Ngày 13/11, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng TP.HCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” bế mạc. Một sự gặp gỡ thú vị, phần lớn ý kiến, ý tưởng, đề xuất của kiều bào cũng là những vấn đề mà thành phố đang trăn trở tìm hướng giải quyết.
Cần nhiều hơn những thông tin thực chất
Ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, trong số 1.110 doanh nghiệp (DN) có vốn của người Việt Nam ở nước ngoài trong cả nước với tổng số vốn điều lệ lên đến gần 40.000 tỷ đồng, có hơn 80% tập trung đầu tư tại TP.HCM. Lượng kiều hối trên địa bàn TP trong giai đoạn 2011-2015 đạt 24,3 tỷ USD, tăng 40% so với giai đoạn 2006-2010; đến tháng 10 năm nay ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 5% so cùng kỳ.
Đặc biệt, lượng kiều hối của TP luôn chiếm khoảng 45% lượng kiều hối cả nước. Dòng tiền này đã góp phần tạo nguồn thu ngoại tệ, ổn định tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối, tăng tính thanh khoản trong thanh toán quốc tế và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế TP.
|
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa thu hút được nhiều DN trong và ngoài nước đầu tư, dẫn đến nguồn nguyên liệu và phụ tùng, linh kiện phục vụ sản xuất trong một số lĩnh vực vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu, giá thành sản phẩm của DN TP cao, khó cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Sản xuất công nghiệp vẫn chưa khắc phục được tình trạng phát triển theo chiều rộng, theo hướng gia tăng lắp ráp, trình độ công nghệ sản xuất chưa được nâng cao; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị còn chậm, chưa đạt yêu cầu phát triển…
Tiến Sĩ Đinh Thanh Hương (Việt kiều Pháp) cho rằng, TP.HCM có nhiều lợi thế, song những thách thức của TP gặp phải là cơ sở hạ tầng chưa tương xứng với sự phát triển, chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn, "phí bôi trơn" cao quá, thông tin bằng tiếng Anh chưa có và rất khó tìm. Bà Hương cho rằng, TP cần tạo lòng tin cho nhà đầu tư trên cơ sở chuẩn hóa quá trình chọn lọc đầu tư, cấp giấy phép, hỗ trợ phát triển thị trường. Kiên quyết xử lý và công khai các hành vi nhũng nhiễu. Lập một website riêng, công bố các ưu tiên về thu hút đầu tư.
Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vấn đề đối với kiều bào khi về Việt Nam đầu tư là nghiên cứu thị trường thông qua các công ty tư vấn về pháp luật, đầu tư. Do vậy TP cần nỗ lực cung cấp những thông tin thực chất hơn là những tuyên truyền mang tính khẩu hiệu.
Cần xây dựng được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Tại hội nghị chuyên đề “Kiều bào với phát triển khoa học công nghệ, kinh tế tri thức của TP.HCM”, GS-TS Vũ Lê Hải, Trưởng nhóm Giao thông thông minh Trường ĐH Monash, Melbourne, Úc cho rằng, TP.HCM đang thu hút cá c giáo sư Việt kiều về đóng góp. Đây là việc nên làm nhưng hoạt động chủ yếu cũng chỉ là tham gia đào tạo nguồn nhân lực chứ chưa chú trọng đến việc nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
GS Mai Xuân Lý (kiều bào ở Ba Lan) chỉ rõ hạn chế lớn nhất chính là đội ngũ khoa học, đặc biệt là những nhà khoa học tầm cỡ thế giới của Việt Nam còn rất mỏng. GS Lý đề nghị cần quan tâm đúng mức tới khoa học cơ bản. Tạo điều kiện tối đa cho các nhà khoa học, kỹ thuật giỏi (không nhất thiết là Việt kiều) tham gia vào công tác giảng dạy, nghiên cứu và sản xuất ở Việt Nam. Có chính sách phù hợp hơn với thực tế phát triển khoa học và công nghệ; tạo điều kiện để các nhà khoa học Việt kiều cảm thấy mình là chủ chứ không phải là khách trên quê hương mình.
GS Nguyễn Đăng Bằng (Trường ĐH Cambridge, kiều bào tại Anh) khiến không khí nghị trường “nóng” lên khi thẳng thắn đề xuất TP cần xây dựng một trường đại học nghiên cứu, quy chế hoạt động và quản trị dựa trên tập quán tốt nhất thế giới, không theo cơ chế hiện nay quá nặng nề. Quy mô không cần lớn nhưng phải là trung tâm nghiên cứu, hạt nhân công nghệ, trong đó xây dựng một số lĩnh vực mũi nhọn nghiên cứu như công nghệ sinh học, phần mềm và trí tuệ nhân tạo...
Theo ông, các nước như Singapore, Trung Quốc đã nhắm đến việc cạnh tranh công nghệ với những gã khổng lồ như Thung lũng Silicon (Mỹ), với các trường ĐH hàng đầu thế giới và từ lâu đã trăn trở làm thế nào để có những công ty công nghệ tỷ đô, nhưng Việt Nam thì chưa. Chỉ tính kinh phí để đầu tư phát triển công nghệ, Samsung (Hàn Quốc) đã bỏ ra 16 tỷ đô la vào năm 2014, Apple (Mỹ) năm 2016 là 16 tỷ đôla.
GS Bằng cho rằng, quan trọng nhất là vấn đề con người, ưu tiên thu hút các nhà nghiên cứu sau tiến sĩ là người Việt từ nước ngoài về, thu hút cả người nước ngoài đến để phát triển công nghệ cho mình, nhân tài là không biên giới. Không nên dựa vào ngân sách nhà nước, thay vào đó tạo ra môi trường thuận lợi, thay đổi cơ chế để thu hút nhà đầu tư.
Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng: Kiều bào là “ngân hàng ý tưởng” quý giá mà thành phố luôn cần
Bế mạc hội nghị, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng - nhấn mạnh: “Sau hội nghị này, lãnh đạo TP sẽ cùng các sở, ngành chức năng tiếp tục hợp tác, hình thành cơ chế tương tác, trao đổi thường xuyên, giữ mối quan hệ chặt chẽ với đại biểu kiều bào để triển khai những đề xuất cụ thể, nhất là những vấn đề gắn trực tiếp đến cải thiện chất lượng sống của người dân. Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của ông Dương Nguyên Vũ là chúng ta phải bắt tay hành động ngay. Chúng tôi sẽ tích cực cùng các đại biểu tháo gỡ bất kỳ vướng mắc nào gây cản trở cho quá trình hợp tác. Tôi đề nghị mỗi cán bộ, mỗi cơ quan chức năng phục vụ dân phải coi kết quả của hội nghị, coi những sáng kiến, ý kiến góp ý tâm huyết của các đại biểu là nguồn lực quan trọng, là “ngân hàng ý tưởng” quý giá mà TP luôn cần đến cho sự phát triển của mình”.
Trong khuôn khổ hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã tiếp một số chuyên gia, doanh nghiệp Việt kiều có những ý tưởng, dự án cụ thể cho TP.HCM liên quan đến chống ngập nước, kẹt xe, y tế…
GS Nguyễn Lý Vũ Hải (Việt kiều Úc) giới thiệu về hệ thống giao thông thông minh có thể áp dụng ở TP.HCM. Theo ông Hải, hệ thống giao thông trị giá khoảng hai tỷ USD này đã giúp TP Amsterdam (Hà Lan) giảm 30% thời gian kẹt xe. Riêng ở Melbourne (Úc), hệ thống giao thông này đã giúp tiết kiệm mỗi ngày 500 triệu USD, chỉ trong bốn ngày đã thu hồi vốn.
TS Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Mỹ Lan (Mylan Group) - giới thiệu thiết bị chống thất thoát nước sạch. Theo ông Mỹ, thiết bị này khi lắp đặt sẽ theo dõi, quản lý nước sạch qua hệ thống điện thoại. Doanh nghiệp, người dân có thể theo dõi, kiểm soát nước sạch rất hữu hiệu. “Ở TP.HCM có khoảng 1,2 triệu đồng hồ nước và thất thoát nước khoảng 30%. Nếu kiểm soát được tỷ lệ nước thất thoát này sẽ tiết kiệm số tiền rất lớn cho TP”, ông Mỹ nói.
Quỳnh Mai - Tiêu Hà