PNO - Dự án này từng bị Ngân hàng Thế giới (WB) phát hiện đấu thầu không hợp lệ nên dừng tài trợ hơn 350 tỷ đồng. Công ty đang thi công dự án cũng từng bị phản ánh không có kinh nghiệm, năng lực nhưng vẫn trúng thầu.
Năm hết tết đến nhưng “lô cốt” lớn trên trục đường Nguyễn Duy Trinh (Q.2, TP.HCM) vẫn choán gần hết lòng đường, gây kẹt xe triền miên khiến người xe qua lại giữa Q.2 và Q.9 gặp rất nhiều khó khăn. Đây là công trình thuộc gói thầu XL03 của dự án Vệ sinh môi trường đô thị TP.HCM giai đoạn 2 (viết tắt dự án VSMT). Gói thầu này có tổng giá trị hơn 194 tỷ đồng, được khởi công từ cuối năm 2017, dự kiến hoàn thành vào ngày 19/12/2019 nhưng đến nay vẫn trong tình trạng ngổn ngang.
Yêu cầu bồi thường, thay đơn vị khác
Cảnh thi công bê bối của gói thầu XL03 trên đường Nguyễn Duy Trinh sáng 1/12/2019
“Thi công kiểu gì mà ngày nào cũng gây kẹt xe, hỏi ai mà chịu nổi. Đường huyết mạch mà họ làm như thi công ở chỗ không người” - chủ một cơ sở kinh doanh gần khu vực đang rào chắn để thi công trên đường Nguyễn Duy Trinh, P.Bình Trưng Đông, Q.2 - bực dọc nói khi chứng kiến hàng trăm phương tiện giao thông bị dồn ứ sáng 1/12. Không chỉ choán phần lớn diện tích lòng đường, đoạn rào thi công còn nằm chắn ngang một nhà sách lớn và một số cửa hàng kinh doanh. Theo phản ánh của người dân, việc thi công bê bối ở đây đã kéo dài nhiều ngày qua và không có dấu hiệu được cải thiện.
Trước tình trạng thi công ì ạch nói trên, đơn vị tư vấn giám sát dự án VSMT vừa có văn bản đề nghị ban quản lý dự án chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thi công gói thầu XL03 (do Công ty cổ phần Lạc An thực hiện), yêu cầu đơn vị này bồi thường theo hợp đồng vì không thực hiện đầy đủ trách nhiệm đã ký kết với chủ đầu tư dự án. Đơn vị tư vấn giám sát đề xuất chuyển giao việc thi công cho những nhà thầu đang thực hiện những gói thầu tương tự của dự án. Đây được xem là động thái “mạnh tay” của đơn vị tư vấn giám sát vì tình trạng thi công bê bối của nhà thầu đã kéo dài quá lâu.
Đơn vị tư vấn giám sát cho biết, gói thầu XL03 có các hạng mục như lắp đặt 9 nắp hầm ga, 2 giếng tách dòng, lắp đặt nhiều cống thu gom nước thải ở các tuyến đường nhánh trên đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định, Lê Hữu Kiều (Q.2)… Hiện nay, dù sắp hết hạn thi công nhưng nhà thầu vẫn duy trì một mũi thi công trên đường Nguyễn Duy Trinh với khối lượng công việc chỉ đạt khoảng 45% so với tiến độ. Một số hạng mục khác cũng thi công ì ạch, đạt khối lượng từ 27,7% đến 57%. Bên cạnh đó, có các hạng mục dù được Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cấp phép lần thứ hai nhưng đến nay vẫn chưa có kế hoạch thi công.
Tiến độ vượt 200% nhưng xin thêm… 388 ngày
Hàng loạt xe lớn, xe nhỏ ùn ứ tại rào chắn thi công sáng ngày 1/12/2019
Nói về tình trạng thi công chậm trễ ở gói thầu trên, ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Công ty cổ phần Lạc An - đổ cho yếu tố khách quan: “Việc chậm tiến độ là do nguyên nhân khách quan, cụ thể là do việc bàn giao mặt bằng, cấp phép thi công chậm trễ, khi thi công thì phát hiện nhiều vướng mắc về hạ tầng kỹ thuật. Nếu loại trừ hai yếu tố khách quan này, chúng tôi sẽ thi công vượt tiến độ”.
Để chứng minh, nhà thầu thi công cho rằng, tiến độ thi công nhổ cừ larsen đạt tới 233%, tiến độ thi công các hố ga đạt 171%... Dù vậy, Công ty Lạc An lại đề xuất chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát cho nhà thầu được gia hạn hợp đồng thêm 388 ngày để thi công công trình.
Trước những lập luận của nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát cho rằng, Công ty Lạc An đã thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, không thực hiện theo các chỉ thị của chủ đầu tư và không tôn trọng các đối tác trong quá trình thực hiện hợp đồng với nhà tài trợ (WB), chủ đầu tư và tư vấn giám sát. “Nhà thầu đưa ra số liệu phần trăm về tiến độ là không có ý nghĩa khi sản lượng cả gói thầu đến nay chỉ đạt khoảng 38%. Giải trình của nhà thầu về thời gian thi công thể hiện việc thiếu kinh nghiệm thi công ở TP.HCM. Đối với kế hoạch thi công 8 giếng tách dòng, nhà thầu lý giải chưa thi công vì chưa có bản vẽ là chưa tuân thủ theo hợp đồng” - đơn vị tư vấn giám sát khẳng định.
Theo đơn vị tư vấn giám sát, đến nay, nhà thầu vẫn không trình bản cập nhật tiến độ chi tiết cho những phần công việc còn lại. “Nhà thầu tiếp tục trì hoãn, chậm triển khai thi công các hạng mục dù đã được cấp phép xây dựng lần hai và đã được giao mặt bằng. Nhà thầu vẫn chưa có cam kết đẩy nhanh tiến độ và thi công xong các hạng mục trước ngày hoàn thành công trình theo hợp đồng. Các vấn đề nêu trên đã dẫn đến chậm trễ tiến độ và kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng khoảng một năm đối với gói thầu XL03” - đơn vị tư vấn cho biết thêm.
Bê bối từ lúc đấu thầu
Người dân khổ sở vượt qua đoạn rào chắn thi công
Như Báo Phụ Nữ TP.HCM đã phản ánh từ năm 2018, trong giai đoạn đấu thầu, dự án VSMT đã bộc lộ nhiều vấn đề gây lo ngại. Cụ thể, khi hậu kiểm công tác đấu thầu, WB đã phát hiện công tác đấu thầu hai gói thầu (tổng giá trị hơn 350 tỷ đồng) có dấu hiệu không hợp lệ, có khả năng phát sinh tiêu cực. Theo đó, WB yêu cầu phải loại bỏ các đơn vị trúng thầu, nếu không, sẽ dừng tài trợ tiền để thực hiện hai gói thầu này. Do yêu cầu này không được ban quản lý dự án VSMT đáp ứng nên WB đã quyết định dừng tài trợ. Không có nguồn vốn hỗ trợ của WB, hai gói thầu trên bị đình trệ và phải tìm nguồn vốn khác thay thế.
Việc đấu thầu có dấu hiệu không hợp lệ và dễ phát sinh tiêu cực, bị WB phát hiện nói trên cũng từng bị nhiều đơn vị tham gia dự thầu phản ứng, khiếu nại nhưng kết quả vẫn không thay đổi. Ngoài hai gói thầu này, gói thầu do Công ty Lạc An trúng thầu cũng từng bị một số nhà thầu phản ứng vì cho rằng đơn vị này không có kinh nghiệm và năng lực, vẫn trúng thầu. Trên thực tế, sau khi trúng thầu, Công ty Lạc An đã bộc lộ nhiều hạn chế trong thi công, thường xuyên gây ách tắc giao thông trong khu vực thi công và không đảm bảo tiến độ công trình, gây ảnh hưởng chung đến tiến độ của cả dự án VSMT.
Dự án VSMT giai đoạn 2 có tổng vốn đầu tư hơn 524 triệu USD (tương đương hơn 11.000 tỷ đồng). Trong đó, vốn vay ưu đãi từ WB là 450 triệu USD, còn lại là vốn đối ứng của TP.HCM. Dự án gồm các hạng mục quan trọng như xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải và nhà máy xử lý nước thải nhằm thu gom và xử lý nước thải cho lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Q.2.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.