Bể nước có giàn trầu của nội

26/03/2024 - 17:22

PNO - Giờ đã có nước máy nên chẳng cần hứng nước mưa từ bể. Một nỗi nhớ không tên cứ vời vợi gọi tôi về ngày xưa.

Nhà bà nội có cái bể hứng nước mưa, chiếc máng dài làm bằng cây tre to chẻ nửa, cố định bằng dây thép cạnh mái ngói - nơi đón những giọt mưa rơi xuống. Khi trời mưa lớn, máng tre dẫn nước chảy vào bể để cả nhà sinh hoạt.

Chẳng biết bể nước có từ bao giờ, nhưng khi tôi sinh ra, bể đã đầy nước. Mùa khô hanh, cô tôi đi gánh nước ở ven sông về đổ từng thùng vào bể. Làng ở ven sông, có đào giếng nhưng rặt toàn nước lẫn phù sa đỏ quạch, chỉ dùng để tưới cây. Vì thế, nhà nào cũng có bể hứng nước mưa. Nhà bà Chi cạnh nhà nội.

Ảnh mang tính minh họa - Phùng Huy
Ảnh mang tính minh họa - Phùng Huy

Bà già rồi, anh con trai đi làm xa, thỉnh thoảng mới về. Bể nước của bà thường cạn vào mùa khô vì chẳng có ai gánh nước đổ vào. Bà hay sang nhà nội xin nước. Từng gáo nước múc lên rồi đổ vào chiếc thùng bé tí, bà lẽo đẽo xách về.

Bà nội trồng bên bể nước một cây trầu quế - loại trầu cay, lá nhỏ nhưng dày. Bà bảo ăn lá trầu quế mới thấm đẫm hương vị của trầu. Lá trầu bò ngang qua cửa sổ. Nơi đó, tôi từng thả hồn vào tuổi mộng mơ mới lớn. Thoảng bên tai bà gọi hái trầu cho bà têm. Tôi đưa tay bứt cái lá hình trái tim màu xanh óng ánh, vừa gọn trong tay tôi.

Bà nội trồng dây trầu, còn ông nội trồng cây đinh lăng. Nhưng khi tôi còn nhỏ, ông đã ra đi sau một cơn bệnh nặng. Cây đinh lăng cạnh bể nước cứ xanh um, bất kể mùa đông hay mùa hè. Chúng âm thầm đan quện vào nhau, hỗ trợ sự sống cho nhau. Có lẽ vì thế mà gia đình tôi hồi đó luôn đầm ấm bên nhau tràn ngập tiếng cười. Tiếng bà gọi cô tôi dậy sớm đi làm đồng, tiếng ba và bác tôi chạy thể dục quanh sân ngày cơ quan nghỉ phép, tiếng mấy đứa em tôi choe chóe đòi uống nước đường…

Mợ tôi lấy nước từ bể, nấu với bồ kết rồi pha vào mấy thau to cho cả nhà gội đầu. Tôi cầm chiếc gáo dừa múc nước bồ kết màu vàng óng đổ nhẹ lên mái tóc đen nhánh của mợ. Tóc mợ như dòng suối đen tuyền. Mợ quay mái tóc thành vòng tròn cho nhanh khô, búi tóc lên cao rồi bảo tôi cúi đầu xuống cho mợ gội. Vì tôi hay nghịch nên mồ hôi vã ra, đầu rất dơ.

Ảnh mang tính minh họa - Phùng Huy
Ảnh mang tính minh họa - Phùng Huy

Mỗi lần được gội đầu, cả ngày hôm đó đầu nhẹ như bông. Tôi không bao giờ quên cảm giác sảng khoái đó. Mợ tôi là mẹ kế của tôi, nhưng ba không cho gọi là dì, bởi ba sợ 2 chữ “dì ghẻ”. Chắc có lẽ vì thế mà mợ tôi hiền thật hiền. Tôi yêu mợ như người mẹ thứ hai của tôi.

Thời gian trôi, rêu phong phủ trên mái ngói ngày một dày, bám vào cả thành bể chẳng chịu rời đi. Cô tôi đi lấy chồng nên không còn gánh nước bên sông vào bể. Mợ và ba tôi vào Nam làm ăn. Chúng tôi lớn lên, đi học rồi đi làm, thỉnh thoảng có thời gian mới về thăm bà. Một ngày mưa, bà nhắm mắt đi xa mãi mãi.

Tôi bước lặng lẽ đến bên bể nước, vài xác rễ trầu vẫn bám chặt vào bể nước đã cạn khô. Giờ đã có nước máy nên chẳng cần hứng nước mưa từ bể. Một nỗi nhớ không tên cứ vời vợi gọi tôi về ngày xưa. Bác tôi bảo tuần sau sẽ xây nhà, bể nước sẽ phải phá đi, nơi ấy sẽ là góc hiên của ngôi nhà mới. Tạm biệt mãi mãi chiếc bể nước có giàn trầu thân thương của nội.

Thanh Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI