Ngay sau khi sinh mổ, bé Đ.T.C.V. (sinh ngày 6/10/2017, quê ở Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) được các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ TPHCM chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM vì khối bướu khổng lồ trên người bé đã nhiễm trùng rất nặng.
Kết quả siêu âm và chụp CT xác định, khối bướu khổng lồ chiếm hết một nửa cơ thể bé V. là một loại bướu dị dạng mạch máu hỗn hợp.
|
Bé V. có khối bướu dị dạng mạch máu có trọng lượng bằng 1/3 cân nặng cơ thể |
Chỉ định trong trường hợp này phải mổ để lấy khối u ra bên ngoài. Tuy nhiên, bé chưa đầy tháng nên ban đầu các bác sĩ khá do dự giữa 2 lựa chọn: mổ ngay hoặc chờ bé lớn thêm một chút nữa.
Tuy nhiên 2 tuần sau đó, khối bướu bạch huyết phát triển quá nhanh, với tốc độ nhanh hơn sự phát triển nên buộc bé phải trải qua ca mổ mà giữa sự sống và cái chết dường như rất mong manh.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Bướu có nhiều nang vách, có nang chứa dịch trong, có nang có nhiều mủ đục, thành dày, có nhiều mô viêm, mô hoại tử.
Bướu xen lẫn vào lớp cơ thành ngực, thành bụng, lan đến các khoảng liên sườn, dính vào bó mạch nách, đám rối thần kinh cánh tay. Ngoài ra, còn có 1 mạch máu lớn đi vào trong bướu”.
Chính vì vậy, nguy cơ bé tử vong lớn nhất chính là khả năng chảy máu ồ ạt. Ngày 26/10/2017, khi chỉ tròn 20 ngày tuổi, bé V. lên bàn mổ. Lúc này, kích thước bướu tăng: 15x 25x10cm, da trên bướu nề đỏ, ấn đau.
Các bác sĩ phải mất tới 7,5 giờ để tách khối bướu khổng lồ xâm nhập quá nhiều vào các bộ phận cơ thể. Trọng lượng khối bướu vào khoảng 950 gam, chiếm 1/3 trọng lượng cháu bé. Sau mổ, bé chỉ nặng còn 3,2kg thay vì 4,15kg như lúc chưa mổ.
Rất tuyệt vời khi sau ca mổ, bé V. tỉnh táo, không sốt, vết mổ khô, không rỉ thêm dịch, da vết mổ hồng hào, cánh tay trái có thể cử động được.
Ca mổ kéo dài rất lâu cũng để bảo toàn lại đám rối thần kinh ở cánh tay trái của cháu bé. Bởi lẽ, theo bác sĩ Hiếu, nếu sau mổ, cánh tay trái cháu bé không cử động lại được coi như ca mổ thất bại.
|
Bé V. sau ca mổ, đang được chăm sóc tại BV Nhi đồng 1 |
Theo nhận định của bác sĩ Đào Trung Hiếu, loại bướu dị dạng mạch máu hỗn hợp có kích thước khổng lồ trên cơ thể em bé sơ sinh này là trường hợp thứ 6 trên toàn thế giới.
Tỷ lệ xuất hiện trường hợp này chiếm 3/1.000 trẻ. Trong các trường hợp xuất hiện bướu dị dạng mạch máu hỗn hợp, 30% bướu nằm ở vùng cổ; 20% ở vùng cổ mặt; 10% nằm ở thân người; 5% chỉ gặp ở vùng vừa thành ngực và nách.
Bà Trần Thị Thảo (51 tuổi, ngoại của bé V.) cho biết, đây là đứa con đầu lòng của con gái bà. Dù mẹ bé thường xuyên đi khám thai mỗi tháng nhưng phòng khám ở địa phương không phát hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào của thai nhi.
Chỉ đến tháng thứ 5, khi khám thai tại Bệnh viện Từ Dũ, các bác sĩ mới phát hiện ra khối bướu và thông báo vẫn tiếp tục giữ thai vì sẽ có cách lấy khối bướu sau khi bé chào đời.
Hiếu Nguyễn