Bé 13 tháng bị nhiễm khuẩn vùng bỏng, khi nhờ thầy lang đắp thuốc chữa bỏng

18/12/2024 - 16:44

PNO - Bị cốc nước sôi đổ lên tay, bé 13 tháng được người thân đưa tới nhà thầy lang đắp thuốc, khiến vết bỏng bị tổn thương nặng kèm nhiễm khuẩn.

Bác sĩ kiểm tra lại vết thương cho bé K. - Ảnh: Hoàng Yến
Bác sĩ kiểm tra lại vết thương cho bé K. - Ảnh: Hoàng Yến

Ngày 18/12, khoa Chấn thương - Bỏng, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi 13 tháng tuổi bị bỏng nước sôi độ 2, độ 3 kèm nhiễm khuẩn do đắp thuốc thầy lang.

Hơn 1 tuần trước, bé H.Đ.K (13 tháng tuổi, trú tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) không may bị cốc nước sôi vừa rót đang chờ để pha sữa đổ lên bàn tay trái.

Sau khi phát hiện sự việc, người thân quyết định đưa K. đến nhà một thầy lang trong vùng để chữa mẹo thay vì đến bệnh viện.

Sau khi thăm khám, vị thầy lang này dùng loại thuốc dân gian (giống lông động vật) đắp lên vùng bị bỏng. Đắp thuốc xong, tình trạng của bé K. không những không được cải thiện, mà ngày càng nặng thêm. Thấy con liên tục khóc vì đau, gia đình mới đưa con tới Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để điều trị.

Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhi bị bỏng nước sôi độ 2, độ 3. Vùng bị bỏng đã bị nhiễm khuẩn. Bệnh nhi sau đó được các bác sĩ làm sạch tổn thương, thay băng đắp thuốc điều trị bỏng.

Bác sĩ Thái Văn Bình - Trưởng khoa Chấn thương - Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An - cho biết, dù đã có rất nhiều cảnh báo về các biến chứng nặng nề có thể gặp phải khi điều trị bỏng theo kinh nghiệm dân gian, tuy nhiên vẫn nhiều gia đình tự ý điều trị cho con tại nhà, dẫn đến các hậu quả đáng tiếc.

“Có nhiều bệnh nhi nếu được đưa đến bệnh viện kịp thời khi mới bị bỏng, sơ cứu tốt thì việc điều trị sẽ đơn giản hơn, và cũng đỡ tốn kém tiền bạc, thời gian của gia đình.

Tuy nhiên, do gia đình đưa đến bệnh viện muộn, vùng bỏng bị nhiễm trùng nặng đã hoại tử sâu, việc điều trị phức tạp hơn, có khi còn phải phẫu thuật nhiều lần và để lại di chứng cho trẻ sau này”, bác sĩ Bình nói.

Bác sĩ Bình khuyến cáo, khi trẻ bị bỏng, việc đầu tiên là cách ly khỏi tác nhân gây bỏng. Sau đó, dùng nước lạnh ngâm, xả nhẹ từ 15-20 phút để làm dịu vết bỏng. Không dùng đá lạnh để chườm vào vết bỏng vì sẽ gây bỏng lạnh, tăng độ sâu của vết thương.

Nếu có băng gạc sạch thì băng phần da bị bỏng, nếu không có thì dùng vải sạch để bảo vệ phần tổn thương rồi đưa trẻ đến bệnh viện điều trị.

Tuyệt đối không bôi kem đánh răng, trứng gà, nước mắm… hay bất kỳ thứ gì khác để tránh gây nhiễm trùng vết bỏng.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI