Ý chí đó đủ để cậu thiếu niên Nguyễn Mạnh Quyền vượt qua những rào cản về kinh tế, suy nghĩ, định kiến của cha mẹ… trở thành một trong những gương mặt BBoy nổi tiếng của hip hop Việt Nam.
Phóng viên: Mạnh Quyền ngày bé chắc phải bướng bỉnh, cá tính lắm mới dám cãi lời cha mẹ, ra công viên học lóm các nhóm nhảy?
BBoy Nguyễn Mạnh Quyền: Thuở nhỏ, tôi thuộc hàng siêu quậy - rất lì và bất chấp, thích gì làm nấy. Cha mẹ tôi cấm vì cho rằng, những người nhảy múa ngoài đường phố không phải là người tốt; nhưng tôi lại bị cuốn hút vào những bước nhảy. Ra công viên học nhảy, tôi dần nhận ra, sự lựa chọn của mình là đúng. Khi đó tôi nghĩ, nhảy múa cũng là một hình thức vận động, có thể thay những môn thể dục, thể thao khác. Rồi tôi hiểu thêm, ngoài rèn luyện thể lực, sức khỏe, nhảy múa còn giúp tôi phát triển tư duy nghệ thuật, tư duy về hình thể và đặc biệt là cách nhìn, cảm nhận về cuộc sống xung quanh.
Nhảy múa có khả năng kết nối rất đặc biệt. Người ta không cần dùng ngôn ngữ, chỉ cần nhảy múa với nhau là có thể kết bạn.
|
Xuất hiện trong vai trò vũ công hay vũ công kiêm biên đạo, Mạnh Quyền luôn mang lại nhiều bất ngờ thú vị cho người xem |
* Từ học lóm đến nhảy múa chuyên nghiệp là một chặng đường dài. Điều gì đã giúp bạn thuyết phục cha mẹ?
- Tôi cũng không nhớ cha mẹ đã thay đổi và chấp nhận từ khi nào, chỉ nhớ mình rất lì, quyết tâm, nhưng cũng biết “nịnh” cha mẹ. Tôi không cãi cha mẹ theo kiểu “sao ba mẹ không hiểu, không tin tưởng con”. Tôi cố gắng chứng minh, nhờ nhảy múa mà tôi trưởng thành hơn trong cách suy nghĩ, cách ứng xử với mọi người trong gia đình. Từ một đứa ham chơi, “tự nhiên” một ngày tôi biết rửa chén, biết dọn dẹp nhà cửa, học tốt hơn.
Dù vẫn không đồng ý việc tôi nhảy múa, cha mẹ dần bớt rầy la, bớt cấm cản. Ngày đó, tôi chỉ biết làm theo bản năng; giờ tôi mới hiểu, người lớn thuộc thế hệ khác, suy nghĩ theo cách riêng và dù có nghĩ theo hướng nào thì cha mẹ cũng chỉ mong điều tốt nhất cho con cái. Tôi cố chứng minh bằng hành động. Thể lực tôi tốt hơn, học tập cũng tốt hơn và được cấp học bổng suốt ba năm trung học phổ thông. Dần dần, cha mẹ tôi đã tin tưởng và tôi được tự do bay bổng với ước mơ.
* Và bạn lại rất “lì” khi dám bay vào Sài Gòn với cái túi nhẵn tiền tham dự cuộc thi Got to dance?
- Lúc đó tôi như kiểu “điếc không sợ súng”, đi thi bằng đam mê và khát khao học hỏi mà không kịp nghĩ gì khác. May mắn là ở Got to dance lẫn Thử thách cùng bước nhảy, tôi được đơn vị tổ chức lo từ A-Z, được phát cả tiền ăn và tiền tiêu vặt.
Sau này, cách làm game show thay đổi, thí sinh chỉ được hỗ trợ một phần. Tôi không than thở, không so bì. Tôi biết mình không có điều kiện kinh tế, nhưng tôi có sức lực, tuổi trẻ, có chất xám, có bạn bè và cả một ê-kíp ủng hộ. Nhảy múa đã giúp tôi tư duy tích cực hơn. Mỗi ngày thức giấc với mục tiêu đang chờ mình hoàn thành, cuộc sống sẽ thú vị hơn, nhiều động lực hơn. Khi phải tự lo nhiều thứ, tôi lại được học và có thêm nhiều kỹ năng mới, biết chủ động trong từng tiết mục và điều thú vị nhất là tôi có thêm những người bạn mới.
* Giải quán quân cuộc thi Tinh hoa hội tụ của bạn không nằm ngoài dự đoán của khán giả. Bạn đã rất liều lĩnh khi lấn sân sang xiếc đu dây, xiếc kungfu.
- Cuộc thi chỉ có 13 tuần, nhưng ngay khi đăng ký tham gia, tôi đã tự lên hành trình mình phải đi qua. Tôi may mắn có những người thầy, người bạn và những cộng sự tốt, sẵn sàng “điên” cùng tôi. Chắc chắn tôi sẽ không làm được gì nếu không có họ. Thú thực, tôi từng có chút dao động khi tập biểu diễn kungfu. Nhưng thầy dạy kungfu khẳng định, chỉ cần quyết tâm và cố gắng tập luyện, tôi sẽ làm được.
Quyết tâm, nhưng không làm liều; tôi tập luyện từng bước và theo dõi sức chịu đựng của bản thân, không ép mình phải tập luyện quá sức. Tôi vẫn hay đùa mình là “trẻ trâu chuyên nghiệp”. Tôi không liều đến mức có thể ảnh hưởng đến tương lai và sự nghiệp. Bí quyết của tôi đơn giản chỉ là có thầy tốt, tập luyện khoa học. Tôi cho rằng, sự cân bằng trong cuộc sống là điều rất quan trọng. Khi cơ cứng quá, phải giãn ra để linh hoạt hơn; làm nhiều quá, phải nghỉ ngơi. Cân bằng để giữ tâm lý vững vàng, đừng để những điều tiêu cực ảnh hưởng tâm trạng, suy nghĩ.
* Nhiều người nhận xét Mạnh Quyền dường như không có giới hạn khi làm việc, nên từng quá tải đến mức vừa ngủ vừa chạy xe?
- Vài lần, trong tình trạng “quá tải”, tôi nhận ra bộ não tôi khỏe hơn thể trạng. Hạ năng suất của não có lẽ khó hơn so với tăng thể lực, nên tôi chọn luyện tập để có sức khỏe dẻo dai hơn. Một ngày làm việc căng thẳng, có thể không có giờ nghỉ trưa, nhưng tôi vẫn sắp xếp để có ít nhất 15 phút thả lỏng hoàn toàn cơ thể lẫn tâm trí. Mỗi tối, trước khi ngủ, tôi đều luyện hít thở để điều tiết hơi thở và nghe nhạc thư giãn khi ngủ.
Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất ở mỗi con người là khả năng nhận thức: nhận thức được mình là ai, đang ở đâu, nhận thức được sức khỏe, tiếng nói của cơ thể mình… Khi nhận thức được, mình sẽ tìm cách để điều chỉnh và cân bằng.
* Ngoài nhảy múa, sau Tinh hoa hội tụ, bạn còn được đánh giá rất cao ở khả năng biên đạo.
- Năm 2015, mang số tiền thưởng từ cuộc thi Thử thách cùng bước nhảy vào Sài Gòn, tôi không nghĩ mình vào chỉ để tìm cơ hội đi show kiếm tiền. Tôi muốn đầu tư cho tương lai, muốn nhảy múa giỏi hơn, hiểu biết nhiều hơn về nhảy múa. Năm đầu, tôi gần như không tìm được việc làm, nhưng được học rất nhiều, được luyện tập với giáo viên nước ngoài khi gia nhập nhóm UDG. Khi đó, tôi không nghĩ sẽ có ngày mình trở thành biên đạo, nhưng tôi vẫn muốn được học mọi thứ…
Gia nhập nhóm trễ nên tôi càng phải cố gắng để theo kịp mọi người. Mỗi buổi tập, tôi luôn đến sớm hơn từ 1-2 tiếng để xem kịch hài, xem video nhảy của các vũ công nước ngoài và tìm nhạc để dành làm tư liệu. Tôi có thể xem đi xem lại nhiều lần một tiết mục nhảy múa để “nghiền ngẫm” từng chi tiết - từ động tác, cách sắp xếp đội hình đến sự phối hợp giữa ngôn ngữ hình thể và cảm xúc… Lúc đó, việc đến sớm là cách để tôi tự tạo hứng khởi và tinh thần sẵn sàng bước vào buổi tập. Về lâu về dài, thói quen đó giúp tôi có thêm kiến thức về kỹ thuật nhảy múa lẫn phong cách dàn dựng, biên đạo.
Khi chuyển sang làm biên đạo, tôi đặt mục tiêu được như thầy của tôi - John Huy Trần và các anh chị đi trước. Biên đạo phải thể hiện được cá tính, cảm xúc và truyền được cảm hứng cho vũ công trong tiết mục chứ không phải chỉ là người “xếp hình” cho đội múa. Một tác phẩm múa phải gửi gắm được một thông điệp cho cuộc sống, cho khán giả. Để đạt được điều đó, tôi vẫn đang từng ngày học hỏi, quan sát, lắng nghe để hiểu cuộc sống.
* Giành nhiều thành công chỉ sau hơn 3 năm vào Sài Gòn lập nghiệp, bạn có thấy mình quá may mắn?
- Ngày mới vào Sài Gòn, ly cà phê 10.000 đồng tôi cũng không dám uống. Hôm nay, có thể uống một ly cà phê giá 50.000 đồng, tôi xem đó là may mắn mà công việc nhảy múa đã mang lại cho mình. Quan trọng hơn, tôi có niềm tin vào bản thân và đủ ý chí để tự khẳng định mình, đi lên bằng chính đôi chân của mình. Tôi không phủ nhận mình may mắn, nhưng để có được sự may mắn đó là cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu.
Tôi đã đi được rất xa, nhưng vẫn hiểu những kiến thức, kỹ năng tôi đang có là chưa đủ. Xã hội, thế giới luôn thay đổi, tư duy của con người cũng đổi thay và tôi phải học hỏi không ngừng, mở rộng tầm mắt để tiếp nhận cái mới. Trong chặng đường tiếp theo, bất kỳ thất bại nào tôi gặp trên đường đi cũng là giới hạn mới tôi phải vượt qua.
* Cảm ơn bạn.
Thảo Vân (thực hiện)