Bé ho, thở khò khè liên tục do đồ chơi rơi vào phổi nhưng bố mẹ không biết

23/02/2017 - 15:43

PNO - Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM phát hiện vật thể lạ, kích thước khoảng 10mm tại góc phải phế quản.Đó là miếng đồ chơi xếp hình bằng nhựa nằm trong phổi của bé T.H.B.

Bác sĩ (BS) Lê Huy Hoàng - khoa Mũi xoang - Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết, một trường hợp đặc biệt vừa được điều trị thành công. Bệnh nhi là bé trai T.H.B. sinh năm 2007, ngụ Q.9 bị ho, thở khò khè, uống thuốc nhưng chỉ giảm bớt, sau đó bệnh nặng trở lại.

Điều tra bệnh sử, các BS biết được, trước lúc nhập viện khoảng một tuần, bé B. ngậm và nuốt đồ chơi, bị ho sặc sụa nhưng sau đó trở lại bình thường. Hôm sau bé bắt đầu xuất hiện triệu chứng khò khè.

“Khi khám, tôi nghe phổi bên phải của cháu tiếng âm phế bào giảm, có tiếng rít. Kết hợp với bệnh sử gia đình gợi ý, chúng tôi nghi ngờ có dị vật đường hô hấp của cháu nên cho chụp CT vùng ngực”, BS Hoàng kể. Đúng như dự đoán, trên phim chụp CT, các BS phát hiện vật thể lạ, kích thước khoảng 10mm tại góc phải phế quản. Các BS nội soi khí phế quản, lấy ra miếng đồ chơi xếp hình bằng nhựa.

Be ho, tho kho khe lien tuc do do choi roi vao phoi nhung bo me khong biet

Hiện bé B. đang được điều trị nội khoa để xử trí hiện tượng sưng viêm do dị vật xâm lấn. “May mắn mảnh đồ chơi được phát hiện và lấy ra kịp thời, chậm trễ tí nữa bé có thể bị áp xe phổi, xẹp phổi, suy hô hấp…”, BS Hoàng nhận định.

BS chuyên khoa II Nguyễn Tuấn Như - Phó khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, tháng nào đơn vị cũng gặp 2 - 5 trường hợp bị dị vật đường hô hấp. Gần đây nhất là bé gái N.T.M., 18 tháng tuổi, ngụ Q.Tân Phú, bị sặc xương cá trong cháo do người nhà lọc xương không kỹ.

Bệnh nhi ho, khò khè, điều trị hô hấp cả tháng trời nhưng không khỏi, được chuyển qua khoa Tai Mũi Họng cùng hội chẩn. Khi chụp phim tầm soát, các BS phát hiện một mảnh xương cá trong phổi cháu bé.

BS Như nói: “Do còn quá nhỏ, bị mắc xương, em bé không khạc ra được như người lớn mà cơ thể sẽ phản ứng bằng phản xạ ho, xương văng ra ngoài. Tuy nhiên, đôi lúc mảnh xương không văng ra được, sau cơn ho, trẻ phải hít sâu vào, nên xương lọt vào tận phổi”. Trường hợp của bé M., dị vật đã gây biến chứng loét một bên phổi.

Cách ca của bé M. không lâu, khoa Tai Mũi Họng của Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận một bệnh nhi bị sặc đầu bút bi. Do đầu bút bi có lỗ thông nên không khí vẫn đi qua, chưa khiến bé bị suy hô hấp.

Tuy nhiên, dị vật nằm trong phổi lâu ngày gây viêm loét, tràn khí màng phổi, nhiễm trùng cả vùng trung thất (vùng tim) của bệnh nhi. Các BS đã phải chọc dẫn lưu phổi. Bệnh nhi nằm hồi sức khá lâu, tuy hồi phục nhưng sau này nếu mắc bệnh viêm hô hấp, ho mạnh, vết sẹo trong phổi có nguy cơ vỡ ra dẫn tới suy hô hấp cực nhanh.

Theo BS Nguyễn Tuấn Như, dị vật “bỏ quên” trong đường hô hấp rất khó phát hiện. Đa phần trẻ bị viêm hô hấp kéo dài tới khám, điều tra bệnh sử gia đình bé có ho, sặc khi ngậm đồ trong miệng, BS mới chỉ định chụp CT để tầm soát.

BS Như lưu ý phụ huynh tránh để trẻ cầm chơi các đồ vật nhỏ, nếu trẻ bị ho sặc sụa, tím tái dù thoáng qua cũng không được chủ quan. Thấy con có dấu hiện ho, khò khè kéo dài, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI