“Bể kế hoạch” dù đã đặt vòng, vì sao?

21/05/2024 - 06:44

PNO - Nhiều người nghĩ rằng đã đặt vòng tránh thai thì có thể yên tâm hoàn toàn. Tuy nhiên, vẫn có những tình huống “bể kế hoạch” xảy ra.

Vòng tránh thai đi lạc của bệnh nhân được lấy ra ngoài
Vòng tránh thai "đi lạc" của bệnh nhân được lấy ra ngoài

Gia đình đã có 2 con nên chị Nguyễn Thị Trinh (36 tuổi, ở Bình Thạnh, TPHCM) quyết định không sinh con nữa, chị dùng thuốc tránh thai hằng ngày. Tuy nhiên, sau khi nghe tin đồng nghiệp cũng uống thuốc tránh thai nhưng bị “bể kế hoạch”, chị Trinh đã đến cơ sở y tế đặt vòng tránh thai. Không ngờ, sau đặt vòng được 4 tháng, chị thử que thì lên 2 vạch. Điều này làm cho mọi kế hoạch của gia đình chị bị đảo lộn. Nhìn kết quả siêu âm với kết luận có thai được 3 tuần, chị và chồng đã quyết định giữ bé.

Vừa được bác sĩ thông báo có thai, chị Trần Thị Mai Hoa (46 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) cảm thấy ngạc nhiên vì 3 năm trước, chị đã đặt vòng tránh thai. Bác sĩ cho biết, sở dĩ chị Hoa có thai vì sau khi đặt vòng, chị chỉ đi bệnh viện kiểm tra theo lịch hẹn ban đầu của bác sĩ. Sau đó, chị không đi khám sức khỏe, không khám phụ khoa nên vòng tránh thai bị tuột mà không hay. Từ đó, chị đã bị mang thai ngoài ý muốn.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Huyền Trang - Phó chủ nhiệm Khoa Phụ sản, Bệnh viện Quân y 175 - đặt vòng là biện pháp ngừa thai hiệu quả cao và lâu dài. Hiện nay, 2 loại vòng tránh thai phổ biến là vòng tránh thai bằng đồng có tác dụng từ 5-10 năm và vòng tránh thai chứa nội tiết tố sử dụng trong khoảng 3-5 năm. Cả 2 loại vòng tránh thai đều đạt hiệu quả hơn 99%, tuy nhiên cũng không thể khẳng định sẽ tránh thai tuyệt đối. Nhất là với những phụ nữ chủ quan không khám, kiểm tra sau đặt vòng và không phải ai cũng phù hợp với phương pháp tránh thai này.

Sau khi đặt vòng tránh thai, phụ nữ cần khám phụ khoa theo các mốc 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 1 năm. Sau đó định kỳ mỗi năm khám 1 lần để kiểm tra vị trí, thời hạn của vòng cũng như theo dõi tình trạng sức khỏe phụ khoa.

Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Trang lưu ý: Để tăng hiệu quả sau khi đặt vòng, phụ nữ nên đặt bất kỳ ngày nào trong vòng kinh, ngay sau khi sạch kinh hoặc sau sinh 6 tuần. Cũng có thể đặt vòng ngay sau 6 tháng nếu nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ mà không cần chờ có kinh lại… Những người chưa có con, đã bị thai ngoài tử cung hay bệnh nhân tái tạo tai vòi, rối loạn đông máu, có bất thường về tâm thần, người mắc bệnh van tim, sa sinh dục, hay có khối u xơ tử cung, nguy cơ đang mắc bệnh lây truyền qua đường sinh dục… nếu muốn đặt vòng tránh thai cần được tư vấn, hướng dẫn kỹ từ bác sĩ.

Trong một số tình huống, vòng tránh thai có thể bị tuột ra khỏi tử cung, đi… “lạc” qua cổ tử cung, buồng trứng, bàng quang… gây ra nhiều tổn thương. Thậm chí nếu vòng tránh thai chọc thủng tử cung và di chuyển vào ruột hay một số cơ quan khác sẽ gây biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng. “Khi vòng tránh thai hết hạn hay bị viêm nhiễm đường sinh dục, viêm vùng chậu cấp tính, rong kinh kéo dài, vòng tuột thấp, nằm lệch trong buồng tử cung, có thai trong lúc mang vòng… cần phải đến gặp bác sĩ để được kiểm tra, tháo vòng. Không nên tự chịu đựng, hay tự tìm cách lấy vòng tránh thai ra ngoài sẽ rất nguy hiểm” - bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Trang nói thêm.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI