Bé gái sinh ra có 14 ngón tay và 12 ngón chân

21/09/2023 - 16:43

PNO - Một em bé sơ sinh ở Bharatpur, Ấn Độ được sinh ra với hiện tượng hiếm gặp. Mỗi bàn tay em có 7 ngón tay. Riêng 2 bàn chân mỗi bên có 6 ngón chân.

 

Bé gái Ấn Độ được sinh ra với tổng cộg 26 ngón tay, chân
Bé gái Ấn Độ được sinh ra với tổng 26 ngón tay, chân

Sự kỳ lạ này khiến gia đình của đứa trẻ tin rằng em là một điều đặc biệt, có mối liên quan đến những điều thiêng liêng, là hóa thân của một nữ thần thì các bác sĩ lưu ý đó là một tình trạng bệnh lý di truyền có tên là polydactyly.

Theo truyền thông Ấn Độ đưa tin, cô Sarju Devi (25 tuổi), đã sinh em bé ở tháng thứ 8 thai kỳ. Dù sinh non và có 26 ngón tay, chân nhưng em bé được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh.

Tiến sĩ Preethika Shetty - bác sĩ tư vấn sản khoa và bác sĩ phụ khoa, Bệnh viện Motherhood Hospitals - giải thích: "Thường những trường hợp này là do di truyền và có đặc điểm là các ngón thừa nhỏ và dị dạng, tình trạng này xảy ra với các thành viên trong một gia đình".

Theo tiến sĩ Shetty, mức độ nghiêm trọng của tính di truyền này có thể khác nhau. Một số người có thể chỉ có thêm một ngón tay nhỏ, trong khi những người khác thì những ngón tay hoặc ngón chân thừa phát triển bình thường. “Con người và nhiều loài động vật đều có thể mắc bệnh đa ngón. Nó có thể di truyền trong gia đình và đó chính là nguyên nhân gây ra sự bất thường này” - bác sĩ Shobha Gupta, giám đốc y tế và chuyên gia IVF, Trung tâm IVF Mother's Lap ở New Delhi cho biết.

Tiến sĩ Shetty cho biết, thông thường, các ngón tay thừa có thể nhỏ hơn và có biểu hiện phát triển bất thường như: dị tật có da và mô mềm, hoặc có da, mô mềm và xương (nhưng không có khớp), hoặc có da, mô mềm và xương (có một khớp). “Những ngón tay thừa này có thể ở bên cạnh ngón út và bên cạnh ngón cái" - bà nói thêm.

Theo tiến sĩ Shetty, khi phôi thai phát triển bên trong tử cung người mẹ, bàn tay trải qua một sự biến đổi trong quá trình hình thành. “Nếu quá trình biến đổi này diễn ra lâu hơn bình thường, một ngón tay có thể bị tách làm hai, dẫn đến tình trạng có thêm một ngón tay. Nguyên nhân đằng sau sự phân chia bổ sung này ở trẻ mắc chứng polydactyly vẫn chưa rõ ràng”.

Ngoài ra, chứng polydactyly cũng có thể xảy ra với nhiều hội chứng bệnh lý khác nhau. “Bác sĩ sẽ xác định xem con bạn có bị bệnh đa ngón hay không thông qua siêu âm trước khi sinh hoặc sau khi sinh. Bác sĩ sẽ kiểm tra bàn tay và bàn chân của con bạn để tìm bất kỳ chữ số bổ sung nào và chẩn đoán loại bệnh polydactyly cụ thể” - tiến sĩ Shetty giải thích.

Theo bà Shetty, bác sĩ nhi khoa sẽ quyết định phương pháp điều trị tùy theo tình trạng lâm sàng của em bé. Thường thì sẽ giải phẫu loại bỏ các ngón tay, chân thừa này.

 

Thảo Nguyễn (theo JPost, IndiaExpress)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI