'Bây giờ sao quá nhiều người căng thẳng, điên loạn, đau đớn'

30/06/2018 - 14:00

PNO - Ngày càng nhiều người khuyên nhau đi chữa lành những tổn thương tinh thần. Nhưng thực tế các khóa trị liệu, các trung tâm tư vấn tâm lý cũng nhộn nhạo như ma trận.

Chừng 10 năm trước, cụm từ “khám tâm lý, trị liệu tâm lý” hết sức lạ lẫm trong cuộc sống của chúng ta, thế nhưng hiện nay nó lại là từ khóa được tìm kiếm khá phổ biến trên Google. 

Áp lực cuộc sống dẫn đến rối nhiễu tâm lý

Cuộc sống đầy áp lực, nhiều giá trị sống thay đổi khiến chúng ta dễ dàng mắc các căn bệnh tâm lý và cần được điều trị. Trinh - một gương mặt thành công trước 30 tuổi, người đồng sáng lập Hello Weekend Market, chuỗi chợ phiên cuối tuần cho giới trẻ từng bị trầm cảm, thậm chí muốn tự tử chỉ vì những áp lực vô hình của cuộc sống.  

Còn Lan, bạn tôi, khi phát hiện chồng ngoại tình đã phải đi điều trị tâm lý do rối loạn lưỡng cực, vui thái quá và buồn cực độ. Lan cũng không thể giải thích được tại sao mình bị bệnh, dù được mọi người tư vấn chia sẻ. Lan nói: “Giờ sao nhiều người giống mình. Căng thẳng quá mức, điên loạn, đau đớn đến phát bệnh”.

'Bay gio sao qua nhieu nguoi cang thang, dien loan, dau don'
Ai cũng có thể mắc bệnh về tâm lý trong giai đoạn nào đó của cuộc đời, nhưng việc điều trị lại... lười. (Hình minh họa, nguồn Internet)

Có nhiều lý do dẫn đến rối nhiễu tâm lý: áp lực trong công việc, bận rộn nuôi con nhỏ, thất nghiệp, bị phản bội, gia đình tan vỡ, chạy theo những giá trị phù phiếm, bị so sánh với người khác, những cú sốc... khiến con người bị stress, trầm cảm mà không biết cách tự điều trị.

Vậy trị liệu tâm lý là gì? Hiểu theo cách thông dụng nhất đó là điều trị các rối loạn cảm xúc, hành vi, nhân cách và tâm thần thông qua giao tiếp ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ. Trị liệu tâm lý có hiệu quả trong điều trị bệnh trầm cảm, lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng bức, rối loạn nhân cách và một số rối loạn tâm thần khác.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2015 Việt Nam có khoảng 3.500.000 người bị rối loạn trầm cảm, chiếm 4% dân số và ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây. Mỗi năm, số lượng các ca tự tử do tâm lý bất ổn chiếm một tỷ lệ không nhỏ. 

Bát nháo các kiểu trị liệu tâm lý

Chúng tôi lên mạng tìm hiểu về các trung tâm trị liệu tâm lý. Câu nói “ra đường thấy ai cũng trầm cảm, đi đâu cũng đụng chuyên gia trị liệu” phản ánh rõ việc trong công cuộc chiếm lĩnh thị phần và tạo dấu ấn với thị trường, các trung tâm, các chuyên gia trở thành đối thủ cạnh tranh với nhau. Rất nhiều trung tâm trị liệu lao vào cuộc chiến bóc mẽ, chê bai nhau trên mạng.

Trong vai người có bất ổn về tâm lý, chúng tôi gọi đến số 0903... và được giới thiệu sẽ có một tiến sĩ tâm lý tốt nghiệp từ Mỹ về tư vấn với mức phí 5 triệu đồng/giờ. Liệu trong một giờ đồng hồ tư vấn ấy, tôi có kịp nói và nghe để giải bài toán rắc rối mình đang vướng phải? Hay cần một liệu trình điều trị bài bản, khoa học hơn?

Tôi mang thắc mắc hỏi chuyên gia tư vấn này, được cô giải thích: mức giá cao như thế để mọi người hạn chế việc đăng ký trị liệu qua điện thoại, tìm cho mình một khóa trị liệu dài hơi hơn, đúng với những gì mình đang mắc phải. 

Các trung tâm tư vấn được quản lý như thế nào về mặt chuyên môn cũng là câu hỏi chúng tôi muốn tìm hiểu. Một thạc sĩ ngành giáo dục tâm lý than phiền, bây giờ “ai cũng có thể làm thầy”.

Chị nói rằng, có người đăng ký tham gia vài khóa học của chị, học chưa xong đã thấy giới thiệu ầm ĩ trên mạng là chuyên viên tâm lý rồi mở khóa chiêu sinh. Điều khiến chị e ngại là với những khóa điều trị như vậy, người gặp vấn đề tâm lý chỉ được giải quyết ở phần ngọn vấn đề theo kiểu thấy đâu trị đó, mà không thể trị dứt điểm được gốc rễ. 

'Bay gio sao qua nhieu nguoi cang thang, dien loan, dau don'
Chuyên viên tâm lý không giỏi nghề có thể khiến bệnh tâm lý của khách hàng nặng hơn. (hình minh họa, nguồn Internet)


Thực tế cũng có vô số các buổi nói chuyện chuyên đề, các khóa học, khóa tu tập, thiền... ngắn hạn đang được quảng cáo như một liệu trình điều trị tâm lý. Nhưng đa phần người tham gia các khóa điều trị tâm lý ngắn hạn ấy rất dễ quay trở lại tình trạng cũ, thậm chí còn nặng nề hơn. 

Thạc sĩ tâm lý Ngô Minh Uy cho biết, hiện nay, chủ yếu các trung tâm được quản lý theo diện hành chính (nếu có đăng ký doanh nghiệp hoặc tổ chức dịch vụ khoa học) còn về chuyên môn thì không cơ quan nào quản lý cả. Tự mỗi trung tâm làm “thương hiệu” và xây dựng uy tín cho mình. 

Tâm Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI