Bé gái 3 tuổi được ghép tế bào gốc chữa u nguyên bào võng mạc di căn

13/04/2021 - 13:40

PNO - Bệnh nhi 3 tuổi mắc u nguyên bào võng mạc vừa được ghép tế bào gốc tự thân để chữa ung thư di căn.

 

Các bác sĩ sau ca phẩu thuật thành công
Các bác sĩ sau ca phẫu thuật thành công

Sáng 13/4, Bệnh viện Trung ương Huế làm thủ tục xuất viện cho bệnh nhi Hồ Thị Trúc (3 tuổi, trú xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị). Đây là bệnh nhi đầu tiên ở Việt Nam  ghép tế bào gốc tự thân để điều trị u nguyên bào võng mạc. Đây là khối u ác tính nội nhãn hay gặp nhất ở trẻ em, khối u bắt nguồn từ các tế bào võng mạc (retina), nơi tiếp nhận ánh sáng giúp mắt có thể nhìn được đồ vật.

Trước đó vào tháng 9/2020, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao, mắt phải lồi to, hàm má phải sưng đau, ăn uống kém. Qua kết quả xét nghiệm, bé gái 3 tuổi được chẩn đoán u nguyên bào võng mạc di căn tủy xương, di căn gan, kèm nhiễm trùng huyết.

 

Bệnh nhi được "đánh" kháng sinh, truyền dịch để điều trị tình trạng nhiễm trùng. Đồng thời, bệnh viện tổ chức cuộc họp đa chuyên khoa, bao gồm các bác sĩ khoa mắt, bác sĩ nhi ung bướu, xạ trị, chẩn đoán hình ảnh, huyết học để lên kế hoạch điều trị cho bé.

Đội ngũ Y bác sĩ luôn kiểm tra sức khỏe cháu bé mỗi ngày
Đội ngũ y bác sĩ luôn kiểm tra sức khỏe cháu bé mỗi ngày

Với bệnh lý u nguyên bào võng mạc di căn, cần phải tiến hành ghép tế bào gốc mới có thể cứu được nhưng vào thời điểm đó, tại Việt Nam vẫn chưa có trung tâm nào thực hiện ghép tế bào gốc cho bệnh u nguyên bào võng mạc. Đó là một thách thức đặt ra đối với Bệnh viện Trung ương Huế.

Cuối cùng, các bác sĩ quyết tâm thực hiện kỹ thuật mới để cứu em bé. Bước đầu, các bác sĩ tiến hành điều trị ổn định nhiễm trùng, tiếp đến điều trị hóa chất theo phác đồ nguy cơ cao. Mặt khác, trong quá trình điều trị hóa chất, bệnh nhi được phẫu thuật bóc bên mắt bị bệnh và tiến hành thu hoạch tế bào gốc. Và công đoạn cuối cùng, bệnh nhi được điều trị hóa chất liều cao để ghép tủy. Trong quá trình thực hiện ghép tủy, việc sử dụng hóa chất liều cao Thiotepa- Carboplatin và Etoposide, bé bị loét niêm mạc đường tiêu hóa nặng, biến chứng sốc nhiễm trùng. Sau ghép tủy, sẽ tiến hành điều trị xạ trị cho bệnh nhân.

GS.TS Phạm Như Hiệp -Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế vui mừng chia sẻ: với kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân, tỷ lệ sống và lành bệnh cho các ca bị u nguyên bào võng mạc di căn không thâm nhiễm hệ thần kinh trung ương lên đến 80%. Từ nay, bệnh viện tự tin và sẽ tiếp tục thực hiện nhiều ca ghép tủy tự thân tiếp theo để mang lại sự sống cho các bệnh nhi.

Các bác sĩ kiểm tra sức Khỏe cháu Trúc trước thời khắc cháu trở lại nhà cùng bố mẹ
Các bác sĩ đang chuẩn bị công tác để phẫu thuật ghép tế bào gốc cho trẻ 

Thuận Hóa 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI