edf40wrjww2tblPage:Content
Ngoài sự nghị lực sống, ngay ở cái tuổi còn thơ ngây và hồn nhiên mà chữ hiếu, chữ thảo của cô bé tật nguyền mồ côi cha đã làm lay động lòng người ở mảnh đất Cù Lao Dung.
Cháu Thảo tập viết trên chiếc giường ọp ẹp trong căn nhà xập xệ
Năm 2008, vì gia cảnh quá nghèo, chị Trần Thị Nhàn (29 tuổi, ngụ ấp Sơn Ton, xã An Thạnh Nhì, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) đã phải lặn lội lên TP.HCM làm thuê. Tại đây, chị gặp và kết hôn với một thanh niên quê ở tận Nha Trang, tên Vũ. Không lâu sau, chị Nhàn sinh ra cháu Trần Thị Hiếu Thảo.
Nhớ về những ngày tháng mà cả gia đình chuẩn bị đón nhận tin vui sắp có cháu ngoại, bà Lý Thị Cho (59 tuổi, mẹ của chị Nhàn) kể: “Hai năm sau khi lấy chồng, Nhàn mang thai cháu Thảo. Lúc mang thai được 4 tháng, con Nhàn thường xuyên đi khám thai, siêu âm, bác sĩ đều nói thai nhi phát triển bình thường”.
Chỉ đến khi trở dạ, chị Nhàn được gia đình đưa lên bệnh viện đa khoa huyện để sinh thì các bác sĩ mới phát hiện cháu bé sinh ra không tay, không chân. Lúc này cả nhà như chết lặng khi nhìn thấy đứa cháu mình như vậy.
“Lúc bé Thảo vừa mới sinh ra bị tật nguyền, cả gia đình ai cũng buồn rầu, nhưng số phận con người đã vậy rồi, đành phải chấp nhận nuôi cháu, tới đâu hay tới đó thôi, chứ biết sao bây giờ”, bà Cho bùi ngùi.
Nghe tin chị Nhàn sinh bé gái không tay, không chân, mọi người kéo đến để xem tận mắt, an ủi, động viên chị Nhàn, người thì quà, người thì thương tình biếu cho ít tiền…
Bé Thảo tự ăn uống bằng phần cánh tay tật nguyền
Bà Cho buồn bã nói: “Lúc đó, có người nói với tui đem bỏ con bé vô trại mồ côi đi chứ nuôi chi cho tội, nhưng tôi nghĩ, dù sao cháu tôi cũng là một con người, dù không được trọn hình hài, nhưng bỏ đi tội nghiệp lắm. Vậy là tôi quyết định mang cháu về nhà nuôi”.
Mang đứa cháu còn đỏ hỏn tật nguyền về nhà, dù nghèo, phải đi làm thuê làm mướn nhưng bà Cho và ông Trần Văn Nhỏ (56 tuổi, ông ngoại cháu Thảo) vẫn đỡ đần cho con, kiên trì chăm sóc, nuôi dưỡng đứa cháu ngoại bất hạnh của mình thật tử tế.
Tuy nhiên, nỗi bất hạnh vẫn cứ bám lấy đứa cháu. Lúc Thảo chỉ mới được 10 tháng tuổi, tai họa lại một lần nữa ập đến gia đình nghèo khó ấy. Cha cháu Thảo trong một lần về thăm nhà ở Nha Trang không may gặp phải tai nạn giao thông, qua đời. Vậy là, mọi khó khăn dồn hết lên đôi vai yếu của người mẹ và ông bà ngoại.
Cũng do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, không có đất đai sản xuất nên sau đó không lâu, chị Nhàn phải ngậm đắng nuốt cay gửi cháu cho cha mẹ nuôi dưỡng, còn chị phải lặn lội lên tận Bình Dương làm công nhân cho một cơ sở sản xuất. Mỗi năm, chị Nhàn chỉ dám về nhà thăm con mình một lần vào dịp Tết với hy vọng dành dụm chút ít tiền để gửi về cho cha mẹ chăm sóc đứa con gái bất hạnh của mình.
Hiện tại, bà Cho và ông Nhỏ chỉ biết đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Ông bà chỉ ăn cơm với rau, còn con cá, miếng thịt, ông bà đều dành hết cho đứa cháu của mình.
Bà Cho kể tiếp, cháu Thảo thường bị co giật, mỗi lần lên cơn, ông bà phải đưa ngay vào bệnh viện nằm suốt cả 2 - 3 tuần liền, bao nhiêu tiền tích cóp được đều đổ vào viện phí, thuốc men hết.
Mấy năm trời ròng rã, bà Cho chỉ ở nhà trông cháu Thảo vì chỉ cần không chú ý là cháu lăn té từ trên giường xuống đất.
Như bù lại cho sự khiếm khuyết cơ thể, Thảo rất giàu nghị lực. Khi tôi vừa hỏi cháu Thảo “đến trường, làm sao con học bài được”, Thảo liền dùng đoạn tay phải còn lại của mình kết hợp với chiếc cằm rồi kẹp lấy cây viết vào cổ để viết chữ lên cuốn tập. Viết xong, cô bé tự để viết lại trên tập rất gọn gàng.
Cứ mỗi khi ăn uống xong, Thảo lại đòi bà ngoại mang tập ra để học viết. Cháu còn biết tự dùng cổ và “cánh tay” của mình để tự ăn cơm, uống nước và mở nhạc trong điện thoại để nghe ca vọng cổ.
Ông Trương Hồng Cảnh, Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh ấp Sơn Ton cho biết: “Gia đình bé Thảo tuy nghèo khó nhưng sống hòa nhã với bà con lối xóm nên được mọi người thương. Tuy cháu bị tật nguyền nhưng ông bà ngoại rất thương cháu, đối xử với cháu rất tốt, ai cũng khâm phục”. |
Cháu Thảo còn đọc một cách rành mạch địa chỉ nơi mình ở. “Con ở với bà ngoại nhưng con nhớ mẹ lắm. Con muốn mẹ về ở với con, nuôi con. Con đi học thấy vui lắm, con rất thích. Con muốn phụ giặt đồ với ngoại, muốn phụ giúp ngoại rửa chén, muốn tự đạp xe đạp tới trường. Con muốn lớn lên làm bác sĩ để khám bệnh cho bà ngoại, ông ngoại. Lớn lên làm có tiền, con sẽ nuôi ngoại…”. Bé gái 4 tuổi này hồn nhiên nói.
Bà Cho còn kể, cứ mỗi lần thấy người lạ đến thăm nhà, cháu Thảo cứ chờ khách ra về thì nói với ngoại “đừng đem con cho người ta; mai mốt con có tay, con đi làm kiếm tiền nuôi ngoại”. Nghe cháu nói mà tui chỉ biết khóc”...
Ông bà Cho vốn đã khó khăn, nay ngoài cháu Thảo, ông bà còn phải nuôi thêm một cháu ngoại nữa là cháu Đoàn Hữu Danh (5 tuổi).
Cháu Danh là con của người con gái lớn của bà Cho. Cách đây hơn 1 năm, vợ chồng anh chị đi làm thuê ở TP.HCM. Trong khi đang làm việc, người chồng bất ngờ bị đột quỵ và qua đời. Sau khi chồng mất, mẹ Danh cũng phải gửi con lại cho ông bà Cho để tiếp tục lên TP.HCM làm thuê kiếm sống.
“Mong sao mẹ con nó có được cái nhà để được sống cùng nhau. Tui có sẵn miếng đất nhỏ nhưng khổ nỗi nghèo quá, không có tiền xây nhà. Giờ tui còn sống thì ráng lo cho mấy cháu, chứ sau này mất đi rồi không biết sao nữa. Cũng vì quá nghèo mà mẹ con nó phải sống chia lìa nhau, tội lắm chú…”. Bà Cho nói trong nước mắt.
Chia tay gia đình bà Cho, hình ảnh cháu Thảo cặm cụi viết từng chữ trên cuốn tập cứ ám ảnh tôi mãi.
CHÍ NGUYỄN
Bạn đọc muốn giúp đỡ cháu Trần Thị Hiếu Thảo, có thể liên hệ bà Lý Thị Cho, ấp Sơn Ton, xã An Thạnh Nhì, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng, điện thoại: 0979412589. |