Hai bệnh viện (BV) lớn xác nhận cháu bị tổn thương cơ quan sinh dục, nhưng công an (CA) bảo “chờ”. Vụ việc xảy ra tại ấp T., xã Thanh Điền, H.Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.
|
Bà M. và bé V. trước cổng trụ sở Công an huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh |
Đơn của bà Lê Thị M. (ngụ ở địa phương trên) cho biết, chiều 20/5/2017, cháu ngoại của bà là Võ Thị V. (sinh ngày 14/11/2011) cùng hai bé đồng lứa tên T. và Tr. ra khu vực ruộng trong ấp để xem máy cạp đất.
Theo lời các cháu kể, lúc đó, có một người đàn ông dẫn theo hai đứa nhỏ, người này rủ cháu Tr. đi chơi, nhưng cháu Tr. bỏ chạy. Thấy vậy, cháu V. cũng bỏ chạy thì bị tên này rượt theo. Cháu V. bị vấp té, bị tên này lôi vào một bụi cây gần đó, thực hiện hành vi đồi bại.
Khi cháu V. khóc, tên này bảo đừng khóc, sẽ cho tiền. Một lát sau, cháu V. chạy ra, người đầy máu, các cháu thấy vậy, đợi cho tên kia vào nhà, mới dám chạy về. Bé V. đã kể hết sự việc cho gia đình.
Theo bà M., do thấy máu ra nhiều nên gia đình đã đưa cháu đến BV Đa khoa (ĐK) tỉnh Tây Ninh khám và điều trị, sau đó lén đưa bé đến BV Nhi Đồng 1 (vì vẫn chưa xuất viện tại BV tỉnh).
Theo bảng kê chi phí khám chữa bệnh của BVĐK tỉnh Tây Ninh, bé V. nhập viện lúc 19g ngày 20/5 và ra viện lúc 14g ngày 23/5 với chẩn đoán “chảy máu sau tiếp xúc và giao hợp”. Còn theo đơn thuốc của BV Nhi Đồng 1 lập ngày 22/5, bé V. bị “chấn thương cơ quan sinh dục ngoài”.
Bà M. cho biết, ngay lúc bé V. chạy về nhà trong tình trạng áo quần xộc xệch, máu ra nhiều và nghe bé kể lại vụ việc, gia đình bà đã trình báo lên UBND xã Thanh Điền và CA huyện đã cử người đến làm việc với bà M. tới 12 giờ đêm.
Cùng lúc đó, ông ngoại bé V. đã tắm rửa cho bé và chở bé đi BV cấp cứu chứ bé V. không được thăm khám, xác định thương tích của cơ quan pháp y. “12 giờ đêm, tại ủy ban xã, CA huyện bảo tôi về đi, cháu tôi chỉ bị đỉa cắn có ba dấu răng thôi. Họ nói họ đã gọi cho bác sĩ BV tỉnh và bác sĩ nói như vậy. Tức quá, ngay sáng ngày 22/5, tôi liền lên BV tỉnh, đưa cháu tôi xuống BV Nhi Đồng 1 khám” - bà M. bức xúc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bé V. vắng cha từ lúc còn trong bụng mẹ. Khi bé ba tuổi, mẹ bé cũng lập gia đình mới nên vợ chồng bà M. phải nuôi bé V. Hàng ngày, ông ngoại bé V. đi bán vé số, bà M. nấu và bán sữa đậu nành.
Ngày 5/6, CA huyện Châu Thành đã mời bà M. lên làm việc và cho biết, CA chỉ làm việc dựa vào kết luận pháp y và kết quả điều tra. Do vậy, vẫn chưa thể trả lời được bé V. có bị xâm hại hay không, mức độ như thế nào, thủ phạm là ai…
Theo bà M., với những kết luận rõ ràng của hai BV lớn, có thể thấy rằng cháu V. đã bị xâm hại tình dục, nhưng đến nay, đã hơn ba tuần, vụ việc vẫn rơi vào im lặng khiến gia đình bà và người dân trong ấp rất hoang mang.
Ngày 18/6, trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ, trung tá Nguyễn Văn Cẩm - Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra CA huyện Châu Thành cho biết, CA huyện vẫn đang tích cực điều tra vụ việc. “Chúng tôi đã đưa cháu V. đi giám định pháp y tại BVĐK tỉnh Tây Ninh nhưng hiện tại BV vẫn chưa có văn bản thông báo về kết quả. Khi có kết quả giám định pháp y cùng với một số bằng chứng khác, cơ quan điều tra sẽ đối chiếu, kiểm tra xem cháu V. có bị xâm hại hay không. Nếu có, chúng tôi sẽ khởi tố vụ án ngay lập tức” - trung tá Cẩm nói.
Long Sơn - Sơn Vinh
Kết quả tự khám chưa hẳn là chứng cứ
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, cơ quan điều tra phải ra quyết định trưng cầu giám định, cơ quan giám định mới tiến hành giám định tổn thương liên quan đến cơ quan sinh dục của bé để làm cơ sở đánh giá xem bé có bị xâm hại hay không.
Quá trình này đúng luật nhưng lại vuột mất “thời gian vàng” để bảo vệ chứng cứ. Nếu gia đình bé tự đưa bé đi khám tại cơ sở y tế thì có thể hiểu được bản chất vụ việc nhưng kết quả chưa chắc được cơ quan tố tụng xem là chứng cứ. Đây chính là kẽ hở của pháp luật hiện nay.
Vì vậy, từng có đề xuất “công nhận kết quả giám định trẻ bị xâm hại của các cơ sở y tế có đủ chuyên môn để làm chứng cứ khởi tố vụ án”, nhưng đề xuất này hiện vẫn chưa được luật hóa.
Do vậy, gia đình có thể bảo vệ các bé bằng cách không vội vàng tắm, tẩy rửa vết thương trên người bé lẫn vùng kín; tự thu thập chứng cứ bằng cách chụp ảnh, quay phim; mời tổ chức đoàn thể (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, đại diện tổ, ấp) chứng kiến, lập biên bản ghi nhận sự việc rồi báo ngay cho cơ quan công an xã, huyện nơi bé cư trú hoặc nơi xảy ra vụ việc.
Thạc sĩ luật Trần Hoài Nhân
(Công ty TNHH ALOYEAL, TP.HCM)
Đừng để vấn nạn “ấu dâm” chìm xuồng!
Vấn nạn “ấu dâm” đã tồn tại từ nhiều năm chứ chẳng phải bây giờ mới bùng phát, nhưng trong một thời gian khá dài, xã hội đã buông lỏng cho chúng, lên án chưa đến nơi đến chốn, pháp luật xử lý cũng chưa triệt để.
Nhưng chặn đứng vấn nạn “ấu dâm” bằng cách nào, việc “thiến hóa học” như đề xuất của một vị đại biểu quốc hội có khả thi và có chặn được không, quy định pháp luật hình sự hiện hành với các tội danh hiếp dâm, dâm ô, lạm dụng tình dục đối với trẻ em mà ta gọi là vấn nạn “ấu dâm” đã đủ sức răn đe những “con yêu râu xanh” chưa?
Tội phạm về tình dục và ham muốn tính dục có thể có một mối liên hệ nào đó nhưng không phải cứ có ham muốn tính dục cao là dễ dàng trở thành tội phạm tình dục. Với một người có nhu cầu tính dục bất thường, ý thức được hậu quả của việc dư thừa hormone giới tính thì việc sử dụng liệu pháp “thiến hóa học” có thể coi là hữu ích.
Nhưng với tội phạm thì việc “pheng” bằng liệu pháp này chỉ có tác động nhất thời, có thể làm vô hiệu hóa “vũ khí” gây án của chúng trong một khoảng thời gian nhưng tuyệt nhiên không làm triệt tiêu ám ảnh tình dục bệnh hoạn trong tư tưởng của chúng. “Ấu dâm” không chỉ gói trong hành vi giao cấu, còn vô vàn biến tướng nguy hại khác như lạm dụng tình dục, dâm ô.
Với kẻ biến thái, bất lực về khoản này sẽ biến sang trạng thái khác thậm chí nguy hiểm hơn, miễn thỏa mãn ám ảnh bệnh hoạn của chúng. Trong điều kiện thực tế hiện nay liệu pháp “thiến hóa học” không khả thi, nhân văn một cách nửa vời, đó là chưa nói tới những hệ lụy có thể phát sinh từ hành vi tiêu cực của người thực thi pháp luật.
Vì sao việc đấu tranh chống vấn nạn “ấu dâm” chưa thực sự hiệu quả? Về lý thuyết ta có thể đổ lỗi cho việc giáo dục giới tính, bao hàm cả việc tự vệ trước sự xâm hại tình dục chưa đến nơi đến chốn, hoặc việc tuyên truyền pháp luật còn hời hợt. Nhưng trẻ em, thậm chí là cả người lớn cũng khó bề đỡ nổi đòn tấn công của kẻ biến thái có ý thức.
Theo quy định của Luật Trẻ em, không chỉ có một mà có nhiều đầu mối bảo vệ trẻ, nhưng có lẽ bởi có nhiều đầu mối nên hiệu quả bị hạn chế. Mọi quy định sẽ chỉ là trên giấy nếu người lớn không thực tâm lắng nghe và tôn trọng trẻ, giải quyết một cách triệt để những vấn đề phát sinh. Chính là việc để kéo dài, không làm sáng tỏ một cách thuyết phục hành vi tội phạm “ấu dâm” đã khiến dư luận bức xúc. Đừng để vấn nạn “ấu dâm” chìm xuồng!
Thạc sĩ Hoàng Kim Chiến
Nguyên Phó cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp