Bé gái Yemen khiến cả thế giới phải bàng hoàng vì nạn đói

02/11/2018 - 15:12

PNO - Tên của bé Amal Hussain có nghĩa là “hy vọng”. Nhưng cuộc đời em đã tắt vào ngày 26/10, chưa đầy một tuần sau khi bức ảnh của em khiến cả thế giới phải bàng hoàng vì nạn đói tại Yemen.

Amal Hussain nằm lặng thinh trên giường bệnh ở miền bắc Yemen. Cái nhìn ma mị trong mắt cô bé 7 tuổi dường như đã lột tả hết sự khốc liệt của một đất nước bị chiến tranh tàn phá.

Bức chân dung Amal đăng tải trên tờ The New York Times tuần trước khiến độc giả nghẹn ngào. Ai cũng cảm thấy đau lòng, họ cố gắng gửi tiền cho gia đình của Amal, và viết thư hỏi thăm xem tình trạng của em tiến triển ra sao.

Thế nhưng vào ngày 1/11, gia đình Amal cho biết cô bé đã qua đời tại một trại tỵ nạn cách bệnh viện 6km.

Đôi mắt ướt nhòe, mẹ của bé Amal là chị Mariam Ali nói: "Dù Amal luôn mỉm cười, nhưng trái tim tôi thì vỡ vụn. Bây giờ tôi lại phải lo cho mấy đứa con còn lại".

Xung đột tại Yemen khiến người dân ngày càng điêu đứng, buộc các nhà lãnh đạo phương Tây phải xem xét lại quyết định của họ khi can dự vào tình hình tại Yemen.

Vài ngày qua, Mỹ và Anh đã kêu gọi ngừng bắn tại Yemen. Bộ trưởng Quốc phòng  Mỹ James Mattis cho biết thỏa thuận sẽ có hiệu lực trong vòng 30 ngày.

Be gai Yemen khien ca the gioi phai bang hoang vi nan doi
Bức ảnh của Amal đăng trên tờ New York Times khiến cả thế giới xúc động.

Amal chỉ là một trong số 1,8 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng tại Yemen. Bức ảnh chụp cô bé gióng lên hồi chuông báo động về nạn đói có thể nhấn chìm đất nước này trong tang thương những tháng tới đây.

Liên Hợp quốc cảnh báo sắp tới, gần 14 triệu người Yemen cần được hỗ trợ lương thực khẩn cấp, con số này chiếm khoảng một nửa dân số Yemen.

Vì thế, nhân viên cứu trợ và các nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi chấm dứt tình trạng thù địch tại quốc gia Tây Á này, đồng thời đưa ra các biện pháp khẩn cấp để vực dậy nền kinh tế của Yemen, trong bối cảnh giá lương thực tăng vọt, đẩy hàng triệu người đến bờ vực của nạn đói.

Trong chuyến đi đến Yemen, phóng viên tờ New York Times thấy Amal tại một trung tâm y tế ở Aslam, cách phía tây bắc thủ đô Sanaa 144km. Các y tá cho Amal uống sữa, nhưng cô bé thường nôn mửa và bị tiêu chảy.

Bác sĩ phụ trách, Mekkia Mahdi ngồi cạnh giường, vuốt tóc Amal, nâng cánh tay khẳng khiu của cô bé lên và nói: "Bé chẳng còn chút thịt nào trên người. Chỉ có xương thôi". Mẹ của Amal cũng đang hồi phục sau cơn sốt xuất huyết.

Các cuộc không kích của Ả Rập Saudi đã buộc gia đình Amal phải bỏ nhà ra đi cách đây 3 năm. Saada, một tỉnh thuộc biên giới với Ả Rập Saudi, đã chịu đựng ít nhất 18.000 cuộc không kích kể từ năm 2015.

Năm 2017, Yemen trải qua trận dịch tả lớn nhất trong thời hiện đại, với hơn một triệu trường hợp mắc bệnh.

Amal buộc phải xuất viện vào tuần trước, nhường chỗ cho những bệnh nhân mới. Vào ngày 26/10, ba ngày sau khi xuất viện, cô bé qua đời.

Bác sĩ Mahdi đã đề nghị mẹ của Amal đưa cô bé đến trạm của tổ chức Bác sĩ không biên giới ở Abs, cách đó khoảng 24km.

Nhưng với giá nhiên liệu tăng khoảng 50% trong năm qua, một chuyến đi ngắn - dù có thể cứu mạng cô bé - cũng là điều bất khả đối với gia đình của Amal. Chị Mariam nói: "Tôi không có tiền để đưa con bé đến bệnh viện. Vì vậy, tôi đưa Amal về nhà".

Ngọc Hạ (Theo Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI