PNO - Dù là vợ chồng đầu ấp tay gối thì có tới chết cũng chưa chắc hiểu thấu ruột gan nhau…
Thoa nói Hòa bị bốc hơi mà không ai chịu tin. Kiểu như đá lạnh để ngoài trời nắng vậy. Mới cầm đó, vuốt nghe mát rượi, quay đi ngó lại đã vô tăm tích.
“Con nhỏ này so sánh nghe tức cười, chồng mày là con người có phải đá lạnh đâu. Thằng Hòa mà bốc hơi thì đàn ông xứ này xứng đáng không còn một ngoe”. Ðám chị em bạn dâu cười rộ khi thấy bộ dạng lóng ngóng của Thoa. “Vợ chồng son nó vậy, còn tụi này, không thấy mặt chồng hai ba ngày liền hoặc hơn cũng là chuyện bình thường, có khi còn thấy khỏe người ra”. Người chị dâu bà con chú bác với Hòa sỗ sàng đế thêm: “Như con gà con vịt vậy, tới chiều không thấy nó về chuồng thì một là nó mê mồi nơi khác, hoặc may mắn hơn thì bị diều tha quạ bắt, làm gì có chuyện bốc hơi như thím nói!”.
“Nhưng em kiếm hết rồi, không thấy ảnh đâu, không phải bốc hơi thì là gì?”. Thoa ráng neo ý nghĩ về Hòa với đám chị em chồng đang tụ tập bên hàng rào dâm bụt. Ðược hồi lâu, đâm nản sự cứng đầu của Thoa nên mạnh ai nấy tản về nhà để “lo cơm nước cho thằng chả, chắc đi ruộng cũng sắp về”, trái ngược với giọng điệu cách đây ít phút khi nói về chồng mình.
“Mày có kiếm trong buồng của mấy đứa con gái xóm trên chưa mà dám chắc?”. Ba chồng Thoa ngồi vót mớ câu cắm cá lóc trước cửa gằn giọng khi thấy Thoa trở vào nhà. Hòa từng kể với Thoa, mớ cần câu này năm nào tới mùa chướng ba cũng đem ra vót tới vót lui sau nhiều năm biệt dạng. Thoa chưa kịp trả lời, mẹ chồng đã chen ngang: “Kệ nó đi con, rã cẳng thì cũng lết về, như ba mày hồi đó”. Thoa không hiểu mẹ nói Hòa giống ba ở vụ bốc hơi hay vụ ở trong buồng, hoặc cũng có thể là cả hai.
Lúc nửa đêm, khi choàng tay về phía quen thuộc Thoa thấy trống không. Vết gối vẫn còn lõm, hơi ấm của Hòa vẫn còn vương vấn trên lược gương, giường chiếu. Trong mơ màng, Thoa nghĩ chắc Hòa vừa ra ngoài đi giải phóng bàng quang khỏi mớ bia bọt ở đám cưới đầu hôm. Thiếp đi được một lúc, tiếng ho khúc khắc của ba chồng vang lên ở bộ phản nhà trước khiến Thoa lại tỉnh giấc. Lần này tỉnh hẳn vì vẫn chưa thấy Hòa trở vào buồng. Thoa khẽ khàng bước xuống giường rồi rón rén mở cửa sau, bước ra sân. Trời vẫn còn tối đen. Mớ rơm rạ ngoài đồng bị máy cắt vun thành vô số luống chạy thẳng tắp suốt cả khoảng đồng xa. Mấy chục bao lúa hồi chiều Hòa vác vào xếp ngay ngắn sát bên vách nhà, bên trên phủ tấm ni-lông được chằng buộc kỹ lưỡng phòng trận mưa sót vào cuối mùa, như tánh Hòa trước nay vốn cẩn thận vậy. Không thấy Hòa quanh quẩn đếm đi đếm lại từng bao như vụ trước. Có tiếng đờn ca nhừa nhựa qua loa thùng kẹo kéo từ ngoài xóm văng vẳng vọng về. Nhịp nhàng đều trật lất. Hòa đời nào chịu ngồi chung với đám đó.
Trước nữa, hôm rằm tháng Chạp, Hòa bắc ghế tước đám lá trên cùng của cây mai. Vừa tước Hòa vừa dặn tới dặn lui Thoa lúc quét sân, nhớ nhìn trước ngó sau coi chừng làm gãy mấy nhánh thế phía dưới gốc. Trưa nhớ đuổi đám gà hàng xóm ngứa mỏ mổ thử mấy cái búp non đầu cành. Chiều có đốt rác cũng nhớ đem xa xa về hướng dưới gió mà đốt, mai tết mà ám khói thì se mình khó trổ bông một lượt. Bữa đó, Hòa còn nói tràng giang đại hải về cây mai, nhưng Thoa chỉ nhớ hình như mình từng trề môi và nói như ghen: “Ðằng nào thì tết cây mai cũng trổ bông!”. Hòa có dừng tay lại, nhìn Thoa bằng cặp mắt khó chịu. Thoa mong mình nhớ lầm. Vì chẳng lẽ Hòa trọng mai hơn vợ.
Trừ giọng hát nghe được, còn lại, ba chồng nói Hòa không có chút nào giống mình. Mắt ba hai mí rành rành, tóc xoăn nhẹ bồng bềnh lãng tử, không chỉ hát hay mà còn thủ luôn ngón đờn điêu luyện. “Còn thằng Hòa mắt một mí y như tài tử phim Hàn, nông dân rặt gì mà lúc nào tóc tai cũng mướt rượt, chỉ được cái giọng hát!”. Nói tới đây, ba chồng khẽ liếc mắt về hướng má, thấy không phản ứng gì, ổng yên tâm nói tiếp: “Hồi còn trẻ, tao vắng nhà vài tháng là chuyện bình thường. Má bây có đời nào thắc mắc hay ghen tuông gì đâu. Ðàn ông mà, có bay nhảy đó đây mới thỏa chí lớn”.
“Ờ, chí của ông lớn lắm, lớn tới nỗi lòi thêm một đứa ở đầu doi sông chớ đâu xa”. Má chồng đột ngột vọt miệng. “Mà sao ổng biết tui không ghen?”.
“Ờ, thì…”. Ba chồng ngắc ngứ, ôm bó cần câu đi tuốt ra ngoài bờ đìa, ngắm nghía đồng xa đất gần.
Phải chăng Hòa khéo giấu khả năng bốc hơi của mình nên chẳng ai hay. Chỉ có má ruột Thoa từng rào đón: “Nghĩ kỹ chưa con, má thấy thằng Hòa chỗ nào cũng được, trừ cái vụ tao lo nó hát ngọt thấu trời đất”. |
“Má kỳ thiệt, không phải lúc nào đi đám má cũng là người đầu tiên giới thiệu “thằng Hòa hát cho bà con nghe” hay sao?”. Thoa cãi bướng với má khi bên nhà Hòa cho hay sẽ sang coi mắt.
“Nếu đã suy nghĩ kỹ thì sau khi cưới, con cũng nên có cách cột chân nó lại, bằng cách nào cũng được, kẻo không…”. Má bỏ lửng vì không nỡ dập tắt niềm vui đang tưng bừng trên mắt môi con gái.
Chiều tánh lo xa của má nên tới đám cưới, Thoa nhanh tay cầm luôn buồng cau, phớt lờ đôi mày nhíu lại của má chồng trong lúc con trai mình lóng ngóng chẳng biết xoay xở ra sao với ốp trầu trên khay. Hình như cái lo của má ruột là thứ dễ lây nên sau khi cưới, Thoa sanh tật phập phồng mỗi khi nghe đám cưới nào đó có đờn ca hát xướng. Những lúc ấy, Thoa lại lắng tai nghe thử có giọng của Hòa không. Nếu đơn ca thì không sao, còn song ca nam nữ thì đêm đó Thoa thức đến khi nào Hòa về tới nhà mới thôi. Không ngủ được, Thoa lại tưởng tượng đủ thứ hình ảnh chập chờn. Khi thì thấy Hòa điệu nghệ đưa mấy ngón tay vuốt tóc cúi chào khán giả ở đám.
Ðáp lại, từ phía bên dưới, có vài cô má chợt ửng hồng, mắt long lanh e thẹn. Khi lại là cảnh Hòa bước xuống những dãy bàn, cầm tay một nữ khán giả mời lên song ca tân cổ giao duyên giữa hàng loạt tràng vỗ tay tán thưởng của quan khách. Cảnh do Thoa nghĩ ra nhưng không tài nào Thoa tìm thấy mình trong đó, dù chỉ là vai một người đi dự đám trễ ngồi nép ở một góc rạp cưới, nhìn lên sân khấu. Thực ra, vài lần hai vợ chồng cũng từng đi đám chung nhưng chưa lần nào đứng hát cùng nhau. Nghĩ cũng lạ, khi có mặt Thoa thì Hòa luôn từ chối mọi lời mời, dẫu chỉ là đơn ca để góp vui. Thoa ca vọng cổ cũng đâu có tệ, hồi hai đứa mới quen Hòa từng nói vậy. Hay là Hòa ngại cho người ta biết mình đã có vợ rồi? Cũng không phải, nguyên xứ này, hình như hồi đám cưới đều có mặt chia vui cùng Hòa và Thoa. Chưa bao giờ Thoa hỏi thẳng với Hòa điều thắc mắc đã cắm rễ trong lòng mình.
Vài chuyện đó chắc cũng không là nguyên nhân khiến Hòa bốc hơi vào giữa khuya như vậy. Ðám vạn thọ Hòa trồng trước sân cũng sắp sửa khoe sắc, Hòa còn nói tết này kêu thợ chụp vài kiểu ảnh cho cả nhà với vạn thọ vàng làm nền phía sau. Vài kiểu thì ít nhất hai vợ chồng phải có chung một kiểu. Thoa nghĩ vậy.
Dù là vợ chồng đầu ấp tay gối thì có tới chết cũng chưa chắc hiểu thấu ruột gan nhau… Câu này là má chồng nói bóng gió xa xôi những lúc Thoa rảnh rỗi việc nhà. Thoa dư hiểu là má nói về người nào trong nhà này. |
Trừ chuyện chưa từng hát chung, chỗ nào của Hòa cũng được - như cách nói của má ruột. Ba má chồng đã lớn tuổi, là con một nên việc đồng áng đều một tay Hòa lo liệu. Chưa bao giờ Hòa lớn tiếng nặng nhẹ, nói gì đến việc động tay động chân với vợ. Bực lắm thì cũng chỉ nhíu mày trừng mắt rồi thôi. Hòa có để bụng không thì Thoa đâu có biết. Dù là vợ chồng đầu ấp tay gối thì có tới chết cũng chưa chắc hiểu thấu ruột gan nhau… Câu này là má chồng nói bóng gió xa xôi những lúc Thoa rảnh rỗi việc nhà. Thoa dư hiểu là má nói về người nào trong nhà này.
Thoa nghĩ mình phải khác má chồng. Bởi không hiểu hết nhưng chắc chẳng ai hiểu Hòa hơn Thoa. Hòa thích ăn canh chua trái giác dù mẹ chồng luôn khăng khăng rằng đàn ông nhà này ai cũng thích món canh chua cơm mẻ. Hòa sức vóc hơn người, đồng áng ruộng vườn quanh năm, ngó chừng cục mịch nhưng lại có tâm hồn lãng mạn không thua nghệ sĩ. Mùa trở bấc, chân Hòa thường nứt nẻ nên Thoa chuẩn bị sẵn kem để bôi cho Hòa đỡ đau. Hòa đi ruộng về, Thoa luôn để sẵn vài trái chanh để Hòa tẩy váng phèn đóng trên tay chân… Còn nhiều chuyện nữa, cả những chuyện thầm kín về sở thích của Hòa vào giữa trưa vắng vẻ cũng chỉ mình Thoa biết và chiều chuộng. Tóm lại, nếu còn sót chỗ nào Thoa chưa hiểu về Hòa thì trên đời này làm gì có người thứ hai hiểu được.
“Nhưng chắc gì thằng Hòa nó cần”. Ba chồng Thoa đâm nổi nóng khi má chồng cằn nhằn chuyện Hòa bốc hơi trong khi may mắn có được người vợ đảm đang. “Vậy nó cần gì ông biết không?”. Má chồng vặn lại. “Nó cần được tháo dây, được bay lên như con diều giữa ruộng, được…”. Má chồng cắt ngang: “Ðược thỏa chí lớn giống ông hồi đó chớ gì? Ờ, diều mà tháo dây bay lên cho cao mấy thì cũng đâm đầu xuống đất. Ðâm xuống chỗ có cây cối còn đỡ chớ đâm vô cái doi đất như ông thì chí lớn chắc còn?”. Biết vợ xách mé mình, ba chồng Thoa nín khe, tiếp tục cắm cúi vào mớ câu cắm của mình.
Cũng có thể lời của ba chồng Thoa lại đúng. Hòa cần được tháo dây và bay lên như diều. Không được thỏa chí nên Hòa bốc hơi, vậy thôi. Nếu vậy, sao Hòa không nói cho Thoa biết sớm. Thoa nghĩ mình cũng chẳng giận hờn hay thắc mắc gì mà sẵn sàng cắt phăng sợi dây vô hình ấy. Bởi Thoa dần dà cảm thấy mình cũng đang có một sợi dây vô hình khác trì níu. Có thể nó đã xuất hiện trong một thời gian dài, trước cả lúc Hòa bốc hơi mà Thoa không để ý. Thoa tình nguyện cắt sợi dây cho Hòa nhưng sợi dây của Thoa thì ai sẽ là người cắt đây? Trước lúc bốc hơi, Hòa có nghĩ tới chuyện này không? Chắc là không. Bởi Hòa chưa từng tỏ ra tò mò hoặc hỏi han về chuyện Thoa thích gì, nghĩ gì… Thoa không ăn cay được nhưng Hòa lại muốn nồi canh chua phải bỏ nhiều ớt chỉ thiên xé lưỡi. Những ngày Thoa tới kỳ, Hòa lại nhíu mày khó chịu khi trên giường dưới đất vướng đầy tóc rối. Thoa muốn được song ca với Hòa ở đám cưới nào đó trong xóm nhưng Hòa chưa lần nào khều nhẹ. Và, Thoa muốn trước khi bốc hơi Hòa cũng phải báo trước, để khỏi phải phiền hà ba má, xóm làng. Thoa chỉ cần có vậy mà Hòa có hiểu được đâu.
Không tìm được nguyên nhân Hòa bốc hơi khiến Thoa bứt rứt, còn lại mọi thứ đã dần quen. Hàng xóm láng giềng thỉnh thoảng nhớ ra xứ này từng có một thằng tên Hòa hát như rót mật, thì cũng chép miệng than rằng: “Phải chi thằng Hòa đừng bốc hơi thì mấy đứa kia chỉ đáng xách dép cho nó”. Ba má chồng đã tin con trai mình biến mất bằng cách bốc hơi. “Thằng vô trách nhiệm!” là câu cửa miệng của ba chồng cố tình nói lớn để Thoa nghe khi có người hỏi về Hòa. Má chồng thì vỗ về an ủi: “Dâu là con gái, má nói thiệt lòng đó nghen Thoa!”. Chắc sợ Thoa buồn nên ba má chồng giờ đã không còn đối đáp xách mé nhau như trước. “Như kiểu trước đây, vui mà ba má, con cũng có buồn bã gì đâu“ - Thoa thấy không cần thiết buộc ý nghĩ của mình phải thốt ra thành lời. Càng giải thích thì càng dễ khiến người khác tin mình buồn đến mức không còn thiết sống, vì Thoa là người đàn bà đầu tiên và duy nhất trong xóm có chồng bốc hơi. Ở xứ này, có chồng cũng như không là chuyện bình thường; chuyện động trời là chuyện ba chồng Thoa có con rơi nhưng cũng đã lắng dần theo thời gian; không hiếm phụ nữ đã thẳng thừng: chỉ cần con, không cần chồng. Thoa chẳng thuộc về nhóm nào trong số đó nên theo họ, một người vợ có chồng bốc hơi dĩ nhiên phải là kẻ đáng thương nhất.
Ðêm thứ mấy sau khi Hòa bốc hơi, Thoa không còn đếm nữa. Chỉ nhớ là vào mùa se lạnh của đêm cuối năm, có tiếng rao đờn từ bên kia sông trôi về, tiếp theo là giọng xuống xề ngọt lịm ung dung đáp xuống trên cội mai đã rợp bông vàng. Ba má chồng cùng đồng thanh: “Mùi mẫn như vầy thì chỉ có thằng Hòa, vậy mà con Thoa nói nó bốc hơi!”.
“Không phải đâu ba má, anh Hòa bốc hơi thật rồi!”. Nói xong câu này, sâu thẳm trong tim Thoa có tiếng phựt khẽ khàng như tiếng của một sợi dây vừa đứt. Thoa thấy mình nhẹ hẫng, tháo tung mọi vướng víu và bay lên như diều.
Lê Minh Nhựt
Chia sẻ bài viết: |
Vài ngày qua, thông tin chỉ có 2/12 rạp hát tại TPHCM được sử dụng gây chú ý trong dư luận.
TP Hội An sẽ tổ chức nhiều sự kiện nhằm kỷ niệm 25 năm Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.
Trên màn ảnh Việt, người khuyết tật có cơ hội đóng phim chỉ ở những vai nhân vật khuyết tật.
Không để thiếu em nào có lẽ là một trong những bộ phim “khiêm tốn” nhất của Trương Nghệ Mưu, với kinh phí cực kỳ ít ỏi.
Gần đây, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa trong ngành xuất bản giữa Việt Nam và Trung Quốc đã diễn ra.
Những năm qua, di sản văn hóa đã gắn chặt với việc bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị, thúc đẩy du lịch phát triển.
Tác giả Lê Hà (sinh năm 1983, TP Huế) đã đưa bạn đọc trở về những ngày xưa cũ, để thưởng thức những món ăn bình dị, dân dã...
Việc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phải làm rào chắn, lần nữa cho thấy văn hóa ứng xử kém của một bộ phận công chúng.
Trong hải trình về với quân dân vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc (từ 9 - 16/11), âm nhạc như chất xúc tác đặc biệt,
“Hẹn sáng Chủ nhật ở chợ quê nghen”. Chợ quê mà chị em nhắn nhau rần rần trên Facebook nằm ở số 7 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TPHCM
Đề tài bạo lực học đường đã đi vào trang sách, trở thành chủ đề trò chuyện cho trẻ thơ.
Bộ ba sách ra đời là sự kết hợp hài hòa giữa lịch sử, cảm xúc và những giá trị cốt lõi về đạo đức, trí tuệ, và nghị lực.
Cùng cha mẹ già đi (Nhà xuất bản Dân trí) của tác giả Tất Khiếu Nam như một minh chứng cho sự đồng hành giữa 2 thế hệ...
Trước thềm ngày họp Quốc hội bỏ phiếu về việc tăng thuế VAT ngành văn hóa, hơn 30 DN sản xuất phát hành phim trong nước ký đơn kiến nghị phản đối.
Những ngày qua, ca khúc "Mẹ yêu con" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bỗng trở thành một trong những xu hướng thịnh hành trên mạng xã hội.
NSND Trung Hiếu khẳng định mô hình sân khấu hóa ở TPHCM cần được cả nước học tập.
Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM thông tin về tình trạng không hoạt động thời gian dài tại các địa điểm rạp Đại Đồng, rạp Long Phụng và rạp Công Nhân...
Sau 3 năm nỗ lực trùng tu với kỹ thuật sơn son thếp vàng tinh xảo, bửu tán ngai vàng triều Nguyễn dần lộ diện với vẻ đẹp uy nghi, lộng lẫy.