chỗ khô ráo, thoáng khí, kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không. 

Nếu lồng ngực không di động tức là nạn nhân ngưng thở. Lập tức ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức, phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 15/2 nếu có 2 người cấp cứu hoặc 30/2 nếu có 1 người cấp cứu, trong 2 phút. 

Nếu nạn nhân chưa có dấu hiệu hồi phục phải tiếp tục các động tác cấp cứu này ngay cả trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế. Trong tình huống nạn nhân còn tự thở, đặt nạn nhân nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra ngoài.

Lưu ý, người cấp cứu phải kiên trì thực hiện cho đến khi mạch đập và trẻ có thể thở trở lại, liên tục thực hiện các động tác cấp cứu này trên đường chuyển trẻ bị nạn tới cơ sở y tế, việc cấp cứu này đôi khi phải mất hàng giờ hoặc lâu hơn. 

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI