PNO - Tối 15/11, tại TP Cần Thơ (tỉnh Cần Thơ), đã diễn ra lễ bế mạc Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024. Có 116 huy chương và nhiều giải thưởng được trao cho các tập thể và cá nhân xuất sắc.
Hội đồng nghệ thuật của liên hoan nhận hoa tri ân từ ban tổ chức, lãnh đạo
Đến dự lễ bế mạc có: tiến sĩ Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Thường; NSND Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn; NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam...
Hội đồng nghệ thuật đã thống nhất trao huy chương vàng cho 4 vở diễn: San hô đỏ (nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), Chất ngọc - Cầm Thi giang (nhà hát Cải lương Tây Đô), Người con của rừng tràm (đoàn nghệ thuật Cải lương Long An), và Xuân Hương nữ sĩ (nhà hát Cải lương Hà Nội).
Các đoàn nhận huy chương vàng cho vở diễn
8 huy chương bạc trao cho các vở: Người mang 9 án tử (công ty We); Tây Sơn nữ tướng - Chói rạng sơn hà, Sáng mãi vầng nhật nguyệt, Người ven đô (sân khấu Đại Việt); Cây lẻ bạn (sân khấu Kim Ngân); Gặp lại người đã chết, Nơi bình minh vẫy gọi, Không gục ngã (Hải Phòng).
Về giải cá nhân, có 41 huy chương vàng, trong đó có những tên tuổi quen thuộc với khán giả mộ điệu đang hoạt động tại TPHCM, như: NSƯT Võ Minh Lâm (ông Bảy Đờn - Người ven đô) NSƯT Lê Tứ (Võ Duy Ninh - Khúc tráng ca thành Gia Định), NSƯT Lê Hồng Thắm (Nghĩa - Người ven đô), NSƯT Vũ Luân (Nguyễn Trung Trực, Anh hùng đất phương Nam) NSƯT Kim Tiểu Long (Lê Lợi - Hào kiệt Lam Sơn), Lê Trung Thảo (Lê Quýnh - Lưu vong - Khí tiết một trung thần), Bảo Trí (Huỳnh Công Lý - Người mang 9 án tử), Võ Thành Phê (An - San hô đỏ); Minh Trường (Trần Quang Diệu) Bình Tinh (Bùi Thị Xuân - Tây Sơn nữ tướng: Chói rạng sơn hà), Hoàng Hải (Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử) Thanh Toàn (Trọng Thủy - Truyền tích Cổ Loa xưa), Lệ Trinh (Ngọc Bình - Chân mệnh)…
Ngoài ra, còn có 63 huy chương bạc cho các nghệ sĩ: NSND Phượng Loan, NSƯT Vân Hà, NSƯT Tú Sương, NSƯT Minh Hoàng, NSƯT Tâm Tâm, các nghệ sĩ Linh Tâm, Nguyễn Văn Hợp, Nguyễn Văn Khởi, Hùng Vương, Kim Luận, Hoài Thanh, Nhật Nguyên, Trọng Hiếu, Tô Tấn Loan, Hoàng Quốc Thanh, Hoài Nam, Bảo Ngọc…
Các nghệ sĩ nhận huy chương vàng cá nhân
Ban tổ chức cũng tôn vinh ê-kíp sáng tạo với các giải: tác giả xuất sắc nhất dành cho tác giả Nguyễn Đức Minh (vở Xuân Hương nữ sĩ, nhà hát Cải lương Hà Nội); tác giả chuyển thể xuất sắc - Hoàng Song Việt (Cây lẻ bạn, sân khấu Kim Ngân); đạo diễn xuất sắc nhất - Lê Nguyên Đạt (Tây Sơn nữ tướng: Chói rạng sơn hà, sân khấu Sen Việt); nhạc sĩ xuất sắc nhất - NSND Hoàng Anh Tú (Xuân Hương nữ sĩ, nhà hát Cải lương Hà Nội); họa sĩ xuất sắc nhất - Lê Văn Định (Cây lẻ bạn, sân khấu Kim Ngân); biên đạo xuất sắc nhất - biên đạo Thanh Hải (Chất ngọc Cầm Thi giang, nhà hát Tây Đô); 2 nhạc công xuất sắc: Trương Tấn Đức (đờn bầu, vở San hô đỏ, nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), Bùi Thanh Tùng (guitar phím lõm, vở Công chúa Huyền Trân, đoàn nghệ thuật tỉnh Nam Định); dàn nhạc vở Hào quang và bóng tối, đoàn Hương Tràm - Cà Mau.
Ngoài ra, Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam còn trao các giải cho diễn viên triển vọng và diễn viên nhỏ tuổi nhất. So với Liên hoan Cải lương toàn quốc 2022 diễn ra tại Long An thì ban tổ chức đã không trao giải đồng. Cảm giác “ngộp” vì “mưa huy chương” cũng giảm đi đôi phần.
BTC trao giải cho ê-kíp sáng tạo
Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 diễn ra từ ngày 25/10 đến ngày 15/11 có sự tham gia của 29 đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập, dự thi 33 vở diễn, với sự góp mặt của hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công.
Phát biểu tổng kết liên hoan, nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, đánh giá cao sự phong phú, đa dạng phong cách thể hiện của các tác phẩm dự liên hoan. Nhiều vở diễn chất lượng nghệ thuật cao, chủ đề, tư tưởng rõ ràng, sâu sắc, thể hiện vẻ đẹp lạ kỳ, riêng biệt của nghệ thuật kịch hát cải lương.
Trong thành phần sáng tạo, bên cạnh những tên tuổi đã khẳng định mình bao năm qua, đã xuất hiện nhiều tác giả trẻ thể hiện được năng lực qua khâu biên kịch hoặc chuyển thể cải lương với thủ pháp mang đậm dấu ấn sáng tạo cá nhân. Cũng như xuất hiện những đạo diễn trẻ đã chứng minh được tài năng với trọng trách trưởng ê-kíp sáng tạo.
Với lực lượng trung tâm là diễn viên thì dễ thấy nhất là tình yêu nghề và nỗi khát khao thể hiện tài năng. Liên hoan không chỉ là ngày hội lớn của người làm nghề mà còn là nơi tích lũy, trao truyền những kỹ năng sáng tạo nhất của nghệ thuật cải lương. Đặc biệt, sự tiếp nối các thế hệ là điểm nhấn nổi bật của Liên hoan khi nhiều NSND, NSƯT đã trở thành những giá đỡ tạo tự tin cho các nghệ sĩ trẻ bước vào cuộc thi.
Vở San hô đỏ của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đạt huy chương vàng
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Sỹ Chức cũng nhắn gửi các tác giả và đạo diễn trẻ cần chú ý hơn đặc thù tự sự của sân khấu cải lương. Vẫn còn những tác giả sử dụng bài bản chưa thật hợp lý, không chắt lọc ca từ, từ đó không tạo hứng khởi cho người xem mà diễn viên cũng khó thể hiện. Vẫn còn vài vở diễn “bị phô” khi xác định vấn đề, xung đột kịch còn bất hợp lý; không tạo được sự lấp lánh hình tượng cho nhân vật, khiến câu chuyện cứ bàng bạc, một màu…
“Rất mong các tác giả trẻ, đạo diễn trẻ hãy thâm nhập thực tế nhiều hơn, thực sự hòa nhập vào dòng chảy đương đại để tìm chất liệu sáng tạo cho mình” - nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức gửi gắm.
NSND Lệ Thuỷ biểu diễn trong đêm tổng kết trao giải
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 còn cho rằng số tác phẩm lẫn đơn vị dự hội diễn tăng lên là tín hiệu đáng mừng. Nhưng bên cạnh những đơn vị đầu tư nghiêm túc cho tác phẩm thì vẫn còn một số đơn vị đầu tư chưa thỏa đáng, thậm chí có những đơn vị chọn kịch bản đoạt giải từ mấy chục năm trước ra làm lại; hoặc những đơn vị chỉ chú trọng các vai diễn có thể đạt huy chương chứ chưa quan tâm đến các yếu tố nghệ thuật của vở diễn.
Tại sự kiện D23 Brazil: A Disney Experience diễn ra tại Brazil ngày 10/11, hàng loạt trailer các dự án được mong đợi nhất của “nhà Chuột” đã được hé lộ.