Bé gái 2 tuổi được tiếp nối sự sống từ mảnh gan của cha

28/12/2021 - 12:08

PNO - Vừa sinh ra, bé T. đã bị teo đường mật bẩm sinh, lên 2 tuổi bé bị nhiễm trùng đường mật, xơ gan giai đoạn cuối. Để có thể được sống tiếp, cần phải được ghép gan.

Ngày 28/12, PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết, bệnh viện vừa thực hiện ghép gan cho bé gái N.N.T. (2 tuổi, ở Đồng Nai). Bé T. bị nhiễm trùng đường mật, xơ gan giai đoạn cuối.

Bé T. khi chuẩn bị vào mổ
Bé T. khi chuẩn bị vào phẫu thuật ghép gan

Theo đó, khi được sinh ra, các bác sĩ chẩn đoán bé T. bị teo đường mật bẩm sinh. Bé đã được phẫu thuật nối ruột và đường mật tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM. Lúc bé T. được gia đình đưa đến Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM thì da đã vàng sạm, bụng to, bé bắt đầu nôn ra máu. Bác sĩ chẩn đoán bé T. đã rơi vào giai đoạn nhiễm trùng đường mật và xơ gan giai đoạn cuối, chỉ có ghép gan mới có hy vọng được sống tiếp, đây cũng là phương án cuối cùng.

Trước tình trạng nguy cấp, cả gia đình đều sẵn sàng hiến gan cứu sống bé T.. Tuy nhiên, chỉ có anh N.V.N. (30 tuổi, ba ruột bé T.) mới có các chỉ số y học phù hợp. TS.BS Trần Công Duy Long - Trưởng đơn vị Ung thư gan mật và ghép gan Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết:  "Khoảng 80% bệnh nhi teo đường mật bẩm sinh không qua khỏi sau 2 tuổi, nếu không được ghép gan".

Ngày 15/11, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện phẫu thuật ghép gan cho bé T.. So với ghép gan người lớn, ghép gan trẻ em có phần khó khăn hơn vì các bé còn quá nhỏ, việc chăm sóc cần sự tỉ mỉ, tinh tế. Bên cạnh đó, hồi sức sau ghép đóng vai trò rất quan trọng trong phục hồi cho bệnh nhi ghép gan. 

Ê-kíp bác sĩ chúc mừng bé và gia đình trong ngày xuất viện
Ê-kíp bác sĩ chúc mừng bé và gia đình trong ngày xuất viện

Tuy nhiên, với quyết tâm của ê-kíp 2 bệnh viện, ca ghép gan của bé T. được diễn ra thành công và không cần sự hỗ trợ trực tiếp của các chuyên gia nước ngoài.

"Sau phẫu thuật lấy gan 7 ngày, anh N. xuất viện, sức khỏe ổn định. 4 tuần chăm sóc sau ghép gan, da bé T. ngày càng hồng hào. Đến ngày 21/12, bé chính thức được xuất viện", bác sĩ Long nói thêm.

Mẹ của bé T. chia sẻ: "Suốt 2 năm qua chứng kiến con bị bệnh tật giày vò, chúng tôi rất xót xa. Thật may mắn khi các bác sĩ đã có thể mang đến cho con tôi một cuộc đời mới. Nhìn thấy con gái ăn uống, đùa giỡn… với các cô điều dưỡng, tôi vô cùng hạnh phúc. Sinh bé ra đời nhưng đến giờ này tôi mới được thấy bé vui vẻ, khỏe mạnh như vậy”.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết: “Đây là dấu ấn quan trọng trong lĩnh vực ghép tạng tại bệnh viện, mở ra nhiều hy vọng hơn cho các bệnh nhi chờ ghép gan. Đồng thời, cho thấy nỗ lực không ngừng của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam để có thể tự thực hiện kỹ thuật phức tạp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay".

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI