Bẫy "việc nhẹ lương cao" đang rộ lên ở châu Á

30/08/2022 - 06:08

PNO - Rất nhiều người nghèo từ khắp châu Á đang bị các băng nhóm tội phạm lừa đảo để đẩy vào buộc làm việc trong các trung tâm, sòng bạc. Hầu hết nạn nhân đến từ Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Indonesia… thậm chí cả người Kenya, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc).

Bẫy tinh vi của bọn buôn người

Những nạn nhân thường rơi vào bẫy từ các bài đăng tuyển dụng “việc nhẹ lương cao” trên mạng xã hội, hoặc những lời dụ dỗ qua Facebook từ một người quen, hứa hẹn lương thưởng cao ngất cho công việc ở nước ngoài mà phần lớn là trong lĩnh vực bán hàng trực tuyến.

Khi đã ngây thơ tin tưởng vào lời chào mời và rời quê nhà để đi làm việc, hầu hết những người này lập tức rơi vào một cái bẫy của nạn buôn người tàn nhẫn. Đó là những kẻ buộc họ phải quay lại lừa đảo chính đồng bào của mình nếu không sẽ bị đánh đập hoặc bị bán cho một nhóm tội phạm khác. 

Nạn nhân của nạn buôn người thường bị các băng nhóm lừa đảo dụ dỗ với những hứa hẹn về những công việc có lương cao trong sòng bạc - Ảnh: AFP
Nạn nhân của nạn buôn người thường bị các băng nhóm lừa đảo dụ dỗ với những hứa hẹn về những công việc có lương cao trong sòng bạc - Ảnh: AFP

Châu Á đang nằm trong tầm ngắm của “đại dịch” lừa đảo, tập trung ở những sòng bạc vùng biên giới ở Campuchia. Nhiều người khi đã sa chân thì phải trả giá bằng sự cơ cực, bằng số tiền tiết kiệm được, sau đó là đi lừa lại người khác. Các chuyên gia lo ngại có đến hàng chục ngàn người có thể bị bắt giữ bởi các băng nhóm lừa đảo, bị lợi dụng để thực hiện vô số cuộc gọi mỗi ngày nhằm dụ dỗ người khác.

Ah Dee là một trong những nạn nhân ở Hồng Kông (Trung Quốc) rơi vào tình trạng này. Chàng trai 30 tuổi bị lừa khi trả lời một quảng cáo trên Facebook với lời chào mời mức lương lên đến 50.000 HKD mỗi tháng cho một việc làm về quảng cáo ở Thái Lan. Nhưng thực tế, anh bị đưa vào một chiếc xe hơi và chở đến Myanmar, nơi anh được yêu cầu trả 10.000 USD tiền chuộc hoặc phải làm công việc lừa đảo qua mạng.

“Tôi cố gắng tìm cách trốn đi” anh nói với tổ chức từ thiện STOP ở Hồng Kông. “Tôi không thể làm việc cho họ. Lừa đảo là bất hợp pháp”, anh kể.

“Gia đình đã phải vay tiền để cứu lấy tôi” - Wan, một công dân Thái Lan, bị cuốn hút bởi lời hứa về mức lương 1.500-2.000 USD/tháng khi làm việc trong sòng bạc trực tuyến ở biên giới Campuchia - cho biết. Wan kể anh đã được trả tự do một tháng sau đó sau khi đã trả vài ngàn USD mà mình kiếm được cùng với số tiền gia đình gửi chuộc. 

Vấn đề của khu vực

Theo các nguồn tin, người bị lừa thường bị giám sát bởi mạng lưới lừa đảo trong các khu phức hợp rộng lớn. Theo cảnh sát Thái Lan, phần lớn khách sạn ở Campuchia đã bị chuyển đổi thành các trung tâm tổng đài lừa đảo. Các tầng là nơi ở của những người thuộc các quốc tịch khác nhau, làm công việc dụ dỗ những người đồng hương ở nước họ. “Các chiêu trò của chúng bao gồm chào mời đánh bài trực tuyến, đầu tư tiền điện tử, cho đến đóng giả cảnh sát gọi vào số điện thoại nào đó hù dọa đối tượng là đã vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển tiền để được giúp đỡ”, Wan tiết lộ.

Ông Surachate Hakparn - cảnh sát Thái Lan - cho biết nước này đã đưa 900 người từ Campuchia về vào cuối năm ngoái. Jeremy Douglas - thuộc Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Ma túy và Tội phạm khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương - nhận định: “Vấn nạn này đang trở thành một vấn đề khu vực. Các sòng bạc hoạt động ở các khu vực biên giới và đặc khu kinh tế. Do du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch nên các nhóm tổ chức đã chuyển sang kinh doanh lĩnh vực công nghệ và trực tuyến…”. Theo thống kê của cảnh sát, có khoảng 10.000 người Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan ở Campuchia; trong khi hàng trăm người Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines đã được giải cứu.

Dưới áp lực ngoại giao, Campuchia cho biết họ sẽ sớm đưa ra kế hoạch trấn áp các băng nhóm tội phạm. Ngày 21/8, Kheang Phearum - người phát ngôn chính quyền tỉnh Sihanoukville - cho biết nhà chức trách đang tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm soát để đối phó với tình trạng buôn người, nhắm vào những băng nhóm tội phạm lừa gạt người nước ngoài tới quốc gia này lao động trái phép. Nhà chức trách đã lập đường dây nóng bằng tiếng Khmer, tiếng Trung Quốc và tiếng Anh để các nạn nhân trình báo, đồng thời cam kết giúp đỡ, giải cứu các nạn nhân bất kể quốc tịch nào. 

Trọng Trí (theo SCMP, Khmer Times)
 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI