Chị Hạnh Dung thân mến!
Chồng em hơn em 7 tuổi, suy nghĩ chín chắn, đôi lúc cực đoan. Anh làm kinh tế từ nghiên cứu khoa học, viết báo, tiền kiếm được tuy không quá nhiều nhưng vẫn nhàn hạ hơn công việc dạy học của em.
Chúng em có nhà trước khi cưới nhau, đất và nhà là của ba chồng cho. 10 năm sau, chồng em sửa lại nhà khang trang hơn chủ yếu từ tiền tích góp của anh ấy. Số tiền anh ấy kiếm được, em cũng có chút đóng góp khi giữ con cho anh, để anh có thời gian nghiên cứu.
Kể từ lúc chúng em có con sau 4 năm hiếm muộn, anh đối xử rất tệ với em. Anh và ba mẹ anh rất thương cháu, nhưng xem em như thể là người được thuê để chăm con vậy. Em đã trải qua những năm tháng ở cữ dưới ánh mắt soi mói, chê trách mắng chửi của gia đình anh, do khác nhau về quan điểm nuôi con. Em bị sốc chị ạ.
Sau này vợ chồng ra riêng, em cứ ngỡ không có ba mẹ chồng, anh sẽ khác. Nhưng không, anh đóng luôn cả 3 vai: vừa vô tâm như ba chồng, vừa xét nét khắt khe như mẹ chồng, và vừa có sự gia trưởng của người chồng. Chúng em cùng cơ quan, nhưng thân ai nấy lo, việc ai nấy làm.
Có lần vừa xuống sân bay lúc 1g sáng, em phải chạy xe máy về quê chồng một quãng đường rất xa, người mệt nhoài, ngực đau vì tức sữa, nhưng anh không hề đón em, cũng không nhắn tin hỏi han. Mẹ anh xót con nên biểu anh cứ ở nhà, để em tự lo.
Hồi COVID-19, em là viên chức thuộc diện tiêm vắc xin sớm, nhưng nhà chồng không cho, cả anh cũng không quan tâm em tiêm hay chưa. Em đi đâu về mưa ướt như chuột lột, anh vẫn ngồi ghế xem phim bình thường. Dần dà em tự hiểu sự vô tâm này sẽ không bao giờ thay đổi.
Con đau ốm, em luôn là người nghỉ việc cơ quan để chăm con, nhưng chỉ cần con ho, ói, hay tiêu chảy, mà lỗi liên quan đến em, là anh chửi bới, dằn vặt em suốt cả tuần. Anh không đỡ đần công việc nhà hay chăm con, còn em làm việc đến quên cả bản thân, nhưng anh vẫn cho em là người mẹ làm biếng.
Anh sống kỷ luật, có phần keo kiệt bủn xỉn. Đồ đạc trong nhà anh sắm sửa, nhưng em luôn có cảm giác anh không muốn em sử dụng. Nếu em hoặc học trò, người thân em lỡ làm hư, làm bẩn đồ anh mua, thì anh sẽ trách mắng em thậm tệ.
Em thất vọng và tổn thương rất nhiều, nên quyết định không nấu ăn cho anh suốt cả tuần. Anh hỏi em: "Vì sao giận? Vì tiền à? Tôi đưa cô bấy nhiêu cô còn chê à? Hay cô có người tình bên ngoài?".
Đỉnh điểm là anh dùng những từ tục tĩu, xưng mày tao với em, chửi em hỗn láo, mất dạy. Tim em như vụn vỡ. Cũng vì những tổn thương quá lớn mà em cũng không còn muốn gần gũi chuyện vợ chồng, chỉ đóng góp tiền chung cho những cái chung, hoặc phụ bỏ tiền ra chăm con.
Bây giờ mà ly hôn, thì em chưa đủ tài chính để nuôi con một mình, còn sống chung thì phải chịu đựng không biết đến bao giờ.
Em muốn con em có một người em ruột, để sau này nương tựa nhau, nhưng chắc là không còn cơ hội nữa phải không chị? Hãy hồi âm em nghen. Em chỉ còn biết trông mong vào chị.
Nguyễn Thanh Minh Tâm
Em Minh Tâm thân mến,
Cảm ơn em đã tin tưởng và gửi gắm tâm sự cho Hạnh Dung. Câu hỏi của em chỉ là có nên sinh thêm con thứ hai để con em sau này có chị có em nương tựa nhau, thì Hạnh Dung nghĩ rằng em cần phải cân nhắc kỹ. Những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ không hạnh phúc, thường sẽ khó hạnh phúc trọn vẹn được.
Một đứa trẻ phải chịu đựng những sang chấn tâm lý đã là đáng thương, em còn muốn sinh thêm một đứa nữa để làm gì? Nếu sinh ra rồi vẫn ly hôn, mà em thì không đủ kinh tế nuôi con, thì chúng sẽ còn bị chia cắt, đứa theo bố, đứa theo mẹ, điều đó quả thật đáng buồn.
Hãy dồn sức chăm sóc con em cho thật tốt. Nếu em quả thật không thể sống tiếp với chồng, thì hãy tích lũy tiền bạc, chuẩn bị kinh tế cho vững, để có thể một mình nuôi con.
Tuy vậy, đọc lá thư rất dài của em, Hạnh Dung vẫn... không hoàn toàn tán thành với cách em suy nghĩ, những ấm ức của em về chồng và gia đình chồng. Ở một mặt nào đó, Hạnh Dung thấy chồng em cũng có những điều mà nhiều người vợ ao ước.
Khi kết hôn, anh ấy đã có nhà cửa, anh ấy cũng tự bỏ tiền ra sửa nhà, không đòi hỏi ở em sự đóng góp nào. Anh ấy vẫn đưa tiền cho em lo cho gia đình chứ không vô trách nhiệm. Quan trọng nhất là anh ấy thương yêu con rất nhiều.
Nói về những điều em không hài lòng, ấm ức... Hạnh Dung có cảm giác hầu như chỉ phát xuất từ cảm xúc của em, và cảm xúc đó lại khá vô tư. Thí dụ câu này của em: "Số tiền anh ấy kiếm được, em cũng có chút đóng góp khi giữ con cho anh ấy, để anh ấy có thời gian nghiên cứu".
Sao em lại nghĩ vậy nhỉ? Việc chăm sóc con là nghĩa vụ chung, và có sự phân công phù hợp với công việc, trách nhiệm của mỗi người, chứ làm gì có chuyện ai làm cho ai. Tất cả là cho con mà?
Em ấm ức vì bị chồng trách móc khi con ho, ói, tiêu chảy... mà lỗi liên quan đến em. Có nghĩa là việc con bị bệnh có phần nào do cách em chăm sóc con mà ra. Người bố có thể rất xót ruột, thương con quá mới trách móc, chuyện này cũng bình thường mà em. Nhất là khi đứa trẻ được sinh ra trong cảnh hiếm muộn, thì cha mẹ sẽ càng nâng niu quý trọng hơn.
Đồ đạc sử dụng không cẩn thận, làm hư hỏng, người bỏ tiền ra mua chắc sẽ tiếc, sẽ có lời trách móc, theo Hạnh Dung cũng chưa phải là điều khó chịu đến mức em quyết định bỏ nấu ăn cho gia đình. Hạnh Dung dùng từ "cho gia đình", vì bữa cơm của vợ chồng là có cả hai người cùng ăn, là sự kết nối, là hạnh phúc của vợ chồng. Ông bà dạy "cơm sôi nhỏ lửa", chứ có dạy "cơm sôi tắt lửa" luôn đâu.
Gia đình nào cũng có chuyện này chuyện kia. Những bất mãn của em về vài ba chuyện em viết rất rõ trong thư, theo Hạnh Dung cũng chưa phải là nặng nề. Đó chỉ là sự vô tâm của người đàn ông mà thôi. Thế nhưng em vì những cảm xúc của mình mà "khép lòng trong quan hệ vợ chồng", như một đòn trừng phạt.
Cơm không nấu, quan hệ vợ chồng không có... Thật lòng, Hạnh Dung cho rằng em đã để cho cảm xúc bồng bột, ấm ức của một cô gái chi phối cách xử sự của mình, nhiều hơn là một người vợ, người mẹ muốn gìn giữ, vun đắp, xây dựng mối quan hệ tốt với chồng. Nhất là khi vợ chồng có những mâu thuẫn nhỏ, thì cách em hành xử khiến mọi việc thành trầm trọng hơn thì phải?
Ly hôn thì không thể, sống chung thì không chịu được, chi bằng thử tìm cách hàn gắn, thử tìm cách kiềm chế bớt những sự bồng bột, ấm ức của một cô gái trẻ, trò chuyện nói ra suy nghĩ của mình, tìm cách để cả hai có thể có được những cách cư xử tốt hơn với nhau, có phải tốt hơn không?
Chồng em không bài bạc, rượu chè, gái gú, vẫn lo đủ trách nhiệm với vợ con, vẫn yêu thương con... Hãy vì những ưu điểm không phải người đàn ông nào cũng có, mà cố gắng một chút nữa xem sao em ạ. Hy vọng rằng em sẽ có đứa con thứ hai trong một bầu không khí gia đình êm ấm và hạnh phúc.
Hạnh Dung
Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn