Bé 6 tuổi nguy kịch vì hóc thạch

09/05/2014 - 16:10

PNO - PNO - Dù đã được các bác sĩ gắp thành công miếng thạch ra khỏi đường thở nhưng bệnh nhi hiện vẫn đang rơi tình trạng hôn mê, tiên lượng xấu.

 Bệnh nhi là bé Q.A., 6 tuổi ở Hà Nội, được đưa vào cấp cứu tại khoa Nhi, BV Bạch Mai cuối giờ chiều ngày 8/5.

Được biết, chiều cùng ngày, bé Q.A. được cô giáo tại trường mầm non cho ăn thạch (rau câu). Khi đang ăn, bé bỗng bị ho, nôn liên tục, người tím tái, cô giáo vội vàng bế bé đưa đi cấp cứu.

Ngay lúc đó, bố của bé Q.A. cũng vừa chạy xe máy đến trường đón con về nhà như mọi khi. Thấy bé tím tái, cả bố và cô giáo vội vàng đưa Q.A. vào cấp cứu tại khoa Nhi, BV Bạch Mai (Hà Nội).

Bé nhập viện trong tình trạng toàn thân tím nhợt, nhịp tim rời rạc và có dấu hiệu ngưng thở. Các bác sĩ đã tiến hành bóp bóng cấp cứu, hút hết dịch nhầy trong miệng, mũi nhưng lồng ngực của bệnh nhi không di động, không khí không thể vào phổi. Các bác sĩ tiếp tục đặt nội khí quản và tiến hành gắp dị vật ra khỏi đường thở cho bệnh nhi. Dị vật được lấy ra là miếng thạch to, kích thước 4x4cm.

Tuy dị vật đã được lấy ra thành công nhưng hiện bệnh nhi vẫn đang trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy và tiên lượng rất xấu.

Bé Q.A. là trẻ đẻ non khi mới 28 tuần, bị khiếm thính, chậm phát triển tinh thần nên dù đã 6 tuổi nhưng thể trạng chỉ như trẻ 3 - 4 tuổi. Bé mới đi học trường mầm non được khoảng 2 năm nay.

Do đó, PGS.TS Dũng khuyến cáo cha mẹ không nên cho trẻ ăn thạch, bởi thạch không phải là món ăn bổ béo, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đe dọa đến tính mạng trẻ. Với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, cha mẹ cần tuyệt đối cấm trẻ ăn thạch, bởi chỉ cần một chút sơ suất có thể phải trả giá bằng chính mạng sống của trẻ.

Nếu thấy trẻ đang chơi hoặc đang ăn bỗng bị ho sặc sụa, ngưng thở, tím tái, mắt trợn ngược, cần nghĩ ngay đến việc trẻ đang bị hóc dị vật đường thở. Khi đó, người lớn cần lập tức dốc ngược đầu trẻ xuống đất (hoặc cho trẻ nằm vắt ngang trên đùi người lớn, bụng chèn vào đùi để đầu dốc xuống đất) rồi dùng tay vỗ mạnh vào lưng để dị vật qua khỏi thanh môn hoặc tạo khe hở để trẻ dễ thở hơn. Sau đó, cần đưa trẻ đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất.

Cha mẹ tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ hay vuốt cổ, vuốt ngực trẻ vì các hành động này có thể khiến dị vật càng vào sâu bên trong hoặc làm trầy xước vùng họng, gây phù nề càng làm trẻ khó thở hơn.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cảnh báo, trẻ bị hóc dị vật nào cũng đáng sợ nhưng hóc thạch nguy hiểm gấp bội phần. Bởi miếng thạch vốn mềm, khi trôi xuống đường thở dễ dàng thay đổi hình dạng, ôm chặt, bịt kín lấy đường thở của trẻ, khiến bệnh nhi nhanh chóng ngạt thở, thậm chí tử vong ngay lập tức.

Có trẻ bị hóc thạch dù đã bác sĩ đã đặt nội khí quản, gắp thành công miếng thạch ra khỏi đường thở nhưng vẫn không thể trả lại sự sống bình thường cho các bé, do dị vật thạch thường bịt kín đường thở, trẻ bị thiếu oxy lâu, não bị ảnh hưởng.

PGS.TS Dũng cho biết thêm, trong những năm qua, khoa Nhi đã tiếp nhận hàng chục ca trẻ hóc thạch nhưng đến nay mới chỉ duy nhất một ca được cứu sống thành công, trẻ sống mà không để lại di chứng. Bệnh nhi may mắn đó là bé Lương Hữu Nghĩa, 14 tháng tuổi ở Bắc Giang, được khoa Nhi cứu sống vào tháng 12/2012.

Mai Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI