PNO - “Thủ tướng ơi! Cứu con với! Bé Hồ Mộng K. bị hiếp dâm, đã chết tức tưởi rồi. Thủ tướng ơi, công lý ơi! Đừng quên con! Để không còn những cái chết tiếp theo”.
Giọt nước mắt của người mẹ bất hạnh Hữu Thị Lợi (33 tuổi, ngụ ấp 7, xã Tân Lộc, H. Thới Bình, Cà Mau) nhỏ thấm bảng khẩn cầu viết tay nghuệch ngoạc cùng di ảnh con gái vắn số làm rát lòng những người đi đường tình cờ trông thấy. Tiếng gọi “K. ơi! K. ơi!” lạc giọng tan vào phố xá ồn ã…
Gia đình chị Hữu Thị Lợi kính gửi đến Thủ tướng lời cầu cứu khẩn thiết
“Sao chưa khởi tố bị can?”
“Tội con bé quá, mới 13 tuổi…”, “vụ này đọc báo lâu rồi, tới nay chưa giải quyết nữa sao?”, “kêu cứu mòn mỏi vậy thì sau này còn ai dám kêu?”… người đi đường xúm quanh chị Lợi, cảm thương, bất bình. Nắng rồi mưa, Cà Mau rồi TP.HCM, chị Lợi rồi cả cha mẹ chị cùng đi gõ cửa những cơ quan cấp cao để tìm công lý cho bé K.: đại diện văn phòng tại TP.HCM của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công An, Văn phòng Chính phủ… “Cái chết của con tôi, Thủ tướng đã nghe thấu, chỉ đạo điều tra làm rõ nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả gì. Vì sao đã bước qua tháng 8, hết hạn điều tra bốn tháng mà vẫn chưa khởi tố bị can đối với ông Hữu B. hiếp dâm con tôi nhiều lần? Cứ kéo dài, gia đình tôi không thể yên ổn làm việc kiếm sống. Con tôi chết tức tưởi, ông B. ngày đêm hăm dọa, khiêu khích mà biểu tôi ngồi yên, có ngồi yên được không?”- chị Lợi căm phẫn nói.
Như báo Phụ Nữ nhiều lần đề cập vụ việc, quá phẫn uất khi cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau quyết định không khởi tố vụ án hình sự vì nhận định rằng chỉ có lời khai từ phía của cháu K., cháu đã uống thuốc tự tử, chết ngày 11/2/2017 để lại bức thư tuyệt mệnh: “Sự thật phơi bày. Tôi đã sắp chết không còn ở trên trái đất này nữa. Tôi chết nhắm mắt không yên khi chuyện này không được giải quyết”.
Đau đớn tột cùng khi sau đó chị Lợi tìm được quyển tập học trò, ở cuối tập có những dòng tâm thư K. xin lỗi cha mẹ và thổ lộ đã mang thai, thai nhi chưa kịp ra đời đã phải chết. Hai mạng người, nỗi ám ảnh gấp bội khiến chị Lợi mất ăn mất ngủ, chợp mắt là thấy con hiện về hỏi: “Các chú công an xử tới đâu rồi mẹ? sao chưa bắt ông B.?”.
Tiếp tục hành trình đòi công lý cho con
Tính đến đầu tháng 8/2017 là đã gần 11 tháng từ ngày chị Lợi dẫn cháu K. đi nộp đơn tố giác ông B.; đã nửa năm từ ngày cháu K. qua đời; đã hơn bốn tháng từ ngày cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau hủy quyết định không khởi tố trước đó và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự (sau cái chết oan khuất này), hơn hai tháng từ ngày Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo yêu cầu Bộ Công an, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung điều tra làm rõ thủ phạm để xử lý nghiêm minh trước pháp luật…
Những con số ngày một tăng, cũng lớn dần nỗi thất vọng, mỏi mòn của gia đình. Chiều 2/8, khi gõ cửa trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại TP.HCM, được các cán bộ nơi đây tiếp nhận đơn cầu cứu và chuyển về Văn phòng Chính phủ xử lý theo hướng đôn đốc các cơ quan chức năng sớm thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, cả nhà chị Lợi ôm nhau òa khóc, hy vọng một ngày kẻ ác bị lôi ra ánh sáng.
Để bình yên những vòng tay
Hành trình đòi công lý cho bé K. được nối dài với chuyến viếng thăm chùa B.T. (H.Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu), nơi K. từng được nuôi ăn học trước khi về quê Cà Mau sống cùng ông bà ngoại và xảy ra biến cố. Di ảnh được mang đến với tâm nguyện K. ngày đêm nghe kinh kệ cho nhẹ nhàng. Em ruột của K., Hồ T. N. cũng được chị Lợi gửi chùa nuôi từ ba tuổi, đến nay cháu học lớp sáu (chị Lợi gửi hai con gái do gia cảnh khó khăn, chia tay chồng).
Nén hương thương nhớ con gái vắn số
Trời tối, đèn từ chánh điện nhập nhoạng hắt chiếu và dù mắt yếu vì khóc triền miên, mẹ của chị Lợi vẫn nhận ra cháu ngoại của mình trong lố nhố những chú tiểu. “N…! Bà ngoại nè con!” – bà mếu máo. Dìu mẹ lên thềm chùa, chị Lợi sụt sùi: “Mẹ đừng khóc! Mẹ khóc làm con cũng khóc theo!”. Không còn nhớ bà ngoại, ông ngoại, N. giương mắt nhìn, ái ngại. Chua xót, bẽ bàng nhưng cũng là lẽ đương nhiên vì đã bốn năm bà mới trở lại chùa thăm cháu, còn ông thì đã… bảy năm. Khi cháu K. chưa xảy ra sự việc, chị Lợi đi làm ở Bình Dương, thỉnh thoảng ghé chùa thăm N.
Trong vòng tay mẹ, N. hồn nhiên kể: “Hồi sáng gỡ tờ lịch, sực nhớ hôm nay là sinh nhật mình, con nghĩ trong bụng phải có mẹ tới thăm thì đã biết mấy! Trưa, rồi chiều, rồi tối, con học bài, làm việc này kia để đỡ nghĩ tới mẹ… Nghe tiếng chuông và biết khách tới thăm Bình, con hỏi kỹ là cô Bình hay bé Bình (pháp danh của con là Huệ Bình). Một chị trả lời chắc chắn là “bé Bình”, con mới dám chạy ra, sợ… mừng hụt”. “Thì mẹ nhớ ngày sinh nhật con nên lên thăm con nè!” – chị Lợi ngắt má N., rồi vội với tay che lại cái giỏ có tờ giấy bìa ghi “gia đình bé Hồ Mộng K. khẩn thiết cầu cứu”.
Ở tuổi 11 trong trẻo, non nớt, N. chỉ được mẹ cho biết chị K. đã mất chứ chưa hiểu rõ tường tận nguyên nhân. Ánh mắt vẫn bàng hoàng khi N. tái hiện lại giấc mơ nhiều tháng trước: chị K. ôm chiếc cặp đỏ đi học, mặc áo vá nhiều chỗ. Tỉnh giấc, N. khóc ướt gối. Mơ thấy chị, N. càng mong mẹ. Một chú tiểu vỗ về N.: “Chị K. mới mất nên mẹ lo đám ma đã hết tiền rồi. N. ráng đợi mẹ đi làm kiếm tiền mới mua vé xe lên thăm N. được!”. “Ờ, chắc là vậy”, N. lại nén lòng.
“Con trông mẹ lắm hả? Nhớ mẹ lắm hả? Con ráng học, ráng nghe lời sư…” – chị Lợi vồn vã dặn dò. Khuya, trăng vằng vặc soi, vòng tay của mẹ - con, bà - cháu mãi chưa rứt được để quay về lại Cà Mau, để tiếp tục hành trình của ánh sáng và sự thật. “Thủ tướng ơi! Công lý ơi! Đừng quên con!” – đó đâu chỉ là câu chuyện của bé K. cùng bào thai bé bỏng giờ đã ra tro bụi mà là động lực sống, là niềm tin, là hạnh phúc, là bình yên của những người còn lại.
Em không giành bánh với chị nữa…
Chị K. ơi! Em hối hận vì hồi chị em mình cùng sống ở chùa, được khách đến viếng tặng bánh, chị nhường hết cho em nhưng khi chị xin lại một cái, em cũng không đưa, cứ nói “bánh của em mà!”. Mấy khi ai cho bánh hay đồ chơi, em chỉ biết nhận phần của em và thường nói: “Chị K. không cần đâu. Khỏi cho chỉ đi!”. Em hối hận lắm! Giờ phải chi còn chị, em sẽ không giành bánh nữa đâu! Nhìn chị ăn, em vui…
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.