Ngày bánh mì Việt Nam được tôn vinh trên trang chủ của Google, tôi chợt nghĩ ra một trò chơi nhỏ. Tôi nhắn mấy đứa bạn tứ xứ, hỏi: “quê mày hồi xưa có bánh mì Sài Gòn không? Bao nhiêu một ổ?”. Đó là tôi hỏi bừa từ ký ức của chính mình - một đứa nhỏ quê tận Quảng Nam nhưng khi nhắc bánh mì lại nhớ trước tiên cái câu rao hàng vừa giục giã, vừa hiu hắt giữa đêm đông: “Bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm bơ, 2 ngàn một ổ”.
Ký ức bánh mì
Câu hỏi của tôi như chạm vào một “cái chốt” ký ức, tụi bạn 8X nhiệt tình tương tác. Nhỏ bạn ở Bình Định trả lời nhanh nhất: “2 ngàn”. Cô gái quê Đắk Lắk chu đáo nhắc: “Bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm bơ, 2 ngàn một ổ”. Thằng bạn ở Đà Nẵng quyết luôn: “Đà Nẵng sao không có bánh mì Sài Gòn được? Tao nhớ không rõ, nhưng chắc là 3 ngàn một ổ!”...
Lúc này, cả nhóm mới ngớ người nhận ra, dù ở miền Trung, Tây Nguyên hay Tây Nam Bộ, người ta cũng có một thứ “bánh mì Sài Gòn” lởn vởn trong ký ức. Sài Gòn hiện hữu lần đầu trong những đứa trẻ nông thôn trong chính ổ bánh mì mang tên nó. Ở một nơi có khi cách ngàn cây số, bánh mì Sài Gòn được những cô chú hàng rong chở theo trong cái cần xé bằng tre, lót trong một cái bao tải to. Cái bao tải lúc nào cũng thừa ra một đoạn để túm được phần miệng bao lại, phủ kín trên bề mặt mớ bánh mì. Khi bánh mì địa phương kẹp đầy đủ các loại rau thịt chỉ có giá độ 2 ngàn đồng, thì cái bánh mì Sài Gòn không nhân đã ung dung rao bán 2-3 ngàn một ổ. Nhưng đúng như quảng cáo, ổ bánh mì đắt tiền đặc ruột, thơm phức, phết đẫm một lớp bơ óng ánh xa lạ với chiếc bánh mì thịt thiệt thà nông thôn. Bọn trẻ từ đó được in sâu vào tiềm thức cái tên “bánh mì Sài Gòn”, dù từng vùng quê xứ đó vốn đã có một loại bánh mì đặc trưng ngon nhức nhối, gợi thèm tha thiết…
Một quầy bánh mì của Sài Gòn xưa
Sau này, khi vào đến Sài Gòn, có dịp nhìn thấy sự đa dạng của các phiên bản bánh mì của từng vùng miền, tôi chợt thấy, ổ bánh mì Sài Gòn nguyên bản không nhân đó như đã đi một hành trình theo chiều dọc, xuyên qua lớp lớp những sự sống riêng biệt của từng phiên bản địa phương của bánh mì. Ở điểm giao của hai chiều kích đó, người Quảng Nam như tôi vừa có trong mình cái ổ bánh mì nhỏ nhắn, đậm vị rau thơm, ớt xào, thịt xíu, chả bò quê mình, vừa mơ màng tiếng rao đêm hôm gợi một ổ bánh mì Sài Gòn nóng giòn, thơm phức mùi bơ.
Thế nhưng, vén cái lớp ký ức bề mặt, bánh mì vẫn là một từ khóa xâu chuỗi những ký ức ngày thường, từ chính những cơn đói đầu ngày, những lần giao ca vội vã, hay những buổi giải lao nửa chừng cuộc đồng áng. Khi đó, mỗi người ôm ấp một phiên bản bánh mì của xứ sở mình. Trên dải đất Việt dễ có trăm loại bánh mì của từng vùng đất. Bánh mì chả bò thịt xíu (kho rim) Hội An, Bánh mì chả cá Nha Trang, bánh mì xíu mại Phan Thiết, bánh mì phá lấu, bánh mì chả lụa + xá xíu + dăm bông Sài Gòn, bánh mì bột lọc Đà Nẵng…, và bánh mì ốp la "quốc dân". Ổ bánh tròn dài như bắp tay người lớn, làm từ bột mì, trong mềm ngoài giòn, mà hễ đi qua từng vùng đất, lại khoác vào mình những hương vị riêng biệt.
Sau cái trò chơi bộc phát về cái ký ức tập thể có tên “bánh mì Sài Gòn”, mạch tự sự của hai chữ bánh mì kéo tôi về những buổi sáng mùa đông nhảy thót xuống chiếc xe đạp đang ngon trớn, chạy thót một cái nữa, lọt thỏm vô quầy bánh mì quen trên đường đến trường. Tủ bánh mì đặt bên một cái lò than đang đốt đỏ mớ than củi nhỏ vụn, bắt lửa. Trên lò than là một dãy bánh mì đang lật trở liên tục. Mấy ổ chín giòn, bề mặt nổ lên một lớp dày đặc những bong bóng khí nhỏ xíu. Quán đông kín những vị khách đang chờ. Biết chưa tới lượt, tôi tranh thủ đứng hong đôi tay đang lạnh cóng trên lò lửa than. Chỗ đó, có chị phụ bán đang đứng canh lò. Hễ cô chủ thảy ra một ổ bánh mì đã bỏ nhân, chị lại lật qua lật lại 3 lần, rồi nhanh tay dùng cọ phết một lớp bơ mỏng dánh lên thân bánh. Lớp bơ mỏng đến nỗi, nếu nhìn nghiêng ổ bánh dưới ánh mặt trời bạn mới có thể thấy những vệt bơ thưa thớt được để lại bởi đầu cọ. Nhưng, khi nướng lên, lớp bơ “tượng trưng” ấy vẫn khiến ổ bánh mì thơm phức, và bắt khách nhất vùng.
Xe bánh mì ấy cũng từng chứng kiến tôi chạy ào đến, rồi dừng lại chần chừ không biết nên mua một ổ bánh mỳ thịt đúng chuẩn, hay chỉ lấy một ổ bánh mì chan nước sốt. “Quota” bữa sáng mẹ cho vẫn đủ một ổ bánh mì thịt, nhưng nếu ăn trọn một ổ hai ngàn đồng, sẽ hết mất cơ hội mua một cây thước kẻ, hay một cái ruột bút mới. Cái thời thiếu thốn khiến người ta cân não chỉ vì mấy lát thịt - rồi cũng được bánh mì ôm ấp, che đậy hết.
Cái "cần xé" vượt thời gian cùng bánh mì Việt
Có bữa đi học sớm, quán bánh mì cũng là nơi tôi có thể nấn ná ở lại khi ổ bánh mì trên tay chỉ còn lại có… một miếng giấy gói. Thế là tôi bắt đầu sa vào... tin tức. Đó là tin tức cũ trên trang nhật báo xấu số bị cắt làm năm, làm bảy để kẹp bánh mì. Có lúc hên hên, mà không, đại đa số là gặp xui, tờ giấy kẹp bánh mì cắt đôi một cột báo, khiến “độc giả” vừa đọc vừa đoán mấy dòng tin tức cũ, chẳng đâu vào đâu.
Món ăn hình thành từ triết lý dung hợp của người Việt
Người bình dân thân thuộc với bánh mì vì giá rẻ, nhưng giới trung/thượng lưu cũng thường bánh mì cho bữa sáng. Món ăn thuở hàn vi của đại đa số người Việt là bánh mì. Nhưng, loại ẩm thực hiển hách nhất cũng bánh mì. Năm 2009, lần đầu tiên ăn bánh mì tại quán bánh mì Phượng (Hội An), cố đầu bếp lừng danh Anthony Bourdain đã ca ngợi rằng đây là "loại bánh ngon nhất thế giới". Năm 2011, từ điển Oxford chính thức ghi nhận ‘bánh mì’ là tên gọi một loại bánh riêng biệt, dùng chính cách viết của tiếng Việt để định danh loại bánh này. Tháng 3 năm 2012, chuyên trang du lịch của The Guardian đã bình chọn bánh mì Sài Gòn vào top 10 món ăn đường phố ngon và hấp dẫn nhất thế giới. Hàng loạt tờ báo, tạp chí thế giới sau đó cũng đưa bánh mì vào hàng top trong các bảng xếp hạng ẩm thực thế giới. Nhiều chính khách nước ngoài đến thăm và thể hiện sự thân thiện bằng cách ghé vào một quán bánh mì ở Việt Nam. Năm 2018, bánh mì đã lên sân khấu Hoa hậu hoàn vũ Thế giới trong bộ trang phục truyền thống của hoa hậu H’Hen Niê. Và hôm nay, bánh mì cùng nguyên liệu làm nên nó được trình bày trên trang chủ Google tại nhiều quốc gia. Người Việt trong nước và cả những công dân quốc tế đang hiện diện tại Mỹ, đảo Virgin (Mỹ), Canada, Pháp, Đức, Cộng hòa Séc, Áo, Thụy Sỹ, Úc, New Zealand, Nhật, Singapore sẽ cùng nhìn thấy bánh mì trên trang chủ Google hôm nay.
Tiệm bánh mì 11 ở London (Anh)
Có lẽ, bánh mì là một hiện vật đời thường phổ biến nhất mà người Việt có thể có cho một niềm tự hào tầm cỡ quốc tế kiểu vậy. Không có một món ăn nào đủ “đa năng” đến mức có thể vừa “cứu đói” những buổi lỡ của người nông dân, vừa đệm chặt bụng đứa học trò buổi sớm, vừa thỏa mãn cơn “nhạt miệng” xế chiều của những thị dân, vừa đi vào hội nghị, trong những buổi tiệc đứng giữa giờ... Mà mọi sự có mặt của bánh mì trong từng hoàn cảnh đó, đều vừa vặn. Mọi người Việt đều có bánh mì trong thế giới của họ. Có hàng ngàn người bán bánh mì vô danh khắp nơi, nhưng cũng có những Lê Văn Bá - người khai sinh dịch vụ thức ăn nhanh Lee Bros phủ sóng nước Mỹ từ một xe bánh mì, những ông/bà chủ của các thương hiệu quốc tế như Kêu!, Bánhmì11 (London), Banh mi bay (Nhà thờ St. Paul)... làm nên sự nghiệp trên thế giới, cũng với bánh mì.
Thế nhưng, sự dung hợp phải đâu chỉ thể hiện trên chính số phận ẩm thực (hàn vi - hiển hách) của bánh mì? Nó còn hiện hữu từ chính gốc gác của loại bánh xuất phát từ Tây phương, từ ổ baguette dài với thịt nguội và bơ hoặc phô mai của người Pháp mà lại hóa thân thành đặc sản Việt Nam, rồi tuyệt đối hóa sự hòa nhập với đất nước này bằng cách đĩnh đạc đi vào từ điển thế giới bằng một cái tên thuần Việt.
Tôi nhớ, một lần ngồi trò chuyện vu vơ về bánh mì, nhà văn Nhật Chiêu nói “ổ bánh mì cũng giống như nàng Kiều, đi vào nước ta từ nền một văn hóa khác nhưng lại được người Việt làm thành một biểu tượng đỉnh cao, rồi nó lại “Việt Nam” không thua bất kỳ một sản phẩm gốc Việt nào”. Phép ví von ngẫu hứng này làm tôi ghi nhớ, bởi nó như chạm vào yếu tính của bánh mì, cũng là yếu tính của chính người Việt. Với một dân tộc sống nơi cửa ngõ, từng tiếp nhận và giao thoa với bao nền văn hóa từ tứ bề - thì dung hợp đã trở thành một triết lý sống, động lực sống. Bánh mì đã sinh ra từ chính cái triết lý dung hợp của người Việt, và dần sinh ra một cuộc đại giao thoa trong chính nó. Đó là cuộc giao thoa của hai nền văn hóa ẩm thực Pháp - Việt. Là cuộc giao thoa của những thói quen ẩm thực của những thành phần xã hội khác nhau trong chính nước Việt. Và bây giờ, nó vẫn không ngừng giao thoa, dung hợp những nguyên liệu vẫn đang làm nên từng phiên bản của nó. Bột mì ngoại nhập; rau thơm, tương ớt, chả bò, chả cá rất Việt Nam; nhưng pate, bơ thì là sản phẩm ẩm thực của các nước phương Tây. Tất cả Đông - Tây gói vào lòng ổ bánh mì. Đã vậy, khoảng không gian mở ra giữa hai lớp bánh mì có khi kẹp một hỗn hợp gồm: rau thơm tươi sống, chả/thịt nguội, còn thịt thì hoặc đem làm xá xíu, hoặc kho queo, đồ chua thì trộn giấm hoặc lên men… Mỗi loại nguyên liệu là một kiểu chế biến. Có lẽ, trần đời không có một món ăn nào gọn gàng, giá rẻ mà lại chứa chan đến thế, tài tình đến thế!
Tất cả những điều này, có lẽ đã đủ lý giải vì sao một người đẹp Việt Nam lại mang bộ “trang phục bánh mì” lên sàn nhan sắc thế giới như một trang phục truyền thống dân tộc, vì sao cách đây chừng một tháng, cư dân mạng Việt Nam lại đồng loạt phẫn nộ khi vài bạn trẻ nước ngoài nhắc đến bánh mì với tinh thần tiêu cực. Cả màn trình diễn ấn tượng của người đẹp lẫn những phản ứng giận dữ có thể đã thái quá của số đông - đều là những "gương mặt" của tình yêu. Mà với điều quá máu mủ, lại là một niềm tự hào thiết thân, số đông dễ đánh mất sự bình tĩnh khi thực hiện cái ý thức phải bảo vệ tình yêu đến cùng.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.