Bế tắc không chỉ vì bệnh tim mà còn vì chồng quá vô tâm, vô tình

13/06/2017 - 15:21

PNO - Con em phải gửi về cho bà ngoại nuôi, nhưng ba mẹ em cũng khó khăn lắm, không biết có nuôi cháu được lâu dài không.

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em 38 tuổi, có một đứa con gái 11 tuổi. Con còn quá nhỏ, mà em lại mới bị phát hiện mắc bệnh tim, bác sĩ cho biết đây là bệnh khó có thể chữa lành. Vợ chồng em là công chức, thu nhập chỉ vừa đủ sống. Nay em đau ốm, chi phí chữa trị tốn kém đã đành, em còn không thể tiếp tục đi làm được nữa, chỉ quanh quẩn trong nhà.

Be tac khong chi vi benh tim ma con vi chong qua vo tam, vo tinh
Chồng quá vô tâm. Ảnh minh họa.

Trước nay, em cố gắng thu vén, chi tiêu tiết kiệm để mong mua được nhà. Nay khoản để dành ấy phải chi gần hết cho bệnh tật. Con em phải gửi về cho bà ngoại nuôi, nhưng ba mẹ em cũng khó khăn lắm, không biết có nuôi cháu được lâu dài không. Em có chiếc xe máy nhưng cũng đã phải bán. 

Chồng em thì rất vô tâm, không biết hết những đau đớn của vợ, có khi còn theo bạn bè rủ đi nhậu, em điện thoại kêu chở em đi khám bệnh thì nói em tự bắt xe ôm. Em nói chuyện với má chồng, bà cũng nghe, cũng an ủi chia sẻ, nhưng có nói đại ý là bệnh tật thì trời kêu ai nấy dạ, còn những người khác người ta vẫn phải sống, phải tiếp tục cuộc đời của mình. Ý vậy là sao hả chị? Có phải bà nói chồng em phải lấy vợ khác, phải đẻ con trai cho bà có cháu nối dõi? 

Chị ơi, bế tắc quá. Em không thể sinh con được nữa, bác sĩ bảo việc mang thai quá nguy hiểm. Hay thôi em ly hôn, để anh ấy muốn làm gì thì làm? 

Lê Thị Mẫn (TP.HCM)

Em Mẫn thân mến, 

Khi ốm đau bệnh tật, suy nghĩ của mình cũng đau ốm theo, không còn minh mẫn nữa, càng nghĩ càng rối em ạ. Vậy nên, mình từ từ, ưu tiên chữa bệnh trước, khi bệnh đỡ dần, sức khỏe khá lên, cái nhìn của mình về kế hoạch tương lai sẽ không đến nỗi u ám. Em đừng nghĩ bệnh nan y không chữa được là coi như chấm hết cuộc đời. 

Nghĩ cho cùng thì, mỗi người ai cũng mang trong mình ít nhiều bệnh tật; những bệnh như tim mạch, huyết áp, tiểu đường… cũng thuộc loại không thể chữa dứt. Nhưng người ta vẫn sống tích cực, cuộc đời còn dài phía trước, việc thay đổi lối sống, thích nghi, tìm cách cải thiện tình trạng sức khỏe… em có thể tìm hiểu. Phát hiện có bệnh, phải thay đổi cuộc sống của mình cũng là chuyện tất yếu. Em nên gặp bác sĩ, gặp chuyên gia tư vấn y tế để họ hướng dẫn. 

Chuyện gia đình, lời mẹ chồng em nói có phần đúng. Ai cũng có cuộc sống riêng của mình, một người đau ốm có thể phải sống chậm lại, thậm chí có phải tạm dừng lại một thời gian, nhưng người kia vẫn tiếp tục sống. Vấn đề là phải chia sẻ với nhau, đó mới là tình cảm, là nghĩa vợ chồng, khi mạnh khỏe cũng như khi đau ốm.

Vậy nên, em có thể chia sẻ chuyện ốm đau, diễn tiến bệnh tình của mình, và có quyền đòi hỏi chồng phải chia sẻ phần nào đó với vợ. Ví dụ chuyện gửi con về ngoại nuôi, tiền nuôi con, chồng có trách nhiệm gửi cho ông bà, về quê thăm con. Ví dụ chuyện vợ nghỉ làm, ở nhà tập trung điều trị bệnh, chồng cũng phải cố gắng làm thêm, kiếm thêm, đỡ phần nào chi phí.

Nếu mình có tủi thân vì những chuyện vặt vãnh như chồng không chở vợ đi khám, vợ ốm đau vẫn phải chợ búa dọn nhà… cũng không cần phải bắt bẻ chồng cho nhà cửa thêm căng thẳng. Em hãy thể hiện rằng em trông mong vào chồng, bàn bạc nhờ cậy, nương tựa chồng.

Hãy đặt anh về đúng vị trí trụ cột gia đình, phải là người giữ con thuyền gia đình vượt sóng gió, đỡ đần cho vợ ốm đau. Chừng nào anh không muốn và không thể làm được việc này, chừng đó mình mới tính cách khác. 

Chúc em chữa bệnh có kết quả tốt và vui sống với những người thân yêu. 

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, mời quý vị gởi theo địa chỉ:

hanhdungonline@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI