Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM: Trẻ tàn phế do tổn thương não khi chụp DSA

29/05/2017 - 08:30

PNO - Hơn ba tháng nằm viện, sau lần chụp kiểm tra mạch máu não trước khi xuất viện, sự cố bất ngờ xảy ra khiến cậu bé 11 tuổi trở nên ngơ ngác, ú ớ, chân tay co quắp.

Đang lanh lợi bỗng tàn phế

Theo chị Nguyễn Thị Hồng Định (ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM), vào ngày 10/2, bé Thạch Trung Nghĩa (11 tuổi) con trai chị bị đau đầu, chóng mặt, nôn ói. Gia đình đưa bé đến phòng khám gần nhà, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM. Bệnh viện chẩn đoán bé bị xuất huyết não và tiến hành can thiệp ngay trong đêm.

“Con tôi khỏe lại và tiếp tục được theo dõi điều trị tại khoa ngoại thần kinh. Ngày 17/3, bác sĩ mổ lần 2 để hút máu tụ. Sau ca mổ, bé khỏe mạnh, tiếp tục chơi đùa như bình thường”, chị Định kể.

Đến ngày 15/5, một ngày trước khi Nghĩa xuất viện, bác sĩ chỉ định chụp DSA (kỹ thuật chụp mạch máu số hóa xóa nền) kiểm tra tổng thể mạch máu não. “Con tôi được đưa ra khỏi phòng chụp, miệng sùi bọt, tay chân co cứng, không nói năng được tiếng nào nữa. Tôi hỏi, thì họ nói do thuốc mê”, chị Định bức xúc.

Cho đến nay, tình trạng sức khỏe bệnh nhi vẫn không cải thiện. Gia đình vô cùng đau đớn, không thể tin được khi Nghĩa (đang học lớp 5) bỗng chốc ngu ngơ, không nói năng, chỉ cười vô hồn, tay chân co cứng. 

Theo chị Định, ban đầu bệnh viện không nhận trách nhiệm, nhưng chính bác sĩ tên Mỹ - người thực hiện DSA lần cuối cho Nghĩa - thừa nhận với chị là lỗi do bác sĩ. Cũng theo chị, vị này không phải là BS đã theo dõi và mổ cho Nghĩa trong những lần trước đó.

Bẹnh viẹn Nhi Dong 2 TP.HCM: Tre tan phe do ton thuong nao khi chup DSA
Bé Nghĩa tiếp tục nằm điều trị tại khoa nội thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM trong tình trạng tổn thương não nặng.


Xảy ra hiện tượng co thắt mạch máu

Trao đổi với chúng tôi, bà Huỳnh Minh Thu, phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: “Hội đồng chuyên môn do bệnh viện thành lập đánh giá, sự cố trên nhiều khả năng do co thắt mạch máu não trong lúc chụp DSA. Khi xem lại video clip, hình ảnh quá trình chụp DSA, ghi nhận có hiện tượng co thắt mạch lúc đặt ống và bơm thuốc cản quang, khiến thiếu máu, thiếu ôxy nuôi não”.

Một thành viên hội đồng chuyên môn giải thích, hiện tượng co thắt xảy ra do phản ứng của các tế bào nội mạch khi đưa ngoại vật (ống dẫn) vào nội mạch. Ngoài ra, một số cơ địa nhạy cảm còn phản ứng với hóa chất cản quang, gây co thắt mạch máu não tạm thời.

Theo bà Thu, bé Nghĩa sẽ tiếp tục được điều trị tại khoa Nội Thần kinh, kết quả đo điện não ngày 23/5 cho thấy có sự cải thiện “đáng kể”. Tuy nhiên: “Không thể tiên lượng thời gian điều trị và mức độ phục hồi sức khỏe của Nghĩa. Trách nhiệm của bệnh viện đối với trường hợp này như thế nào, thuộc về quyền phát ngôn của bệnh viện, tôi không thể trả lời”, bà Thu nói.

Bác sĩ hạn chế về chuyên môn?

Bà Thu thừa nhận, tuy can thiệp nội mạch ngoại thần kinh không còn là một kỹ thuật mới ở Việt Nam, nhưng đến thời điểm này, không phải bác sĩ nào cũng có thể làm được DSA. Do đó, càng khiến chúng tôi không khỏi thắc mắc về tay nghề của bác sĩ tên Mỹ thuộc khoa ngoại thần kinh, BV Nhi Đồng 2.

Bẹnh viẹn Nhi Dong 2 TP.HCM: Tre tan phe do ton thuong nao khi chup DSA
 


Trước tiên, tại sao khi chụp DSA lần thứ hai, trên cơ thể bệnh nhân có đến hai ống thông từ dưới bẹn lên trên, trong khi lần đầu chỉ có một? Giải thích của bà Thu hé lộ phần nào sự “lành nghề” của vị bác sĩ này: “Khi thực hiện thủ thuật bác sĩ đặt ống bên này, nhưng nó không lên được tới vị trí mong muốn, nên bác sĩ lại tiếp tục đặt bên kia”.

Kế đến, nếu nguyên nhân gây co thắt mạch là do các ngoại vật như ống dẫn và hóa chất cản quang, thì tại sao lần đầu chụp không bị phản ứng? Nếu y văn đã đề cập, có những phản ứng của mạch máu não đối với ngoại vật trong thực hiện kỹ thuật DSA, vậy bác sĩ, bệnh viện có biện pháp nào đề phòng?

Một chuyên gia đầu ngành về DSA phân tích: “Theo kinh nghiệm của tôi, nếu biết cơ thể có khả năng có những phản ứng như thế, phải làm thật nhẹ nhàng, bơm lượng thuốc cản quang vừa phải. Phải xem lại kỹ năng luồn ống vào mạch của bác sĩ này”.
Dù sự cố trên đã được hội đồng chuyên môn bệnh viện kết luận cụ thể, nhưng không hiểu sao bà Thu vẫn khẳng định với chúng tôi, tình trạng của bệnh nhi Nghĩa hiện tại là do di chứng của tổn thương não, chứ không liên can đến kỹ thuật chụp DSA. 

Báo động tình trạng “lộn xộn” DSA

Theo Hội Can thiệp thần kinh TP.HCM, DSA bắt đầu thực hiện tại Việt Nam giai đoạn 2004-2005. Kỹ thuật này có thể gây tai biến, nhưng tỷ lệ thấp. DSA được xác định là một kỹ thuật xâm lấn, chủ yếu để can thiệp, chứ không phải dùng để chẩn đoán hay tầm soát bệnh. 

DSA là một kỹ thuật cao, do đó được kiểm soát rất chặt chẽ, bác sĩ phải thực hiện kỹ thuật này trong phòng mổ, có bác sĩ gây mê, đặc biệt là ở trẻ em.

Một thành viên của Hội Can thiệp thần kinh TP.HCM nhận định, đang có tình trạng khá “lộn xộn” trong việc thực hiện chụp DSA. Thời gian gần đây đã xảy ra một số sự cố liên quan đến kỹ thuật này. Muốn thực hiện can thiệp DSA, cần phải có chứng chỉ được đào tạo bởi một số những chuyên gia đầu ngành, chứ không thể “trăm hoa đua nở” như hiện nay.


Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI