Bây giờ có ai còn đợi không?

30/09/2023 - 06:08

PNO - Vợ chồng con trai ly hôn đã 15 năm. Trong 15 năm đó, bà có 2 lần gặp lại con dâu, đúng ra là 3 lần…

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lần thứ nhất là 6 năm sau khi ly hôn, con dâu tới để chia tiền miếng đất rẫy mà nhờ con đường mới mở chạy ngang qua biến đất ruộng thành khu dân cư đông vui.

Vì đó là lần đầu con dâu quay lại nên bà phập phồng hy vọng một sự hàn gắn. Cho nên khi con trai quyết định bán nửa miếng đất đó để đưa tiền cho vợ cũ “lo cho 2 đứa con ăn học”, bà không can ngăn mặc dù khi ly hôn, con dâu đã nhận phần của mình và 2 đứa con là cả căn nhà ở phố, phần con trai bà chỉ là miếng đất rẫy lúc đó còn khỉ ho cò gáy. 

Đợi chờ mà không thấy con dâu đưa cháu trở về, bà nhận ra đó chỉ là mong ước hão huyền. Bà xót xa cho con trai quá đỗi mà không biết làm sao.

Có lần, bà hỏi như đùa: “Nó bỏ bùa kiểu gì mà con tặng nửa miếng đất như không vậy?”, con trai đỏ bừng mặt mũi, gãi đầu một hồi rồi nói: “Bùa ngải gì, người ta đang nuôi con của mình mà. Chẳng phải chính má cũng nói đàn bà mang nặng đẻ đau chăm sóc con cái cực lắm đó sao?”. Ừ, thì đúng là bà có dạy con trai mình vậy, khi cả nhà còn vui vẻ bên nhau. 

Không trông mong hàn gắn nữa, bà vui vẻ hưởng ứng sự mai mối của hàng xóm, là cô bán vải tính tình xởi lởi. Cô cũng lỡ một lần đò và đang nuôi đứa con trai 7 tuổi. Có mấy lần cô tới chơi dắt theo thằng bé. Nhìn con trai mình dạy thằng bé cách lắp ráp rô bốt và cả hai cười nói hỉ hả, bà thấy mừng trong lòng.

Bà thúc hối con trai xây nhà trên nửa miếng đất còn lại. Chuẩn bị lấy vợ, ra riêng là được rồi. Ngôi nhà xây xong chưa kịp cúng tân gia thì con dâu bà xuất hiện, lần này đem theo cả 2 đứa con.

Mẹ con dắt nhau đi chợ, dắt nhau qua nhà hàng xóm chào hỏi kiểu như đây mới là chính chủ, đây mới là thừa kế ngôi nhà này, đừng hòng có kẻ nào…

Con trai bà rơi vào cảnh trớ trêu, chẳng lẽ con về thăm cha mà không cho ở? Bà cũng chẳng biết làm sao, thôi thì để coi ở lì được bao lâu. Đầu mùa hè, 2 đứa nhỏ được nghỉ 2 tuần rồi cũng phải trở về lo học thêm.

Chỉ 2 tuần mà khiến tan vỡ 1 mối tình. Dân chợ nói cô bán vải rút lui không phải vì sợ vợ cũ của người thương quậy mà sợ con mình phải chứng kiến chuyện không hay. Đàn bà nếu đi bước nữa luôn nghĩ cho con mình trước tiên.

Bà thở dài. Con dâu có nghĩ được vậy không, có dạy dỗ 2 đứa nhỏ điều hay lẽ phải hay chỉ biết ghim vô đầu con nít những tính toán tham lam và không ngần ngại chiêu trò trơ tráo?

2 năm sau, hay tin con dâu đi bước nữa, bà đâm ra hay hóng chuyện. Nghe ngóng biết được người mới của con dâu rất tốt tính mà bà mừng đến trào nước mắt. Bên đó hạnh phúc thì bên này cũng được yên ổn, bà nghĩ vậy.

Nhưng khi con trai bà quen cô bán bánh cuốn và tính chuyện sửa sang nhà trước để dời hàng bánh cuốn từ chợ về đây thì 2 đứa cháu nội xuất hiện, lý do chính đáng là con về thăm cha.

Bé chị tên Hoa, bé em tên Cúc. Qua hè này, Hoa lên lớp Mười, Cúc lên lớp Sáu. Cả hai đều là lớp đầu cấp nên phải sắm sửa nhiều thứ. Đứa lớp Mười xin ba tiền mua cái xe máy, đứa lớp Sáu xin tiền mua cái xe đạp điện và các khoản cần phải sắm sửa cho năm học mới, còn tiền học…

2 đứa cháu nội làu làu kể ra các khoản tiêu tốn cho nguyên năm học như là đã được cài đặt và nhấn mạnh: “Ba có rước ai về đây thì đừng có mê người ta mà sang tên sổ đỏ cho họ. Thời buổi này người ta mưu mô lắm đó”…

Không có mặt con dâu mà bà tưởng như con dâu sừng sững ngay trong nhà. Lời lẽ từ miệng 2 đứa cháu khiến bà điếng người, thương cháu còn nhỏ mà bị nhồi vô đầu những thứ chẳng ra gì, thương mình bất lực không biết xử sao tình cảnh này và thương con trai lại một lần nữa dở dang.

Dân chợ kể lại cô bánh cuốn rút lui không phải vì sợ 2 đứa con chồng tham lam hỗn hào. Cô cũng có 1 đứa con gái, đàn bà đi bước nữa đều nghĩ đến con mình trước tiên…

***

Con trai cho thuê ngôi nhà mới và dọn về ở chung với bà. Con trai nói thôi không vợ con gì nữa, sống với má cũng vui rồi. Bà nạt: “Má có sống đời mà nấu cơm cho mày được đâu”.

Con trai làm lơ nghĩa bóng của câu nạt nộ, trả lời theo nghĩa đen rằng khi nào má mệt thì con nghỉ làm ở nhà nấu cháo cho má cũng được mà.

Con trai bà hiền quá, dân chợ và hàng xóm đều nói vậy. 

Người đàn ông hiền lành đến nỗi bị chê là khờ, ngày ngày đi làm, tối về ngồi coi ti vi với má, thấy má gãi đầu thì nói để con nhổ tóc sâu cho. Hàng xóm xúc động khi thấy tuổi 55 nheo nheo 2 con mắt sau cặp kính nhổ tóc sâu cho 75 trước hiên nhà…

Cũng vui. Giờ thì niềm vui giản dị vậy thôi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 

***

Bà lặng người khi Hoa xuất hiện trước cổng. Rồi bà giật mình nhận ra mình quá tệ, cháu về thăm mà không được bà nội hồ hởi chào đón. Cũng tại con bé có gương mặt giống mẹ quá khiến thoạt nhìn, bà tưởng đó là con dâu. 

Hoa đẩy vali vô nhà. Cái vali khá to khiến bà gai người. Đem theo áo quần nhiều vậy là định ở lại bao nhiêu ngày?

Bà nuốt xuống tiếng thở dài cùng cơn tủi cực rằng mình vô phước tận cùng, cháu nội về thăm mà như giông bão lơ lửng ngay trên đầu. Nghe nói nó sắp lấy chồng mà không biết có khôn ra được chút nào không hay đó lại là cái cớ… 

Thôi thì đằng nào cũng… Bà sẽ không để Hoa phải nói thành lời rồi mang tiếng tham lam, hỗn hào. Dù sao thì đây là ruột thịt mà xét cho cùng, bà và con trai cũng có lỗi vì đã không làm được gì, cứ vậy mà để cho 2 đứa nhỏ thành bản sao của mẹ nó. Với tính cách đó thì lấy chồng rồi sống làm sao? Thôi thì cầu trời cho nó gặp được thằng chồng hiểu biết, rồi vợ chồng dạy nhau…

Bà lấy ra cuốn sổ tiết kiệm trị giá 1 cây vàng và nói đây là tiền ba cháu đưa lai rai bà gom lại được chừng này, làm quà tặng đám cưới. Hoa lắc đầu, cháu về thăm bà nội và ba thôi, không xin xỏ, đòi hỏi gì đâu. Bà thoáng thấy giọt nước mắt lăn nhanh trên khuôn mặt Hoa vừa quay đi nơi khác. Là sao?

***

Hoa lăng xăng dọn dẹp nhà cửa, trước khi xách giỏ đi chợ còn hỏi bà nội và ba thích ăn món gì. Cái vali khá to vì có mấy bộ quần áo và đôi giày cho ba, khăn choàng, áo len cho bà nội. 

Bà rối rắm trong lòng, vừa lo lắng vì không đoán ra chiêu trò gì vừa cảm động vì lần đầu được cháu tặng quà. 

Hàng xóm liếc nhìn qua nhà bà, đợi sóng gió nổi lên như điều đương nhiên nhưng họ chỉ thấy Hoa đang bày ba mình thắt cà vạt. “Vùng quê này chỉ sơ mi cà vạt vào dịp trịnh trọng chứ mấy khi mà bày vẽ làm chi hả cháu?” - bà chép miệng nói như rầy cháu mình tốn tiền quà hoang phí mà trong lòng rất vui vì cảnh con gái chăm sóc cha nhìn mát mắt quá chừng.

Trời đang nóng mà bà quấn cái khăn choàng thấy mát rượi. Không đoán được chuyện động trời gì sắp xảy ra nhưng thôi kệ, vui được lúc nào mừng lúc đó.

2 tuần sau, Hoa nói cháu hết phép rồi, ngày mai phải về đi làm. Liếc nhìn ba đang nhổ cỏ ngoài vườn, Hoa kề miệng sát tai bà: “Mấy cô hồi đó thương ba cháu, bây giờ có ai còn đợi không?”.

Không ngờ câu hỏi này, bà kinh ngạc và bối rối. Hoa òa khóc: “Hồi đó cháu ngu dại. Bây giờ, cháu hiểu rồi, cho cháu xin lỗi…”. 

Nguyên Hương

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI