Bé trai 1 tuổi ở Đắk Lắk bị chó nhà to gấp 3 lần cắn nát mặt

11/01/2018 - 13:33

PNO - Vừa chạy theo tiếng khóc của con, chị Hương run rẩy khi thấy mặt bé L. đầy máu chỉ về hướng con chó đang gầm gừ bên cạnh.

Chỉ trong vòng 1 tuần, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cấp cứu 2 ca chấn thương nặng nề do chó nhà tấn công. Hiện các bác sĩ vẫn chưa thể tiên lượng được điều gì cho cả 2 bé.

Chó nhà cắn nát mặt bé trai 1tuổi

Ngày 3/1/2018, chị Nguyễn Thị Hương đang làm bếp, bỗng nghe tiếng khóc thét của con trai là bé L.N.T.L. (1 tuổi, nhà ở tỉnh Đắk Lắk). Chạy theo tiếng khóc của con, chị Hương run rẩy khi thấy mặt của bé L. đầy máu chỉ về hướng con chó đang gầm gừ bên cạnh. 

Be trai 1 tuoi o Dak Lak bi cho nha to gap 3 lan can nat mat
Bé L. bị rách sâu vùng mặt với diện tích lớn.

“Lúc đó, tôi nghĩ con mình chỉ bị chó táp một cái ở mặt, nhưng không ngờ phía dưới chân bé có miếng thịt rất to. Tôi run rẩy ôm con, nhặt miếng thịt lên và hô hoán để hàng xóm giúp đỡ”, chị Hương nhớ lại.

Lập tức, bé L. được mọi người đưa đi cấp cứu ở bệnh viện gần đó. Người mẹ nhanh trí đưa miếng da mặt của bé cho bác sĩ xử lý, bảo tồn. 12g đêm, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM tiếp tục cấp cứu vì chấn thương quá nặng.

Theo bác sĩ Nguyễn Thế Huy, Phó khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1, bé L. nhập viện trong tình trạng mặt bị chấn thương nặng nề cho chó nhà cắn rời từ vùng mũi đến phần má phải. Mũi hầu như đứt hoàn toàn, mất nhiều máu, bé gần như lả đi.

Vừa nhận bệnh, các bác sĩ hội chẩn, tiến hành mổ cấp cứu ngay trong đêm. 3 giờ sáng, bệnh nhi được cấp cứu thành công. 

Bác sĩ Huy cho biết: “Vết thương tại vùng chó cắn đã khô lại, nhưng chúng tôi khá lo lắng vì phần cánh mũi đang có dấu hiệu hoại tử. Bên cạnh đó, vì đã qua “thời gian vàng” bảo dưỡng nên mảnh da mặt bị rời ra khi chó cắn dù được bảo quản khá kỹ nhưng cũng chỉ “sống” được một ít.

Be trai 1 tuoi o Dak Lak bi cho nha to gap 3 lan can nat mat
Những vết thương khá to vùng mặt có thể ảnh hưởng đến tâm lý sau này của bé về thẩm mỹ.

Thời gian tới, nếu cháu vượt qua được nhiễm trùng, hoại tử mặt, cũng còn những đau đớn kéo dài như các cuộc phẫu thuật ghép da, tái tạo mũi… Đặc biệt, vấn đề thẩm mỹ sau này rất khó có thể nói trước. Hiện bác sĩ chỉ tiên lượng 50/50”.

Theo anh Lê Viết Hùng, cha ruột bé L., con chó tấn công bé L. là chó nhà, anh nuôi được hơn 2 năm. Chú chó này nặng 18 ký, to gấp 3 lần so với bé, được anh chăm sóc khá tốt, cho tiêm ngừa đầy đủ. Thấy chó hiền, quấn chủ nên anh thường để bé L. chơi với chó. 

“Con tôi chơi với chú chó này từ khi nó biết bò. Hôm xảy ra tai nạn, chó đang ăn, con trai tôi cầm cây đánh vào mặt chó nên nó mới hốt hoảng rồi tấn công. Khi thằng bé bị cắn, khóc to, có thể con chó biết nên dừng lại chứ không cắn tiếp. Tuy nhiên, cú táp quá mạnh khiến L. bị mất cả vùng mặt”, anh Hùng xót xa.

Trước khi cắn bé L., con chó này chưa từng có dấu hiệu hung hãn hay cắn người khác. Hiện tại, chú chó vẫn được nhà anh Hùng giữ lại nuôi vì theo anh, đây là tai nạn ngoài ý muốn.

Chó cắn không nhả, bé trai đứt khí quản

Sau ca cấp cứu cho bé L. 3 ngày, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM tiếp tục cứu khẩn cho bé N.T.Đ. (5 tuổi, nhà ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) bị 2 con chó giống Bec-giê cắt đứt khí quản, tràn dịch màng phổi. Bé trai được chuyển cấp cứu qua 3 bệnh viện trong tình trạng hết sức nguy kịch.

Be trai 1 tuoi o Dak Lak bi cho nha to gap 3 lan can nat mat
Bé Đ. bị hai con chó cắn khắp người, đứt cả khí quản.

Sáng ngày 3/1/2017, bé Đ. được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê, tím tái, khắp người có rất nhiều vết thương. Vùng cổ bé chằng chịt dấu răng chó, khí quản đứt, phổi tràn khí. Bé Đ. được mổ cấp cứu ngay khi có các kết quả xét nghiệm.

Khi tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện không chỉ bé bị cắn đứt khí quản, phổi bé cũng bị thủng một lỗ khá to khiến khí tràn hết ra ngoài gây tràn khí dưới da, tràn khí màn phổi. 

“Ngoài việc vệ sinh vết cắn, xử lý những vết thương bên ngoài, chúng tôi phải thực hiện xông dẫn lưu màn phổi hai bên, xử lý hạ áp lực do khí tràn, khâu lại lỗ thủng,… Hiện bệnh nhi đã ổn định, kiểm soát được tràn khí màng phổi, nhưng chưa thể nói trước được gì”, bác sĩ Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết.

Be trai 1 tuoi o Dak Lak bi cho nha to gap 3 lan can nat mat
Các bác sĩ đang tích cực theo dõi bệnh cho bé Đ.

Khi bác sĩ Như khai thác bệnh sử, người nhà bé nói rằng bé bị 2 chú chó Bec-giê mà gia đình đang nuôi tấn công khi bé chơi với chúng nhưng không có người lớn ở đó.

Thạc sĩ bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 khuyến cáo, không chỉ riêng chó, những vật nuôi trong nhà cũng cần được kiểm soát, nhất là khi trẻ em chơi với chúng vì người lớn rất khó biết được lúc nào chúng trở nên hung hãn.

“Bình thường, chúng ta thấy vật nuôi, đặc biệt là chó rất hiền lành, dễ thương và quấn chủ. Tuy nhiên, trẻ em vốn hiếu động, các em có thể đùa nghịch bằng cách leo lên lưng, nắm đuôi, dùng roi, vật nhọn, sắc để chơi đùa cùng chúng. 

Bị đau, kích động, chó sẽ trở nên hung hãn, cắn người vì lầm tưởng mình bị tấn công. Đôi lúc, vì quá thương chó, trẻ ôm quá chặt cũng khiến chúng giận dữ. Nguy hiểm ở chỗ, chiều cao của trẻ ngang tầm với miệng chó, nên việc bị cắn ở mặt, ở cổ xảy ra rất nhiều.

Be trai 1 tuoi o Dak Lak bi cho nha to gap 3 lan can nat mat
Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trung Hiếu cho biết: "Bình thường, chúng ta thấy chó rất hiền lành, dễ thương và quấn chủ, nhưng khi bị kích động, chúng sẽ rất hung hãn và nguy hiểm, nhất là với trẻ em".

Kết quả, trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều về tâm lý sau này khi sẹo to, lồi lõm. Nhưng điều đáng tiếc nhất, trẻ có thể tử vong ngay lập tức nếu chấn thương quá nặng”, bác sĩ Hiếu cho biết.

Bác sĩ Hiếu khuyến cáo, khi trẻ chơi chung với vật nuôi, cha mẹ nên quan sát hoặc ở bên cạnh trẻ để kịp thời can thiệp khi tai nạn xảy ra. Khi không may, bé bị vật nuôi tấn công, cần đưa bé đến các cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ cấp cứu, xử lý vết thương ngay, tránh nhiễm trùng, hoại tử gây ra các biến chứng nặng về sau.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI