Diễn ra từ ngày 23 đến 30/9, cuộc thi có sự tham gia của 60 thí sinh đến từ 23 đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập trên cả nước. Các thí sinh dự thi 58 trích đoạn (không quá 25 phút) đa dạng các đề tài: lịch sử, dân gian, cách mạng, xã hội và cả danh tác thế giới.
|
7 diễn viên xuất sắc nhất cuộc thi. |
Kết quả, ban tổ chức đã trao 7 giải Nhất cho các diễn viên xuất sắc nhất cuộc thi. Trong đó, có 2 diễn viên của TPHCM là: Nguyễn Văn Khởi (nhà hát cải lương Trần Hữu Trang) và Phương Cẩm Ngọc (sân khấu Đại Việt).
|
Nguyễn Văn Khởi đạt giải Nhất với vai Lê Hồng Phong, trích đoạn Câu hò đất mẹ. |
|
Phương Cẩm Ngọc đạt giải Nhất với vai Út Tâm, trích đoạn Dòng sông đỏ. |
5 giải Nhất khác cũng được trao cho: Phạm Hải Đăng – vai Chí Phèo, trích đoạn Bát cháo nghĩa tình (nhà hát Cao Văn Lầu), Hồng Giang – vai Xê đa, trích đoạn Nàng Xê đa (nhà hát Tây Đô), Việt Trang – vai Vịnh, trích đoạn Hòn vọng phu (nhà hát nghệ thuật Đồng Nai), Kim Oanh – vai Diệu, trích đoạn Thời con gái đã xa (đoàn cải lương Hải Phòng), Phạm Thị Ngọc – vai Mỵ Cơ, trích đoạn Liệt nữ Mỵ Cơ (nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa).
|
Trao giải II cho các diễn viên. |
Còn 14 giải Nhì, trong đó có 5 diễn viên của TPHCM được nhận là: NSƯT Lê Trung Thảo, Kim Tiến (nhà hát cải lương Trần Hữu Trang), Võ Thành Phê (Hội sân khấu TPHCM), Tô Tấn Loan (Viện nghiên cứu bảo tồn văn học nghệ thuật Đông Nam Á), Võ Ngọc Quyền (sân khấu Vũ Luân).
|
NSƯT Lê Trung Thảo trong vai Lý Huệ Tông, trích đoạn Dấu ấn giao thời đoạt giải Nhì. |
|
Nghệ sĩ Kim Tiến trong vai Tống Thị Quyên, trích đoạn Vương quyền đoạt giải Nhì. |
Ngoài ra, Hội Sân khấu Việt Nam còn trao 5 giải “Triển vọng” cho: Võ Hoàng Dư (đoàn nghệ thuật cải lương Long An), Nguyễn Thị Ngọc Huyền (trung tâm văn hóa tỉnh Đồng Tháp), Lâm Chí Ngoán (nhà hát Cao Văn Lầu), Kim Thùy (công ty giải trí WE), Hoàng Văn Dương (đoàn cải lương Hải Phòng).
Cùng 9 giải hình tượng nhân vật cho các diễn viên: Võ Vũ Linh – vai Nguyễn, trích đoạn Tổ quốc nơi cuối con đường (nhà hát Tây Đô), Mỹ Lệ – vai Võ Thị Sáu, trích đoạn Bất tử (hội sân khấu tỉnh Bạch Liêu), Huỳnh Thanh Khang – vai Lê Chiêu Thống, trích đoạn Trời Nam (công ty Bảo Sơn), Ngọc Thảnh – vai Lê Chiêu Thống, trích đoạn Nỗi nhục lưu vong (nhà hát cải lương Việt Nam), Trần Chí Hòa – đại úy Hắc Long, trích đoạn Dòng sông đỏ (nhà hát Cao Văn Lầu), Kim Hiền – vai Trần Thị Dung, trích đoạn Bão lòng Trần Thị Dung (đoàn cải lương Hương Tràm - Cà Mau), Kim Phính – vai bà Thắm, trích đoạn Nỗi đau trong đời, Bình Trọng – vai Nguyễn Trãi, trích đoạn Oan khuất một thời (đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang), Trương Văn Phong – vai lão Đồ, trích đoạn Bến nước Ngũ Bồ (nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa).
Các diễn viên Trọng Hiếu (nhà hát cải lương Trần Hữu Trang), Diễm Mi và Vĩnh Sơn (nhà hát Cao Văn Lầu) nhận giải phụ diễn; diễn viên nhí Phạm Gia Bảo được ghi nhận là diễn viên nhỏ tuổi nhất.
|
Nghệ sĩ Trọng Hiếu (phải) được Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trao bằng khen khi tích cực tham gia phụ diễn hỗ trợ nhiều thí sinh dự thi. |
Phát biểu tổng kết cuộc thi, nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) - đạo diễn Ca Lê Hồng, chủ tịch hội đồng giám khảo, đánh giá, quyết định thành công là việc chọn được trích đoạn hay và phù hợp năng lực diễn viên, cũng như diễn viên thể hiện được khả năng cảm thụ nhân vật và truyền tải đến người xem qua nghệ thuật ca diễn hòa quyện – diễn trong ca, ca trong diễn.
|
NSƯT Ca Lê Hồng phát biểu tổng kết cuộc thi. |
Năm nay, các trích đoạn được các diễn viên lựa chọn tương đối đa dạng đề tài, và có một điều lý thú là dù chọn cùng nhân vật, nhưng cách dàn dựng, xử lý khác nhau, mang đến cảm xúc khác nhau cho người xem, như: Trần Thặng (Kẻ sĩ Thăng Long), Lê Chiêu Thống (Nỗi nhục lưu vong), Lê Tư Thành (Đêm trước ngày hoàng đạo), lão Đồ (Bến nước Ngũ Bồ), Trần Thị Dung (Dấu ấn giao thời), Trần Thủ Độ (Đời luận anh hùng), Diệu (Thời con gái đã xa), Út Tâm (Dòng sông đỏ)…
Tuy nhiên, vẫn còn một số trích đoạn có cấu trúc đơn giản, xây dựng như ca cảnh, tiểu phẩm, chưa có đất diễn giúp bộc lộ tài năng ca diễn của thí sinh; hoặc biên tập thêm tình tiết kéo dài làm loãng nhân vật, có trích đoạn như tự sự, thiếu kịch tính… cũng ảnh hưởng đến phần thể hiện của thí sinh.
NSƯT Ca Lê Hồng mong rằng, qua cuộc thi, sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ các diễn viên cũng như các tác giả, đạo diễn, để khuyến khích các lực lượng sáng tạo này tiếp tục phấn đấu, làm mới những tác phẩm của mình.
Trần Hướng Dương - Phó cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn, trưởng ban tổ chức cuộc thi cũng mong rằng chính quyền địa phương, ngành văn hóa các tỉnh thành tiếp tục chú trọng tăng cường đầu tư cho các đơn vị nghệ thuật, có cơ chế thích hợp để tìm kiếm và phát huy tài năng cải lương, đặc biệt là tài năng trẻ.
Đông A