Bé gái mang mảng “da trâu” chiếm gần nửa mặt

29/06/2023 - 09:25

PNO - Từ khi sinh ra, bé H.Y. (sinh năm 2018, Ninh Thuận) đã có u hắc tố khổng lồ, khiến gần một nửa khuôn mặt tối đen, xù xì như “da trâu”.

 

Khi bé H.Y 1 tháng tuổi, gia đình đã đưa con đi khám khắp nơi nhưng chỉ nhận những cái lắc đầu. Nhiều cơ sở cho hay, trẻ chỉ có thể phẫu thuật khi qua 12 tuổi, thậm chí trên 18 tuổi.

Khi bé lớn và đến tuổi đi mẫu giáo, mảng bớt đen trên mặt cũng ngày càng lớn dần, bé bị bạn bè xa lánh không ai muốn chơi cùng.

Năm 2021, khi bé gần 3 tuổi, mẹ bé tình cờ được bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương hướng dẫn phẫu thuật sớm. Và chị đã đưa con đến đây theo hành trình tìm lại gương mặt của mình.

BS Đặng Hoàng Thơm - Trưởng khoa Sọ mặt - Tạo hình (Bệnh viện Nhi Trung ương) - cho hay, bệnh nhi H.Y. được chẩn đoán mắc u hắc tố khổng lồ chiếm tới 7 đơn vị giải phẫu tại vùng đầu và mặt là: da đầu, 3/4 trán, thái dương, mi mắt trên, mi mắt dưới, cung mày và má. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và tương lai của bé. Bên cạnh đó, u hắc tố còn có nguy cơ ung thư hóa với tỉ lệ cao. Do đó các bác sĩ đã lên kế hoạch phẫu thuật kỹ lưỡng theo lộ trình phù hợp nhằm đem lại hiệu quả phục hồi cấu trúc, chức năng và thẩm mỹ tốt nhất.

Theo các bác sĩ, rất khó để loại bỏ toàn bộ u hắc tố khổng lồ chỉ trong 1 lần phẫu thuật mà cần thực hiện nhiều lần, đồng thời kết hợp nhiều kỹ thuật khác nhau (cắt thu dần, ghép da, vạt da, giãn da..) tùy theo đặc điểm, vị trí của khối u.

Bé H.Y. trải qua 3 lần phẫu thuật để tìm lại gương mặt của mình
Bé H.Y. trải qua 3 lần phẫu thuật để tìm lại gương mặt của mình

Năm 2021 khi gần 3 tuổi, bé H.Y được phẫu thuật lần đầu tiên. Các bác sĩ khoa Tạo hình - Sọ mặt, Bệnh viện Nhi Trung ương đã sử dụng phương pháp giãn da cấp tính cùng vạt trượt vùng cổ và sau tai để che phủ tổn khuyết sau cắt bỏ u sắc tố vùng má và mi dưới của bé. Trong lần phẫu thuật thứ 2, bé được ghép da tại đơn vị trán và mi trên.

Vừa qua, trong lần phẫu thuật thứ 3, bé H.Y. đã được tạo hình góc mắt ngoài, sửa sẹo, tái tạo cung mày bằng vạt da đầu mang tóc. Sau 3 lần phẫu thuật, toàn bộ phần u hắc tố trên mặt bé H.Y. đã được cắt bỏ, vùng mắt và cung mày hai bên cân đối, không trễ mi. Quá trình phẫu thuật đã gần hoàn thiện, bé tự tin hơn với diện mạo mới của mình. Dự kiến, trong thời gian tới, bé sẽ được ghép mỡ Coleman ở vùng da trán để tạo sự mềm mại và sửa chữa sẹo thẩm mỹ.

Các bác sĩ cho hay, u hắc tố (Nơvi hắc tố) bẩm sinh là bệnh lý khá phổ biến với khoảng 1% trẻ sơ sinh, tuy nhiên u hắc tố khổng lồ lại rất hiếm gặp với tỉ lệ 1/500.000 trẻ sinh ra sống. Khối u hắc tố được gọi là khổng lồ khi diện tích vùng tổn thương lớn hơn 20cm hoặc nhiều hơn 1 đơn vị giải phẫu ở da đối với người lớn và kích thước lớn hơn lòng bàn tay đối với trẻ em.

Dựa vào một số triệu chứng lâm sàng, có thể chẩn đoán xác định bệnh: xuất hiện ngay sau sinh khối màu đen hoặc nâu sậm trên da, màu sắc đồng nhất, kích thước phát triển tỉ lệ với sự tăng kích thước cơ thể, có thể nổi gồ trên da hoặc không, thường kèm lông mọc trên bề mặt, ranh giới rõ ràng. Bệnh có thể xuất hiện đơn thuần hoặc kết hợp bệnh lý khác và nguy cơ chuyển thành ác tính khá cao, chiếm khoảng 6,3%.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI