Bầy hầy sửa chữa chợ An Đông 1: Dân cần nhưng quan chưa vội!

21/08/2017 - 18:06

PNO - Dù các ban ngành liên quan đã thỏa thuận với tiểu thương về thời gian sửa chữa chợ, nhưng sau ba tháng mọi việc vẫn chưa được tiến hành khiến tiểu thương chợ An Đông 1 gõ cửa khắp nơi kêu cứu.

"Hứa bằng văn bản vẫn… lèo"

Chị Thái Trang, chủ sạp A91 -A92 cho biết, dù nằm ngay khu vực cửa lấy sáng nhưng sạp của chị luôn... mịt mù. Các ô cửa kính vỡ tan hoang không che được mưa gió. Lâu nay, chị và nhiều bà con tiểu thương phải che bạt, kê kệ để tránh sũng nước khi trời mưa.

Bay hay sua chua cho An Dong 1: Dan càn nhung quan chua vọi!
Chợ xuống cấp, nhếch nhác. Ảnh: Quốc Ngọc

Không những vậy, khu nhà vệ sinh mới được sửa chữa chưa đầy một năm với chi phí lên đến hàng chục tỷ đồng nay cũng đã xuống cấp trầm trọng. Sau những lần sụp trần, giờ hễ mưa xuống là nước lại nhỏ tong tong. “Nhiều người đi nhà vệ sinh phải đội nón chống ướt, thậm chí đội nón bảo hiểm vì sợ trần sụp”, một tiểu thương cho hay.

TP.HCM bước vào cao điểm mùa mưa, hàng ngàn tiểu thương kinh doanh tại Trung tâm thương mại - dịch vụ An Đông (thường gọi là chợ An Đông 1) lại thêm một năm buôn bán trong cảnh phải che bạt mỗi khi mưa xuống. Thế nên, từ tháng 5/2017, sau khi đại diện Sở Công thương công bố kết quả thanh tra, dù tiểu thương không hài lòng trước những thắc mắc còn chưa được giải đáp, song do đại diện cơ quan này và UBND Q.5 hứa sẽ dành 217 tỷ đồng để sửa chữa chợ, nên đông đảo bà con tiểu thương đã đồng ý. Và, họ kiến nghị trực tiếp với ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND Q.5 về việc sửa chữa các hạng mục với các mốc thời gian cụ thể. 

Trong văn bản thông báo về kết quả hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa UBND Q.5 và thương nhân Trung tâm thương mại - dịch vụ An Đông ngày 19/5, ông Phạm Quốc Huy đã ký kết với bà con thương nhân cụ thể như, khởi công nâng cấp 4 mặt tiền chợ trong tháng 6/2017.

Khảo sát lắp đặt đồng hồ điện tại mỗi quầy/sạp trong tháng 8/2017; thay mới gạch nền, hệ thống máy lạnh, hệ thống chiếu sáng ngoại vi… từ ngày 15/10. Song, hiện nay, chưa có hạng mục nào được triển khai. Đặc biệt, trong cuộc tiếp xúc với thương nhân gần đây, đại diện UBND Q.5 cũng chỉ thừa nhận chậm trễ và tiểu thương tiếp tục nối dài sự thất vọng.

Thấp thỏm lo cháy nổ, trộm cắp

Bà Trần Thị Kim Hường (bán quần áo tại sạp E1-2 và E1-3) kể lại sự việc xảy ra vào đầu tháng 8 vừa qua mà vẫn chưa hết hoảng hốt. Khoảng 16g, đang chuẩn bị dọn dẹp sạp, bà Hường tình cờ phát hiện một can chất đốt khoảng 10 lít do ai đó mang vào đặt tại khu vực nhà vệ sinh lầu một. “Tôi hô hoán hỏi để biết ai là chủ nhân của những thứ tuyệt đối cấm mang vào chợ này. Sau đó, một công nhân Công ty An Đại Lộc nhận đó là can dầu hỏa họ mang vào để pha sơn”, bà Hường lắc đầu.

Trao đổi với chúng tôi, đội bảo vệ chợ cho biết, về nguyên tắc, tất cả đơn vị thi công muốn đem bất cứ vật liệu nào vào chợ cũng phải thông qua quy trình kiểm soát của đội tại cửa tầng hầm phía Tây. Đặc biệt, những chất dễ cháy nổ như xăng dầu, đơn vị thi công tuyệt đối không được mang vào chợ mà phải xử lý pha chế ngay tại đội bảo vệ. Họ khẳng định gần 10 lít dầu hỏa đã được mang vào chợ qua cửa phía Bắc (đường Hùng Vương) mà không thông qua quy trình của đội.

Nhiều tiểu thương lo lắng, việc đưa dầu hỏa vào chợ, nếu có bất trắc xảy ra, hoặc có “chủ ý” nào đó, ngọn lửa sẽ thiêu rụi toàn bộ tài sản của 2.500 quầy sạp tại đây. 

Vấn đề an ninh trật tự tại Chợ An Đông 1 thời gian gần đây đang khiến tiểu thương tiếp tục sống trong lo âu. Cũng thời điểm đầu tháng 8, chủ sạp C52 và C53 phát hiện có dấu hiệu ổ khóa bị cạy. Chưa hết, bà con chợ An Đông 1 càng bàng hoàng hơn khi cũng trong tháng 8 này, Công an Q.5 đã tổ chức bố ráp, vây bắt một sới bạc ngay trong chợ. 

Cầu cứu lại cứ cầu cứu

Khi ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM trực tiếp thị sát tại chợ ngày 11/8 vừa qua, hàng trăm tiểu thương bức xúc, đưa ông đi khắp chợ, chỉ từng vị trí, hạng mục đã xuống cấp. Có người còn viết bức xúc ra giấy, gói ghém trong tập hồ sơ và trao tận tay ông Tuyến với lời nhắn nhủ “chú cố gắng đọc cho tiểu thương vui…!”. 

Ngày ông Tuyến đến chợ cũng là ngày hiếm hoi trong nhiều năm khu vực hành lang, cầu thang… chợ được dọn dẹp gọn gàng cẩn thận để tiếp đón và có cả sự bức xúc chất chồng của bà con tiểu thương về việc thu chi, sửa chữa chợ. Nhưng khi hỏi đến đâu, ông cũng nhận được sự phản hồi từ đơn vị liên quan là “vướng quy chế”. Ngay cả với những hạng mục nhỏ như mấy ô kính vỡ, khi ông hỏi “tại sao không chỉ định thầu?”, vị phó chủ tịch UBND Q.5 đi cùng lại đưa ra lý do là… vì phải tổ chức đấu thầu.  

Kết thúc buổi gặp gỡ tiểu thương, ông Tuyến trấn an bà con, ngay trong tuần sau, sẽ yêu cầu UBND Q.5 báo cáo hạng mục nào có thể đấu thầu, hạng mục nào chỉ định thầu… để đẩy nhanh tiến độ. UBND Q.5 cho biết sẽ sớm giải đáp thắc mắc của tiểu thương về chuyện được lắp đồng hồ điện cho từng sạp, hay mua bảo hiểm… Tuy nhiên, cho đến cuối tuần qua, tiểu thương vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ các đơn vị quản lý. 

“Sự việc xảy ra từ bao năm nay, tiểu thương có kiến nghị rồi cũng chỉ nhận được những trấn an và mọi chuyện cứ để đó…”, chị Thu Thùy, tiểu thương tại chợ bày tỏ. Và hễ biết được vị lãnh đạo nào chịu lắng nghe, lên tiếng trước những bức xúc của người dân, thương nhân trong chợ lại rủ nhau đến gõ cửa cầu cứu. Song, đến nay tiểu thương vẫn chưa biết bao giờ chợ An Đông 1 mới được sửa chữa.

Tiền sửa chợ “biến thành” tiền ngân sách?

Sau một tháng kiểm tra, ngày 12/5, bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - tuyên bố số tiền 217 tỷ đồng mà tiểu thương đóng góp từ bốn năm trước để sửa chữa chợ “còn nguyên”. Bà khẳng định An Đông 1 là chợ truyền thống nên không thu tiền thuê quầy sạp, mà chỉ thu phí hoa chi. Toàn bộ số tiền này phải dùng để nâng cấp, sửa chợ. Tại  buổi tiếp xúc với đại diện tiểu thương vào tháng 1/2017, ông Trần Vĩnh Tuyến cũng khẳng định số tiền hơn 200 tỷ đồng không nằm ngoài mục đích nào khác là để cải tạo chợ.

Nhiều tiểu thương cho rằng 217 tỷ đồng chính là tiền của họ, nên họ phải được quyền giám sát thu chi. “Thế mà bây giờ tiền nằm trong kho bạc, không phát sinh lãi kèm với lời hứa sửa chợ đã kéo dài đến bốn năm?”, một tiểu thương thắc mắc.

Theo luật sư Nguyễn Minh Tường (Công ty Luật Phan Nguyễn, Đoàn Luật sư TP.HCM), tiền do tiểu thương đóng góp không phải nguồn thu để tạo ra ngân sách. Do đó, không thể chuyển vào kho bạc nhà nước. Khoản này là quỹ sửa chữa chợ, ban quản lý chợ thay mặt tiểu thương quản lý. Về nguyên tắc, tiền phải được gửi vào tài khoản ngân hàng dưới hình thức đồng sở hữu, giữa một bên là đại diện tiểu thương, một bên là ban quản lý chợ. Khi thu chi, phải có chữ ký của hai bên.

Đăng Thư - Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI