Bé lớp 3, một ngày còng lưng 'gánh' 17 quyển sách vở: 'Tôi thương con mà không biết làm gì!'

15/10/2016 - 11:30

PNO - Đó là những chia sẻ đầy bức xúc và bất lực của anh Ngô Bá Lục - một phụ huynh đang có con học lớp 3 ở Hà Nội - trước những điều anh cho là bất cập giáo dục mà trẻ con đang phải gánh chịu từng ngày.

"Con học lớp 3 mà có tới 2 môn Tiếng Anh, vị chi là 7 quyển sách. Môn nào cũng một đống sách. Học thì dở ông dở thằng vì trong đám lớp 3 thì có mấy lớp học theo thực nghiệm Vnen gì đó, giờ là mắt lác lộn lên vì ngồi quây vào nhau theo nhóm nhưng vẫn phải ngó lên bảng, hôm nọ, cho đi khám, bác sĩ bảo lác độ 32 gì đó là độ cao nhất, cuối tháng em cho nó đi mổ lác theo đề nghị của bác sĩ...

Kiểm tra sách con thấy mấy bài toán style giống nhau mà 3 bài đúng 1 bài sai, hỏi ra thì nó bảo bài sai là con tự làm còn bài đúng là do bạn trưởng nhóm đọc cho cả nhóm chép, thế thì dốt càng dốt...

Mà sách vở thì bao nhiêu là quyển. Thời khoá biểu của nó riêng thứ 5 là 17 quyển sách vở các loại. Bố nó ngày xưa mỗi 2 quyển sách vẫn thành người đó thôi mà sao giờ học gì lắm thế hả trời?..."

Đó là những chia sẻ đầy bức xúc và bất lực của anh Ngô Bá Lục - một phụ huynh đang có con học lớp 3 ở Hà Nội - trước những điều anh cho là bất cập giáo dục mà trẻ con đang phải "gánh chịu" từng ngày. Chính bản thân anh phải thốt lên "Bức xúc không chịu nổi, thương con mà không biết làm gì?".

Be lop 3, mot ngay cong lung 'ganh' 17 quyen sach vo: 'Toi thuong con ma khong biet lam gi!'
Bé lớp 3, một ngày còng lưng 'gánh' 17 quyển sách vở: 'Tôi thương con mà không biết làm gì!' (Ảnh minh họa).

Tâm sự của anh Ngô Bá Lục đã nhận được sự đồng cảm lớn của nhiều bậc phụ huynh học sinh. Trao đổi với báo Phụ nữ TP.HCM, từ trải nghiệm cùng con học tập, anh Lục nhìn nhận vấn đề:

"Trẻ con bây giờ áp lực học quá nặng nề, đặc biệt là bậc tiểu học. Con tôi học lớp 3 mà quá nhiều sách, quá nhiều môn. Trong khi, thời gian để vui chơi – giải trí của chúng hầu như không có. Trước đây, trẻ con đi học rất nhàn. Hoặc buổi sáng, hoặc buổi chiều. Thời gian còn lại là vui chơi. Còn bây giờ thì chúng học cả ngày, tối về lại bài tập, chuẩn bị bài cho ngày mai. Lịch học dày đặc như thế làm sao mà các con có thời gian để vui chơi, tìm hiểu đời sống và các hoạt động ngoại khoá được?"

Theo anh Lục, nếu như tuân thủ tuyệt đối theo cách học này, trẻ sẽ không thể mở mang đầu óc, học các kỹ năng mềm,... Việc học quá nhiều, chút ít thời gian rảnh thì bố mẹ cho chơi game, cộng với không gian chơi bời của trẻ con giờ không có khiến cho tâm hồn chúng khô cứng và chai sạn. Nhiều em chỉ học và học giống như "gà công nghiệp", vụng về trong giao tiếp, kỹ năng sống không có nên dễ dẫn đến những chuyện đáng tiếc xảy ra trong cuộc sống sinh hoạt, học tập.

'Thống nhất, không bắt con học nhiều'

Trước những mệt mỏi và bất lực này, anh Lục bày tỏ: "Sinh thời, Bác Hồ đã dạy: "Dạy tiểu học là dạy trẻ con hoàn thiện nhân cách, gieo hạt giống tâm hồn, phải đảm bảo cho trẻ con được vui chơi đúng với bản chất của chúng".

Từ lời dạy của Bác và từ kinh nghiệm chính bản thân mình, khi tuổi thơ dù nghèo khó nhưng lại được sống trong môi trường thôn quê với những khám phá thiên nhiên lý thú, bổ ích, học vừa phải, còn lại là chơi và bồi bổ tâm hồn.

Vì thế, vợ chồng tôi đều đồng nhất quan điểm là không bắt con học nhiều, chỉ cần học ở mức tối thiểu. Các buổi tối mẹ cháu sẽ hướng dẫn cháu học và chuẩn bị sách vở trong vòng 1 tiếng. Những ngày nghỉ cuối tuần tuyệt đối không học gì cả, cho chúng đi công viên hoặc về quê thăm ông bà, tối chủ nhật chỉ chuẩn bị sách vở cho ngày thứ 2. Không đi học thêm bất cứ môn nào. Sau này cháu học lên, tuỳ từng mức độ và khả năng mà bố mẹ sẽ có cách bồi dưỡng thêm.

Tôi nghĩ quan trọng nhất của bậc tiểu học là tạo cho con một không gian sống trong lành, thoải mái. Ngoài học kiến thức cơ bản đúng lứa tuổi, vợ chồng tôi quan tâm đến việc dạy con kỹ năng mềm: Từ việc chủ động làm công việc cá nhân, tự lập, đến việc đối xử với ông bà, người thân,… Tôi muốn các con tôi thực sự được sống đúng tuổi của chúng, được học hành vui chơi thoái mái, không áp lực.

Tôi rất ghét bệnh thành tích nên con tôi xếp thứ mấy ở lớp không quan trọng, bằng việc nó thực sự có vui vẻ và thoải mái tâm hồn hay không. Một đứa trẻ phải được thoải mái tâm lý nó mới hình thành nên nhân cách tốt, bồi dưỡng tâm hồn và có sự trong trẻo của tuổi thơ.

Còn nếu như lúc nào trong tâm lý cũng đè nặng áp lực thì đứa trẻ ấy chắc chắn sẽ không có một tâm tính tốt và như thế, nó ảnh hưởng không tốt đến vấn đề phát triển nhân cách của trẻ, tiềm tàng những vấn đề lớn sau này", anh Ngô Bá Lục phân tích.

Lam Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI