Bé gái 5 tuổi tử vong sau khi tiêm kháng sinh

22/09/2013 - 08:07

PNO - Ngày 21/9, Sở Y tế Hải Phòng đã yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng khẩn trương làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm liên quan tới ca tử vong của cháu Phạm Khánh Nhi (5 tuổi).

edf40wrjww2tblPage:Content

Chị Bùi Thanh Hương (31 tuổi, mẹ của cháu Nhi) cho biết, ngày 19/9, cháu Nhi được gia đình đưa tới bệnh viện thăm khám bệnh viêm phổi trong tình trạng tỉnh táo, không sốt, vẫn chơi đùa và chỉ có biểu hiện ho. Sau khi khám, bác sĩ chẩn đoán cháu Nhi bị viêm phổi thùy và yêu cầu gia đình làm thủ tục nhập viện cho cháu.

Sau khi nhập viện, cháu Nhi được bác sĩ chỉ định tiêm 2 loại kháng sinh là Gentamyxin và Cefotaxin. Đến khoảng 11 giờ ngày 19/9, cháu Nhi được tiêm mũi kháng sinh Gentamyxin đầu tiên và không có phản ứng gì bất thường. Khoảng 16 giờ chiều cùng ngày, cháu Nhi được cho test thử vào bắp với kháng sinh Cefotaxin. Thấy không có phản ứng gì, 15 phút sau, y tá tiêm kháng sinh Cefotaxin bằng phương pháp tiêm tĩnh mạch chậm cho cháu bé.

Tuy nhiên, khi mũi kim vừa được rút ra thì cháu Nhi kêu với chị Hương: “Mẹ ơi con đau đầu quá, cứu con với!”. Sau đó bé có biểu hiện tím tái, nhịp thở gấp, khó thở, mắt mũi trợn ngược lên. Lập tức, cháu Nhi được đưa vào phòng cấp cứu của khoa hô hấp để thở oxy và sau đó cháu Nhi dần hồi tỉnh nhưng do thể trạng còn yếu nên được chuyển sang Khoa Hồi sức cấp cứu. Tuy nhiên, đến đêm thì cháu lại bị tím tái và có triệu chứng nguy kịch, các bác sĩ tiếp tục cấp cứu nhưng tới sáng 20/9, cháu Nhi đã tử vong. Đáng chú ý, theo chị Hương, trong suốt cả đêm cháu Nhi nằm điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu, gia đình không hề được vào chăm sóc cháu và chỉ khi cháu Nhi đã tử vong, gia đình mới được vào.

Bức xúc trước cái chết bất thường của con cháu mình, người nhà của cháu Nhi đã tập trung tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, yêu cầu phía lãnh đạo phải đưa ra câu trả lời thỏa đáng.

BS Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc bệnh viện, cho biết, bệnh viện đưa ra nhận định ban đầu cháu Nhi tử vong do bị sốc phản vệ. Tỷ lệ sốc khi tiêm kháng sinh này là 1/1.000. Bệnh viện đã mời cơ quan pháp y đến làm việc, nhưng gia đình nạn nhân từ chối mổ tử thi. Về lĩnh vực chuyên môn, bệnh viện khẳng định đã làm đúng quy trình, thậm chí đã cẩn thận thử kháng sinh trước khi tiêm tĩnh mạch - thực tế, loại kháng sinh này không có yêu cầu phải thử trước khi tiêm. Ngay cả khi bệnh nhi bị sốc thuốc, quy trình cấp cứu cũng được tuân thủ đúng.

Theo MINH KHANG (Sài Gòn Giải Phóng)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI