Thanh niên tên S.H. vội vã kêu chủ quán nhậu tính tiền và giục mấy chiến hữu kéo đến “bãi đáp”. Chúng tôi cũng vội vã đi theo.
Những phòng karaoke kỳ lạ
Chỉ 5 phút chạy xe, quán karaoke Phúc Lộc Thọ đã hiện ra sáng choang, rực rỡ ánh đèn led, người vào ra nhộn nhịp. S.H. cùng nhóm bạn yêu cầu nhân viên quán dẫn lên lầu 3, phòng 3 mà nhân viên M.L. đã đặt giúp trước đó. Phòng 3 thuộc loại phòng nhỏ nhưng giá mỗi giờ là 350.000 đồng, cao hơn giá phòng hát karaoke thông thường khoảng 150.000 đồng/giờ.
Bia, nước được mang vào. Không như các phòng karaoke bình thường, ở đây chỉ có vài lon bia, còn lại là hàng loạt chai nước suối và hai lốc nước ngọt, cùng một dĩa trái cây đủ loại. Tôi thắc mắc, S.H. liền lý giải, “dân bay” mấy ai uống bia, trái cây cũng chỉ “cho có lệ”; nước suối, nước ngọt mới là thứ được chuộng.
|
"Đào bay" đang phê "kẹo" trong quán karaoke |
“Gọi PR nhé” - nhân viên phục vụ phòng nhanh nhảu tiếp thị. Thấy tôi ngơ ngác, C. - một khách quen của quán - cho biết, P.R là “đào bay”, giống như đào ở các nhà hàng, quán bia ôm, karaoke ôm. Phục vụ vừa dứt lời thì cũng là lúc “ba mì” xuất hiện. “Ba mì” trạc tuổi tứ tuần, dẫn vào hai “đào bay” vận đầm sang trọng. "Ba mì" lễ phép: “Bữa nay thứ Hai nhưng khách đông quá, chỉ còn có hai em PR này. Mấy anh ngồi trước, lát em điều thêm mấy em nữa, phục vụ mấy anh”. “Ba mì” vừa nói xong, liền khuất dạng.
Khi cánh cửa phòng vừa đóng lại sau lưng “ba mì”, L.M. - cô phục vụ mặc váy màu trắng - quay sang hỏi khách dùng gì. Thay vì trả lời, S.H. dỗi: “Đợt trước, em cho anh cái quái gì mà nuốt vào không “lên”. M. cười giả lả: “Hôm nay có loại mới, mũi tên, đảm bảo nhanh “lên”. Nghe tên là biết”.
Theo M., “mũi tên” có màu vàng chứ không phải màu hồng hay màu trắng như mấy loại đô-mi-nô, trái dâu, AB. Trái dâu “lên” chậm nhưng êm, còn mũi tên “lên” tức thì. M. cũng báo giá: “Bữa nay kẹo (ma túy tổng hợp) 270.000 đồng, còn khay (cơm, “hàng trắng”) 1.300.000 đồng. Anh lấy không, để em gọi người mang tới?".
Sau khi thỏa thuận với S.H. xong, ánh sáng phòng ngay lập tức thay đổi, dàn đèn led nhấp nháy thay cho đèn chiếu sáng trong phòng. Hai cô đào cùng anh chàng phục vụ lấy điện thoại gắn vào dàn máy, bật nhạc sàn. Chủ yếu là những bài nhạc có âm thanh chát chúa chuyên dùng cho dân “bay”, “lắc”.
Lúc này, người phục vụ mang vào một chiếc dĩa men màu trắng có đường kính khoảng 30cm, theo sau là một thanh niên trẻ, tầm hơn 20 tuổi, mặc áo gió, đeo kính, đội mũ sụp bước vào. Cô “đào bay” ngồi kế ghé tai tôi nói nhỏ: “Người giao hàng tới”. M. đứng dậy, rút tiền thanh toán.
Không như những phòng karaoke thông thường khác, ở đây, màn hình phẳng tối om, không bật lời bài hát, chỉ có tiếng nhạc inh ỏi từ dàn âm thanh dội ra. Ban ngày, màn hình này để phục vụ khách hát, còn ban đêm, nó chỉ có chức năng đối phó nếu có đoàn kiểm tra.
Nấu “khay” trong pháo đài bay
Khi thanh niên giao hàng ra khỏi phòng, L.M. lấy viên thuốc màu hồng bẻ làm đôi, một nửa cho vào miệng, một nửa còn lại đưa cho cô bạn đồng nghiệp. Sau khi nuốt xong nửa viên hồng phiến, cô “đào bay” nhấp một ngụm nước ngọt, với lấy dĩa sứ và lôi ra hai “khay” nằm trong hai túi ni-lông nhỏ xíu rồi bắt đầu cà, nấu “khay”.
Đầu tiên, cô ta cho "khay" vào một tờ tiền giấy 5.000 đồng còn mới, cuộn lại, hơ qua lửa hộp quẹt gas vài lần cho nóng rồi đổ ra dĩa. Tiếp đến, cô ta mở bóp lấy ra một chiếc thẻ điện thoại để cà nhuyễn “khay” rồi dùng hộp quẹt hơ nóng và làm vệ sinh dĩa sứ, sau đó đổ ma túy lên dĩa nghiền, cào cho mịn, rồi vuốt thành nhiều hàng mỏng để khách hít.
Cà “khay”, nấu “khay” hết chừng 20 phút, “kẹo” bắt đầu ngấm, cô “đào bay” mở ốp điện thoại lấy ra một tờ tiền mệnh giá nhỏ vấn lại thành một cái ống hút, bắt đầu đưa “khay” mời khách dùng. Để thoái thác, tôi giả điếc, không nghe vì âm lượng của nhạc quá lớn, hoặc vờ quơ tạm bia hoặc nước suối uống đại rồi lấy cớ đang uống dở để từ chối.
Anh bạn đi cùng kinh nghiệm hơn nên chơi chiêu mạo hiểm, vờ cầm “ống hút” đưa lên mũi, nhưng không hít vào mà đợi khi tôi rú lên để thu hút sự chú ý của mọi người về mình thì nhân đó thở mạnh ra cho “khay” bay mất. Dù không dùng “khay” hay “kẹo”, nhưng trong tình thế này, chúng tôi đành giả bộ để mắt lờ đờ, cố tình huơ tay múa chân, giật đùng đùng như phê thuốc.
Theo S.H., dân chơi sẽ dùng cả “kẹo” lẫn “khay” trong “bữa tiệc”. “Kẹo” được xem như món khai vị, có tác dụng như dẫn lưu để hít “khay”. Khi “kẹo” và “khay” đã tác động vào hệ thần kinh, người ta sẽ có hai trạng thái: một là lơ mơ, lờ đờ, hai là cảm thấy hưng phấn, mạnh mẽ muốn la hét, nhảy nhót hoặc ôm người khác giới.
|
Một "đào" đang phê thuốc trong quán karaoke |
“Kẹo” thường có tác dụng trong vòng hai, ba tiếng đồng hồ, còn “khay” thì năm tiếng hoặc lâu hơn. Trong khi bay, lắc, người ta có thể sử dụng nhiều lần. Cứ tầm 30 - 40 phút, họ lại thay nhau cầm dĩa, cà “khay” hít một lần. Thậm chí “khay” còn được hòa vào nước ngọt để uống.
Sau khi hít “khay”, hai cô “đào bay” bắt đầu lắc lư đầu, tay nhịp nhịp, vỗ nhẹ lên mảng đùi trần theo tiếng nhạc. Tầm 10 phút sau, không khí “phòng bay” trở nên rôm rả và phấn khích điên cuồng, phần vì hai cô “đào bay” đã dần ngấm thuốc, phần vì có thêm đào mới. Nói là “mới” nhưng thật ra cô đào này cũng trong tình trạng đang “phê”, vì nghe nói cô ta vừa bay ở phòng trên lầu xong.
Theo H., thực ra, “boong ke” ban ngày vẫn là những phòng karaoke cho khách thông thường. Thời gian để biến phòng hát thành phòng nhạc thường là sau 23g. Hôm nay, “dân bay” báo trễ một giờ so với những ngày trước. Cách đây hơn một tuần, sinh nhật nhỏ bồ thằng T.L., karaoke Phúc Lộc Thọ mở cửa đón “dân bay” lúc 23g. Hôm nay, không hiểu sao lại đổi lịch bay qua 0g. Nếu vào trước giờ đó, quán chỉ cho khách hát karaoke, ngồi ôm "đào" theo kiểu truyền thống.
Quá trình điều tra, chúng tôi cũng ghi nhận tại khu vực đường Vành Đai Trong còn có một “pháo đài bay” khác cũng hoạt động rầm rộ không thua gì Karaoke Phúc Lộc Thọ.
Nghề... hút hít
Trước đây, “dân bay” chủ yếu là những nhóm người tụ họp lại đi chơi bời, đập phá, nhưng vài năm trở lại đây, đã có không ít cô gái lấy chuyện “bay” làm nghề… mưu sinh. Khó có thể thống kê được hiện có bao nhiêu cô gái trẻ từ các miền quê đến thành phố làm “đào bay” trong các nhà hàng, quán karaoke, quán bar.
Theo một “đào bay”, nghề này xuất hiện cách đây mới vài năm, khi một số khách sộp, Việt kiều mang “kẹo” mang “khay” vào chơi trong phòng karaoke, tập cho các tiếp viên ngồi chung chơi, chơi riết rồi ghiền. Cũng có những người bị bạn bè dụ, thử một lần thấy vui, thử thêm vài lần thì ghiền; có em cặp bồ, thấy bồ chơi rồi tập…
“Đào bay” không uống bia như “đào” ở nhà hàng, quán bia ôm mà chỉ cần chai nước suối, lon nước ngọt và trong vỏ ốp điện thoại, luôn thủ sẵn tiền mệnh giá nhỏ để nấu “khay” cùng khách. "Dân bay" nào cũng tải chức năng Sound Cloud về điện thoại của mình để nghe nhạc sàn, những bản nonstop hay Vinahouse mạnh nhất, sung nhất; khi có khách, chỉ cần gắn điện thoại kết nối vào hệ thống thiết bị của phòng và mở nhạc, là xong, rất tiện lợi và dễ dàng qua mặt nếu bị kiểm tra. Hiện, các tụ điểm karaoke biến tướng thường áp dụng chiêu này.
“Đào bay” cũng có hai dạng: “đào chuyên” làm cố định cho nhà hàng, “đào chạy” chỉ đi “bay” khi được gọi, còn thường thì họ làm công việc khác hoặc nằm nhà chờ thời. “Đào chuyên” thì có khách thường xuyên mỗi ngày, nhưng phải đi làm theo giờ giấc, không được nghỉ nhiều vì sẽ mất khách, thậm chí bị phạt, nhưng khi bị xù tiền boa hay bị ăn hiếp thì sẽ được chủ nhà hàng “bảo kê”.
Còn “đào chạy” tự do, muốn làm thì làm, muốn nghỉ thì nghỉ, nhưng khi gặp sự cố thì tự giải quyết. Có không ít đào “đi bay” theo yêu cầu của khách ở một nơi xa lạ, bị năm ba gã đàn ông quan hệ tình dục “hội đồng”, hoặc không được boa như thỏa thuận hay tệ hơn, bị khách kiếm chuyện, bỏ bơ vơ giữa đường...
|
Một "đào bay" đang "nấu khay" cho khách tại quán karaoke |
Một đêm, “đào bay” có thể kiếm được 2 - 3 triệu đồng, thậm chí gặp khách sộp, có thể kiếm được cả chục triệu đồng cho mỗi chuyến “bay”.
Tuy thu nhập của “đào bay” không tệ, thậm chí là rất nhiều tiền, nhưng cái giá phải trả của “đào bay” cũng không rẻ. Trong số hơn chục cô “đào bay” mà chúng tôi biết, đa phần phải nhập viện cấp cứu khi đang “bay”. Một “đào bay” tên L. tiết lộ, trong quá trình làm việc tại một điểm bay, L. đã tận mắt chứng kiến ba cô đang “bay” bị “gãy”, phải đưa đi bệnh viện.
Còn Q. - cô “đào bay” quê Bến Tre - lo lắng kể, mỗi tháng, cao lắm cô cũng chỉ “bay” được 10 đến 15 ngày rồi phải nghỉ cho lại sức, vì hít “cơm” hoài, chảy cả máu mũi. “Bệnh vặt thường xuyên, ngày nào cũng lắc lư thâu đêm tới sáng, hút hít. Mai mốt mục xương, hư não. Sau này không biết ra sao” - Q. âu lo.
“Đào bay” không chỉ đối mặt với bọn bảo kê, chăn dắt mà còn phải đối mặt với pháp luật: không ít “đào bay” bị cơ quan chức năng xử lý khi sử dụng ma túy cùng khách hàng. “Nhưng dính vào thì khó rút ra” - trong phút tỉnh táo, L. bộc bạch.
Nhóm Phóng Viên