Bé gái 6 tuổi bị cắt bỏ hết lá lách do té xe đạp

07/09/2020 - 20:28

PNO - Đang đạp xe đi chơi, bé N. bị ngã làm cho lá lách bị xoắn lại, sau đó hoại tử mà gia đình không hay biết.

 

Bác sĩ Tuy khám lại cho bé N.
Bác sĩ Tuy khám lại cho bé N.

Tối 7/9, tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Đình Tuy, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Quận 2 TPHCM cho biết, bệnh viện đã phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ lá lách bị hoại tử cho bé gái B.N.T.N. (6 tuổi, ở Đồng Nai) bị xoắn lách sau khi ngã xe đạp.

Theo đó, bé N. được gia đình đưa vào Bệnh viện Quận 2 khám do đau bụng liên tục, nôn ói nhiều lần, đi tiêu khó. Trong lúc thăm khám, bé N. than đau nhiều ở phần bụng bên trái. Thấy bụng bệnh nhi trướng to, bác sĩ nghi có chấn thương. Kết quả siêu âm, chụp CT cho thấy lá lách của bé to gấp đôi lách của trẻ bình thường. Lách của bé N. bẩm sinh không có dây chằng nên thay vì nằm ở vị trí mạn sườn bên trái thì lại "cư ngụ" tại vùng hông trái, bị xoắn thành nhiều đoạn.  

"Chính vì không có dây chằng lách nên khi bé N. chạy nhảy, hay bị va chạm mạnh từ bên ngoài cơ thể, lách sẽ "chao đảo" dễ gây xoắn lách. Phần lách xoắn này không chỉ gây đau bụng kéo dài mà còn khiến mạch máu nuôi lách bị tắc. Do gia đình đưa đến bệnh viện quá trễ nên buộc phải phẫu thuật cho bé ngay với hy vọng tháo xoắn cứu lách cho bé" - bác sĩ Tuy nói thêm.

Ngay lập tức, bé N. được đưa vào phòng phẫu thuật, qua nội soi, ê-kíp bác sĩ phát hiện toàn bộ lách của bé N. đã bị hoại tử, tím đen nên phải xử lý cắt bỏ lách để tránh nhiễm trùng. Sau mổ, bệnh nhi hết đau bụng, tỉnh táo, có thể ăn uống bình thường. 

Theo bác sĩ Tuy, lách có nhiệm vụ giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và thiếu máu. Mất đi phần lách, bé N. phải tiêm ngừa một số vắc xin nhất định để phòng bệnh tụ cầu, viêm màng não... 

Vị trí lá lách trong cơ thể
Vị trí lá lách trong cơ thể

Anh Bùi Minh Đức (ba của bé N.) kể: "Con gái tôi rất hiếu động, thích đạp xe. Ngày 2/9, trong lúc cháu đạp xe chạy chơi thì té ngã, có thể bụng bị đập mạnh vào phần cổ xe nên lúc đó cháu than đau, sau đó ăn vào là nôn ói. Thấy vậy, tôi đưa con đi khám bác sĩ tư thì được chẩn đoán cháu bị rối loạn tiêu hóa nên cho thuốc về uống. Qua hôm sau, cháu than đau liên tục, mệt mỏi nên tôi đưa vào Bệnh viện Quận 2 khám bệnh mới biết cháu bị nặng như vậy. Từ lúc cháu được sinh ra đến bây giờ, tôi không biết con mình mắc bệnh không có dây chằng lách".

Theo bác sĩ Tuy, thời gian vàng để phát hiện và can thiệp tháo xoắn lách là 6 tiếng đồng hồ kể từ khi người bệnh có triệu chứng đau. Nếu nhập viện trễ, phần xoắn sẽ gây tắc mạch máu, hoại tử lách buộc phải cắt bỏ nếu không sẽ gây ra nhiễm trùng, tạo ổ áp xe bụng, hoặc tạo thành huyết khối gây tắc mạch ở các bộ phận khác... nguy cơ tử vong rất cao.

Vì vậy, nếu một người bị tai nạn chấn thương vùng bụng, hay bỗng nhiên xuất hiện các cơn đau bụng không rõ nguyên nhân, người nhà nên đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI