Bay trên lưng lạc đà

30/06/2024 - 06:56

PNO - 'Lạc đà bay' là tên tập truyện ngắn mới nhất của Võ Đăng Khoa - một tác giả vẫn còn trong độ tuổi đôi mươi nhưng có đôi mắt của một người từng trải, đã nhìn thấy ở cái hiện thực thô ráp tưởng chừng bất biến kia những xung động đòi hỏi sự nhạy cảm của người viết.

Sự chín chắn trong ngòi bút của Võ Đăng Khoa đã được nhà văn tiền bối Nguyễn Ngọc Tư công nhận. Trong lời bạt ở bìa 4, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã nhận xét văn chương của Khoa “Chững chạc, tự tin, tưởng tượng phong phú, tinh tế trong chi tiết, đọc Lạc đà bay không có cảm giác đây là tập truyện đầu tay của một tác giả vừa mới bước qua tuổi 20".

10 truyện trong Lạc đà bay (Nhà xuất bản Trẻ) kể về những phận đời, phận người được đặt vào những tình huống éo le, mang trong mình nội tâm u uất. Không chỉ làm cho độc giả cảm thấy xót xa mà những trang viết của Khoa còn khiến họ suy ngẫm về cái đẹp của cuộc sống, đi cùng cái trớ trêu của kiếp người.

Thông qua những bi kịch này, tác giả vẽ ra một tương lai bất trắc, đầy biến động nhưng không bi lụy hay bi quan. Dưới từng đôi mắt, từng mảnh đời của các nhân vật, độc giả có thể thấy lấp lánh thông điệp hy vọng, rằng cuộc đời có thể khổ đau, thiên nhiên có thể hung bạo, lòng người có thể đa đoan nhưng con người vẫn kiên cường sống, kiên cường yêu thương bằng những khao khát đầy bản năng.


Mỗi nhân vật trong Lạc đà bay đều được tác giả vẽ bằng những nét riêng thật độc đáo nhưng đều gặp nhau ở chỗ định mệnh của họ chìm vào những biến động không tránh khỏi của cuộc đời. Một cuộc đời thật ngắn ngủi, thoáng qua, như cách ta lướt tới dòng cuối của một truyện mà đôi khi vẫn tần ngần không rõ đã đi đến kết hay chưa. Như đứng trên bến sông, nhìn mênh mông biển nước và tự hỏi lòng ngoài miền nước kia còn có một nơi chốn khả dĩ nào khác hay chăng.

Trong truyện Đất nở, Khoa đã mượn giấc mơ “đất nở” để thể hiện sự bí bách của cuộc sống, của con người. “Đất” được coi như một biểu tượng cho những điều quan trọng và tốt đẹp nhất trong cuộc sống nhưng bị lãng quên và bỏ lại sau lưng để rồi nhận ra rằng, chúng ta không nên lãng quên những điều quan trọng và tốt đẹp, đừng để khi chúng mất đi mới nhận ra giá trị của chúng.

Tựa hồ những con người ở địa danh Cuối Bãi trong truyện ngắn cùng tên. Họ đón một cơn gió báo tết, chờ một con nước, đợi những chuyến đò chở người về từ khu công nghiệp như chờ đợi một thứ hạnh phúc sum vầy ngày càng hiếm hoi. Và thoảng trong làn gió báo tết ấy, hẳn chừng có vị mặn của nước mắt”.

Không phải nhân vật nào trong Lạc đà bay cũng gặp may mắn, hạnh phúc. Trạng thái chờ mong, hướng về một tương lai mù mịt có thể dễ dàng thấy được qua các trang viết. Nhưng không vì thế mà thế giới quan của tác giả nhuộm màu ảm đạm. Đó còn là những dự phóng, những khả năng về sự quy hồi, như sự trở lại của con nước “mùa nổi năm sau” để thấy “gợn nước làm xôn xao đôi mắt cha tôi, khi bóng người về khuấy nước trước sân”.

Với giọng văn dung dị, mộc mạc, đậm chất miền Tây Nam Bộ, Khoa đã gửi cái tình của con người đồng bằng qua những hình ảnh rất đỗi thân quen như dòng sông, bến nước, con đò... Nhưng, tính vùng miền đó không hề lớt phớt, dùng để tạo không khí hay được sử dụng như một thứ “đặc sản” địa phương.

Trên nền địa lý đặc trưng sông nước, Khoa đã không biến nó thành một vùng đất chết, với không gian cảnh cũ người quen, với những mòn sáo quẩn quanh trong vài ba mảnh đời bi thương cốt gây nước mắt. Trái lại, bằng tài năng, anh cho thấy đất ấy vẫn đủ dưỡng chất để nuôi dưỡng một thế giới văn chương đầy tiềm năng.

Ngân Chung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI