Bầy heo 'ra tòa' khởi kiện việc bị thiến

15/12/2019 - 14:08

PNO - Những chú heo con trên thế giới thường được đưa ra chợ, nhưng ở Đức, chúng có thể ra tòa.

Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà hoạt động bảo vệ quyền động vật đã yêu cầu tòa án hàng đầu của Đức cấm hành vi thiến heo đực mà không gây mê - với bầy heo con được đứng tên nguyên đơn. Thủ tục đau đớn ngày càng gây tranh cãi ở châu Âu và đã bị cấm ở Thụy Điển, Na Uy và Thụy Sĩ.

Nông dân cho rằng việc thiến heo con vài ngày sau khi sinh là cần thiết để ngăn ngừa thịt heo có mùi hôi sau khi qua tuổi dậy thì.

Quốc hội Đức thông qua lệnh cấm thiến heo mà không giảm đau vào năm 2013 nhưng cũng cung cấp cho nông dân một giai đoạn chuyển tiếp 5 năm để giúp họ thích nghi với sự thay đổi, mốc thời gian này tiếp tục kéo dài đến năm 2021.

Phẫn nộ hành động chậm trễ, nhóm chiến dịch của Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật - PETA đã đệ đơn kiện lên Tòa án Hiến pháp Đức vào tháng 11 thay mặt cho những chú heo con.

Nhóm này muốn các thẩm phán thừa nhận rằng những con heo có quyền tương tự như con người, và những điều này đang bị vi phạm bởi hành động tàn ác từ việc bị thiến mà không giảm đau.

Bay heo 'ra toa' khoi kien viec bi thien
Mỗi năm tại Đức có khoảng 20 triệu con heo bị thiến để giữ độ ngon cho thịt.

Luật sư Cornelia Ziehm, người đang hỗ trợ PETA đại diện cho heo con tại tòa án lên tiếng: “Các thực thể phi nhân tính như các công ty và hiệp hội được xem là chủ thể hợp pháp. Vậy tại sao không phải là động vật?”

PETA lập luận rằng theo luật pháp Đức, động vật không thể bị tổn hại nếu không có lời giải thích hợp lý.

Việc thiến heo con - có hoặc không có gây mê - là vi phạm rõ ràng về điều này, khiến heo con tại Đức chỉ có một lựa chọn duy nhất: khởi kiện để thực thi các quyền của mình tại tòa.

Mấu chốt của vụ án là lập luận rằng ở Đức, mọi cá thể (jedermann) có thể nộp đơn khiếu nại hiến pháp nếu họ tin rằng các quyền cơ bản của họ đã bị vi phạm - thậm chí là một con heo.

Nhưng Jens Buelte - giáo sư luật tại trường đại học Mannheim - nghi ngờ liệu các thẩm phán ở Karlsruhe có nhìn nhận điều luật đó giống như vậy không: “Động vật không có quyền riêng của mình theo luật của Đức, điều đó mang đến cho vụ kiện của PETA một cơ hội thành công rất nhỏ”.

Đây không phải là lần đầu tiên các nhóm chiến dịch nộp đơn kiện thay cho động vật.

PETA đã trở thành tiêu đề toàn cầu vào năm 2015 khi yêu cầu một tòa án Mỹ cấp bản quyền cho một bức ảnh “tự sướng” mà con khỉ macaque chụp trên máy ảnh của một nhiếp ảnh gia động vật hoang dã.

Bức tranh về con khỉ cười toe toét lan truyền nhanh chóng trên internet, nhưng cuối cùng tòa án phán quyết rằng động vật không thể khởi kiện vi phạm bản quyền.

PETA lên án bản án, nói rằng con khỉ bị phân biệt đối xử đơn giản vì nó là một con vật chứ không phải người.

Tuy nhiên, tại Argentina vào năm 2016, một thẩm phán đã ra lệnh cho con tinh tinh Cecillia được thả khỏi vườn thú Mendoza sau khi đồng ý với các nhà hoạt động rằng nó được hưởng các quyền cơ bản và việc giam cầm là bất hợp pháp.

Nông dân Đức loại bỏ tinh hoàn của khoảng 20 triệu heo con mỗi năm, từ lâu đã chống lại việc thúc đẩy thiến có gây mê, với lý do thiếu sự thay thế khả thi để giải quyết vấn đề thịt heo hôi, trong một ngành công nghiệp đang phải vật lộn với sự cạnh tranh khốc liệt của nước ngoài.

Một cuộc tranh luận tương tự đang nổ ra ở Pháp, nơi Bộ trưởng Nông nghiệp Didier Guillaume gần đây cho biết việc thiến heo con mà không giảm đau nên bị cấm vào cuối năm 2021.

Linh La (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI