Bé 2 tháng tuổi bị nhà nội 'giữ chặt'

04/04/2015 - 06:58

PNO - PN - “Gần 10 ngày nay, con gái tôi không được gặp con vì nhà chồng bỗng dưng bán nhà, chuyển đến ở nơi khác mà nó không hề biết. Cháu tôi mới 2 tháng tuổi không được bú mẹ, trong khi mẹ nó ngày thì ngược xuôi tìm con, đêm về...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chiều 1/4, chúng tôi tìm đến nhà bà N.C. để tìm hiểu sự việc. Khuôn mặt N.D. (SN 1994, con gái bà N.C.) - người mẹ có đứa con hai tháng tuổi đờ đẫn, mắt sưng mọng, giọng nghẹn ngào: “Tôi nhớ con lắm, đêm đêm cứ phải vắt sữa bỏ đi, nghĩ đến con đang khát sữa, tôi không cầm lòng được…”.

D. kể, tốt nghiệp phổ thông, D. theo học một trường cao đẳng tại TP.HCM, được một năm thì D. quen S. (SN 1989). Do hai gia đình là hàng xóm, cha mẹ cũng biết nhau nên hai người càng thêm gắn bó. Đầu năm 2014, D. và S. kết hôn. Sau đám cưới, vợ chồng D. ở chung với cha mẹ chồng. Một thời gian sau, D. có thai và quyết định nghỉ học để chăm lo cho con. Cuộc sống của D. và S. khá yên bình.

Tháng 1/2015, D. sinh con. Từ đó, vợ chồng bắt đầu mâu thuẫn. “Vợ chồng tôi thường cãi nhau bởi những vấn đề nhỏ, chồng tôi rất nóng tính nên khi mới sinh con được gần một tháng, anh ấy đã nắm tóc, lôi đầu tôi, may mà có hàng xóm can thiệp nên tôi mới không bị đòn”, D. kể.

Theo D., do những bất đồng không thể hàn gắn nên ngày 21/3, D. đề nghị ly hôn. “Chồng tôi yêu cầu muốn ra khỏi nhà thì phải viết trong đơn đồng ý để cho anh ấy nuôi con. Khi đó vì tôi quá ức chế nên đã làm theo và cả hai vợ chồng cùng ký đơn. Tôi nộp đơn thì tòa án nói đơn không hợp lệ vì em bé dưới 12 tháng tuổi, chỉ có mẹ được ký đơn nên hướng dẫn làm lại đơn khác. Tôi làm lại đơn khác, thay đổi nội dung là tôi muốn nuôi con và đã nộp lên tòa”, D. cho biết.

Nghe D. kể, ông N.T. (bố D.) bức xúc cho biết thêm: “Con gái tôi về nhà ngoại hai tuần nay, mẹ một đằng, con một nẻo, ngày nào nó cũng sang cho con bú nhưng năm-sáu ngày gần đây, nhà họ chuyển đi nơi khác. Tôi phải dò hỏi mãi mới biết chỗ ở mới của nhà thông gia. Trước đó, tôi cũng có sang xin gia đình họ cho con gái tôi được phép nuôi con vì cháu còn bú mẹ. Khi nào cháu cứng cáp thì hai gia đình tính tiếp, nhưng họ không đồng ý.”

Be 2 thang tuoi bị nhà nọi 'giũ chạt'

D. kể lại sự việc

Chiều cùng ngày, phóng viên báo Phụ Nữ đi cùng cán bộ Hội Phụ nữ tìm đến nhà chồng của D. để tìm hiểu sự việc. Khi đề cập đến chuyện D. muốn nuôi con vì cháu còn quá nhỏ, mẹ của S. thản nhiên nói: “Giờ một tháng sinh con ra là họ không cho bú rồi, nhà tôi dư điều kiện để nuôi cháu, nuôi năm đứa một lúc cũng được. Từ khi nó (D. - PV) về đây, nó chưa kiếm được một đồng nào, nó không nuôi nổi bản thân thì làm sao nuôi con. Giờ nó tự ý ra khỏi nhà thì không bao giờ được quay lại nữa”.

Mẹ S. cho biết thêm: “Một ngày hai lần, D. muốn cho con bú thì qua chứ để vài ngày mới sang thì chúng tôi không đồng ý vì sợ con bé đi ngoài. Khi hai vợ chồng nó cãi nhau, chuyện thằng S. chửi bố mẹ vợ là có, nhưng mình là đàn bà… phải chịu nhịn tí…”.

Trao đổi với PV về trường hợp này, luật sư Lê Quang Vũ (Văn phòng LS Vì người nghèo) khẳng định: nếu không thể tiếp tục chung sống với chồng, chị D. có quyền nộp đơn xin ly hôn đến tòa án nơi vợ chồng đang cư trú yêu cầu ly hôn và giành quyền nuôi con. Đồng thời, chị D. có quyền nộp đơn yêu cầu tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo khoản 1, điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự buộc chồng là anh S. phải giao trẻ hai tháng tuổi cho mẹ là chị D. nuôi dưỡng trong thời gian chờ tòa giải quyết vụ án.

Về quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con sau ly hôn, theo điều 81, điều 82 Luật Hôn nhân gia đình 2015, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có tự nguyện thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Người không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng và được quyền thăm con.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng: hiện tại đứa trẻ chỉ mới hai tháng tuổi nên rất cần được chính mẹ ruột của trẻ chăm sóc và nuôi dưỡng. Trẻ em có thể sử dụng nhiều nguồn dinh dưỡng nhưng sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ, do đó, mẹ đứa trẻ có quyền được chăm sóc và nuôi dưỡng con ruột của mình, đó là quyền chính đáng và hợp pháp. Chị D. có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm hoặc buộc thực hiện một số hành vi nhất định (điều 115, Bộ luật Tố tụng dân sự) nhằm buộc gia đình chồng phải giao trẻ hai tháng tuổi để chị chăm sóc theo đúng quy định pháp luật.

MAI PHAN 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI